Phổ Yên thực hiện tốt công tác dân số - KHHGĐ

10:36, 19/04/2011

Trong những năm vừa qua, huyện Phổ Yên đã làm tốt công tác dân sô - kế hoạch hóa gia đình, thể hiện ở việc giảm tỷ suất sinh thô và tỷ lệ người sinh con thứ ba. Hai năm liền, huyện được chọn là 1 trong 2 đơn vị dẫn đầu công tác này của tỉnh.

 

Phổ Yên là huyện có quy mô dân số đông, mật độ cao (theo thống kê đến hết năm 2010, huyện có 146.172 người, mật độ 568,75 người/km2), số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng lớn. Đó là khó khăn không nhỏ cho những người làm công tác dân số của huyện trong việc duy trì mức sinh giảm cũng như giảm số trường hợp sinh con thứ ba. Trong khi đó, Trung tâm Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS- KHHGĐ) của huyện mới được tái thành lập năm 2008, đến nay vẫn chỉ có 5 cán bộ, nhân viên. Một khó khăn đáng kể nữa là tâm lý thích đông con, nhiều cháu và tư tưởng trọng nam vẫn còn phổ biến trong nhân dân trên địa bàn.

 

Xác định việc giảm và tiến tới xóa bỏ tình trạng sinh con thứ ba trở lên là mục tiêu xuyên suốt trong công tác chuyên môn, Trung tâm DS- KHHGĐ đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện áp dụng nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả tích cực. Mỗi năm, UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ cho công tác này từ 60 đến 70 triệu đồng, UBND các xã cũng đều hỗ trợ thêm cho mỗi đợt diễn ra Chiến dịch Chăm sóc sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (SKSS và KHHGĐ). Huyện ủy Phổ Yên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể cùng vào cuộc phối hợp thực hiện công tác dân số, đặc biệt là giảm số trường hợp sinh con thứ ba trở lên. Các tổ chức như: Hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, hội nông dân các cấp trong huyện đều đặt tiêu chí về vấn đề sinh con thứ ba làm căn cứ quan trọng để xét kết nạp cũng như khen thưởng hội viên. Vấn đề không sinh con thứ ba đã được đưa vào hương ước của đa số các xóm, bản. Qua đó, mỗi đơn vị dân cư sẽ tự đấu tranh, điều chỉnh. Hiện nay, ở Phổ Yên, chức danh cộng tác viên dân số và y tế thôn bản đã được thống nhất lại làm một. Vì vậy, thù lao của họ cao hơn, góp phần làm cho đội ngũ này yên tâm công tác, phát huy hơn nữa vai trò của mình.

 

Hằng năm, Chiến dịch Chăm sóc SKSS và KHHGĐ đều được tiến hành ở 18/18 xã của huyện, chia làm 2 đợt. Mỗi đợt Chiến dịch đều được Trung tâm DS- KHHGĐ huyện phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế huyện và các đơn vị liên quan khác từ khâu lên kế hoạch đến việc phối hợp thực hiện. Đợt một Chiến dịch năm nay diễn ra từ ngày 25- 3 đến 26- 4, hiện tại đã tiến hành được 12/18 xã toàn huyện. Qua các đợt Chiến dịch, những đối tượng tham gia được tư vấn thông tin cần thiết về chăm sóc SKSS và KHHGĐ; được cung cấp dịch vụ kỹ thuật về áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại (đặt dụng cụ tử cung, tiêm thuốc, uống thuốc tránh thai,…); phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản…

 

Công tác tuyên truyền cũng được Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Phổ Yên làm tốt, bằng nhiều hình thức phong phú (kết hợp truyền thông đại chúng với truyền thông trực tiếp thông qua sinh hoạt nhóm, tư vấn tại hộ, cấp phát tài liệu, lồng ghép với các hoạt động văn hóa, chính trị), phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng. Năm 2010, Trung tâm đã tư vấn cho 24.714 lượt đối tượng, cấp phát trên 20.000 tờ rơi, tiến hành 1.518 buổi nói chuyện chuyên đề, 1.140 buổi truyền thông. Trong công tác tuyên truyền, vận động, Trung tâm DS - KHHGĐ huyện đặc biệt quan tâm xác định và nhắm tới “đối tượng đích”- những người có “nguy cơ” sinh con thứ ba (gia đình sinh con gái một bề, lại ở vùng sâu, vùng xa; những cặp vợ chồng trẻ có kinh tế khá giả có tư tưởng muốn sinh thêm con), với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Các đợt Chiến dịch cùng với công tác tuyên truyền, vận động được đẩy mạnh đã góp phần quyết định làm chuyển đổi về hành vi chăm sóc SKSS và KHHGĐ của nhóm đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.

 

Nhiều biện pháp như trên được áp dụng đã mang lại những kết quả khả quan trong công tác DS- KHHGĐ của Phổ Yên trong những năm vừa qua. Về tỷ suất sinh thô: Năm 2008, là 16,08 phần nghìn, năm 2009 là 15,8, năm 2010 còn 15,6 phần nghìn. Số trường hợp và tỷ lệ sinh con thứ ba cũng liên tục giảm qua các năm: 2008 là 158 trường hợp (6,94%), năm 2009 là 110 trường hợp (4,88%), năm 2010 giảm còn 107 trường hợp (4,72%). Hai thị trấn là Ba Hàng và Bắc Sơn là những đơn vị đã 3 năm liền không có người sinh con thứ ba. Vì những kết quả đó, 2 năm liên tục 2009 và 2010, huyện Phổ Yên được chọn là một trong hai đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh vì làm tốt công tác DS- KHHGĐ. Trung tâm DS- KHHGĐ huyện 2 lần được nhận Giấy khen vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm.

 

Theo bác sỹ chuyên khoa cấp I Trần Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm DS- KHHGĐ huyện Phổ Yên thì một trong những “bí quyết” để làm tốt công tác này là Trung tâm đã tích cực động viên đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã và cộng tác viên dân số thôn, bản để họ có trách nhiệm và nhiệt tình với công việc. Họ là lực lượng quan trọng cho sự thành công của công tác dân số, nhưng thù lao lại chưa tương xứng (200.000 đồng/tháng với cán bộ chuyên trách cấp xã và 50.000 đồng/tháng với cộng tác viên dân số) nên dễ nảy sinh tâm lý chán nản. Tỉnh cần hỗ trợ thêm kinh phí cho đội ngũ này cũng như sớm thực hiện Thông tư 05 của Bộ Y tế trong việc “viên chức hóa” cán bộ chuyên trách dân số cấp xã.