Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

09:25, 09/04/2011

Mùa khô năm nay được đánh giá là kéo dài và khô hạn hơn so với mọi năm, gây khó khăn không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương trong đó có huyện Định Hóa. Tuy nhiên, nhờ phát huy tối đa hiệu quả của các công trình thủy lợi trên địa bàn nên kết quả gieo cấy vụ xuân của huyện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 

Xã Bảo Cường là một trong những địa phương bị khô hạn nhất trong vụ xuân năm 2010 của huyện Định Hóa. Toàn xã có 30ha lúa gieo cấy chậm thời vụ, gần 5ha phải chuyển đổi sang trồng cây mầu vì thiếu nước. Nguyên nhân chủ yếu là sự kém hiệu quả của tuyến kênh mương Thác Lầm dẫn nước từ hồ Bảo Linh có nhiệm vụ cung cấp cho hơn 100ha đất nông nghiệp của xã (chiến hơn 50% diện tích). Do tuyến mương quá hẹp (chỗ hẹp nhất chỉ rộng 30cm) lại cao hơn so với kênh dẫn nước chính nên không đủ cung cấp nước để gieo cấy. Khắc phục hạn chế này, xã đã chỉ đạo các xóm tiến hành nạo vét các tuyến kênh mương. Đội thủy nông của xã thường xuyên túc trực và điều tiết nguồn nước từ hồ cho các xóm. Ngoài ra, xã cũng huy động máy bơm và có hỗ trợ kinh phí tiền điện để bơm tát tới các chân ruộng cao và xa nguồn nước. Anh Nguyễn Thành Trung, xóm Nà Linh cho biết: “Nếu như năm ngoái gia đình tôi chỉ cấy được 1 sào lúa do thiếu nước thì năm nay cả 3 sào ruộng đều chủ động được nguồn nước để gieo cấy đúng thời vụ. Lượng nước để tưới dưỡng cho lúa cũng đảm bảo nhu cầu”. Tương tượng xã Bình Yên cũng có hơn 30ha đất nông nghiệp không thể cấy lúa trong năm 2010. Nhưng năm nay mọi chuyện đã khác, những khu vực khô hạn nhất của xã như: Cánh đồng Khang Hạ; cánh đồng đập Nạ Tán…đều đã chủ động được nước gieo cấy lúa do có 2 tuyến kếnh mới dẫn nước từ hồ Bảo Linh và hồ Bó Vàng (Thanh Định) tới.

 

Theo báo cáo của Trạm Khai thác các công trình thủy lợi huyện Định Hóa, hiện toàn huyện có 27 công trình hồ chứa và 101 đập dâng nước, trong đó có 5 hồ chứa lớn (có khả năng cung cấp nước tưới cho trên 50ha) là: Bảo Linh, Làng Gầy, Bản Piềng, Nà Tấc và Lê Lợi. Các công trình này có khả năng đáp ứng nước tưới cho khoảng 3/4 diện tích đất nông nghiệp của huyện. Để phát nâng cao quả nguồn nước từ các hồ chứa, trong năm 2010 từ các nguồn vốn khác nhau đã có hàng chục công trình kênh mương phụ trợ được đầu từ xây dựng và đưa vào hoạt động ở các xã khó khăn về nguồn nước.

 

Cụ thể như: 2 tuyến kênh mương nhánh hữu và nhánh tả sau hồ Lê Lợi có chiều dài hơn 9km, tổng vốn xây dựng 6,3 tỷ đồng, cung cấp nước cho các xã Trung Lương, Bình Yên và Sơn Phú; đập dâng nước Văn La tại xã Lam Vỹ có vốn xây dựng 2,1 tỷ đồng cung cấp nước tưới cho 63ha đất nông nghiệp của 2 xã Lam Vỹ và Tân Thịnh; hơn 6 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ đầu tư sửa chữa hệ thống tràn xả lũ, cống van lấy nước và hệ thống đường ống của hồ Làng Gầy, xã Phượng Tiến... Nhân dân các xã cũng chủ động đối ứng xây dựng hơn 20km kênh mương nội đồng. Đồng thời, từ nguồn kinh phí chống hạn, Trạm Khai thác các công trình thủy lợi huyện đã tiến hành nạo vét, tu sửa hơn 8km kênh mương ở các xã: Bảo Cường, Lam Vỹ, Kim Phượng… Ông Ma Văn Lộc, Trưởng Trạm Khai thác các công trình thủy lợi huyện cho biết thêm: Do dự báo được tình hình khô hạn kéo dài, chúng tôi đã chủ động tích trữ nguồn nước tại các hồ chứa ngay từ đầu tháng 8 (sớm hơn mọi năm 1 tháng so với mọi năm). Do vậy, đến khi thời vụ gieo cấy, các hồ đều đảm bảo có đủ lượng nước so với nhu cầu.

 

Cùng với đó, huyện Định Hóa chỉ cũng đạo tăng cường phối hợp giữa Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khai thác thủy lợi và các xã, thị trấn để nâng cao hiệu quả của các công trình thủy lợi. Trong đó rõ nét nhất là việc phân cấp quản lý, giao quyền khai thác một số công trình thủy lợi cho các xã để nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng đơn vị. Đồng thời, các địa phương cũng kiện toàn hoạt động của các tổ thủy nông để chủ động khai thác, điều tiết các nguồn nước, xây dựng lịch gieo cấy mùa vụ, tưới dưỡng cây trồng phù với kế hoạch điều tiết nước của các hồ. Ông Ma Văn Tâm, cán bộ thủy lợi xã Bảo Cường cho biết: Khác với những năm trước, năm nay chúng tôi triển khai xuống các xóm, thống nhất lịch gieo cấy của mỗi trà lúa trong chỉ trong thời gian từ 5 đến 10 ngày, phù hợp với thời gian xả nước của hồ Bảo Linh. Từ đó, bà con nâng cao ý thức chủ động mạ, các khâu làm đất… để kịp thời đón nước và gieo cấy lúa đúng thời vụ.

 

Phát huy hiệu quả của các công trình thủy lợi trên địa bàn đã giúp cho sản xuất nông nghiệp của Định Hóa được chủ động và hiệu quả hơn. Nếu như vụ xuân năm 2010, huyện có gần 200ha đất trồng lúa bị khô hạn phải chuyển sang trồng các cây mầu thì vụ xuân năm 2011 huyện đã gieo cấy được 3.741 ha lúa, vượt hơn 100ha so với kế hoạch, thời gian gieo cấy đảm bảo trong khung thời vụ quy định. Để tận dụng diện tích mặt nước tại các hồ lớn như: Bảo Linh, Làng Gầy…huyện còn xây dựng kế hoạch mở thầu cho các tổ chức, cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản, tạo điều kiện cho bà con trong khu vực phát triển kinh tế.