Phú Lương: Vẫn còn nhiều lò gạch thủ công hoạt động

08:01, 19/04/2011

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì trong năm 2010, xóa bỏ tất cả các lò gạch thủ công trên địa bàn toàn tỉnh chỉ những lò gạch cải tiến đạt tiêu chuẩn mới được phép hoạt động. Thế nhưng cho đến nay, khoảng 60 lò gạch trên địa bàn huyện Phú Lương vẫn liên tục nhả khói gây ô nhiễm môi trường, nguyên nhân là: các hộ sống nhờ nghề này vẫn chưa tìm được việc làm mới.

 

Năm 1994-2000 là thời điểm nghề sản xuất gạch đất nung phát triển mạnh nhất ở Phú Lương. Toàn huyện có trên 200 lò gạch, với trên 1.000 lao động tham gia, sản lượng gạch của toàn huyện đạt trên 300 triệu viên/năm. Thời điểm đó, nghề làm gạch không những đã giải quyết việc làm cho một số lượng lao động khá lớn, tăng thu nhập cho nhân dân mà còn nhằm cải tạo những khu đất gò cao khó khăn về nước sản xuất thành những chân ruộng thấp để canh tác. Tuy nhiên, chính những lò gạch này lại là thủ phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nhiều cây trồng không phát triển được do nhiễm khói bụi, cùng với đó những chủ lò vì chạy theo lợi nhuận đã không ngừng múc đất tạo thành những hố, hủm sâu làm mất đất sản xuất.

 

Năm 2001, Chính phủ đã có Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2010 và thực hiện chủ trương xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công trong năm 2010. Thực hiện Quyết định này, ngày 31-5-2010, UBND tỉnh đã có Công văn số 803/UBND-TNMT về việc xóa bỏ sản xuất gạch đất sét nung, thay thế bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị nghiên cứu các giải pháp phù hợp hỗ trợ người dân chuyển đổi công nghệ sản xuất, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới để sản xuất gạch với quy mô công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng, việc chuyển đổi công nghệ không phải hộ nào cũng làm được. Đồng chí Nguyễn Huy Hà, Phó Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng Phú Lương cho biết: Chi phí để xây một vỏ lò nung gạch có ống khói công nghệ tiên tiến hiện nay phải mất 800 triệu đồng, chi phí lớn như vậy nên các hộ dân khó có điều kiện làm. Mặc dù huyện Phú Lương đã nhiều lần có công văn chỉ đạo các xã, thị trấn theo tinh thần Công văn số 803 của UBND tỉnh, đồng thời thông báo tới từng chủ lò nội dung của Công văn trên. Nhưng, tính đến nay, toàn huyện mới có 2 lò được xây dựng theo đúng quy chuẩn của Bộ Công thương, một là của HTX Liên Sơn, thuộc xã Sơn Cẩm, hai là của Công ty TNHH Quang Trung, ở xã Cổ Lũng. Chúng tôi cũng đã làm thủ tục hỗ trợ mỗi lò trên 200 triệu đồng. Còn  khoảng 60 lò thủ công vẫn đang hoạt động.

 

Chúng tôi đến xóm Làng Phan, xã Cổ Lũng đúng ngày mưa, con đường vào Làng Phan nhầy nhụa bùn đất bởi những chiếc xe tải chở gạch hằng ngày quần quã kéo đất từ các công trường làm gạch lên đường; một số lò gạch vẫn nhả những làn khói nhờ nhờ khen khét lan tỏa khắp không gian. Ông Hoàng Quý Hùng, Bí thư Chi bộ xóm Làng Phan cho biết: Toàn xóm có 215 hộ, trên 800 nhân khẩu, trước năm 2000 xóm có tới trên 100 hộ làm gạch với sản lượng khoảng 30 triệu viên/năm, thu hút khoảng 400 lao động. Mặc dù, tỉnh đã chỉ đạo đến cuối năm 2010 phải dừng hoạt động các lò gạch này, nhưng đến nay, xóm vẫn còn khoảng 20 lò đang hoạt động. Nguyên nhân là, chi phí để chuyển đổi công nghệ quá lớn chúng tôi không có điều kiện thực hiện, còn chuyển đổi sang nghề khác thì cũng phải mất một khoảng thời gian và chi phí nhất định. Hộ nào có điều kiện chuyển đổi thì cũng đã chuyển đổi rồi. Chất đất ở đây được đánh giá là rất phù hợp với phát triển cây chè, nên các hộ cần phải chuyển đổi ngành nghề đều lựa chọn trồng chè. Tính đến nay, toàn xóm có khoảng 80 hộ đã chuyển đổi từ làm gạch sang trồng chè, một số diện tích chè mới đã cho thu hoạch. Đơn cử như gia đình anh Lưu Văn Việt trước sống dựa vào nghề làm gạch, nhà có 4 sào đất anh đều múc để làm gạch, nhưng đến năm 2007, anh bắt đầu san lấp mặt bằng để trồng 4 sào chè cành. Hiện từ 4 sào chè này mỗi năm cho thu 7 lứa, mỗi lứa 40kg búp khô, bán được gần 5 triệu đồng. Những hộ chưa chuyển đổi được đều là những hộ còn khó khăn. Bản thân gia đình tôi cũng còn một lò vẫn hoạt động. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, gia đình tôi cũng có dự tính sẽ thôi làm gạch quay lại trồng chè, nhưng do kinh phí chuyển đổi không có, chúng tôi đành phải làm thêm 1-2 lò nữa để lấy vốn chuyển nghề. Nguyện vọng này đã được tôi trình bày rõ trong đơn gửi chính quyền địa phương.

 

Theo lời đồng chí Bí thư Chi bộ Làng Phan, chúng tôi tìm đến UBND xã Cổ Lũng, lật giở những lá đơn của những hộ dân làm gạch, chúng tôi thấy quả thực các hộ này hầu hết là đều vay vốn ngân hàng để sản xuất, đều có chung một nguyện vọng là đề nghị gia hạn thêm thời gian hoạt động của lò gạch để kiếm thêm chút vốn trả nợ và chuyển đổi nghề. Trong đơn, anh Nguyễn Đức Sơn, xóm Đồi Chè trình bày: Tôi vừa vay ngân hàng 40 triệu để xây lò gạch, vừa đi vào hoạt động chưa đầy 1 năm thì có công văn của xã yêu cầu dừng hoạt động, nên tôi đang rất hoang mang không biết lấy tiền đâu mà trả nợ, đề nghị các cấp, ngành gia hạn thêm thời gian sản xuất thêm 24 tháng để tôi lấy tiền trả lại ngân hàng.

 

Từ khó khăn này, thiết nghĩ để chấm dứt hẳn hoạt động của các lò gạch thủ công, đồng thời tạo điều kiện cho các hộ dân trong bước đầu chuyển nghề, ngoài việc hỗ trợ các hộ chuyển đổi công nghệ từ lò thủ công sang lò cải tiến, các cấp, ngành chức năng cũng cần tính đến việc hỗ trợ các hộ dân chuyển đổi nghề nhằm giảm bớt khó khăn cho nhân dân.