Rùa Hồ Gươm không thể sống lâu trên cạn

13:54, 18/04/2011

Sức khỏe Rùa tiến triển tốt và có thể trở về môi trường tự nhiên, nhưng tình trạng nước hồ Gươm còn ô nhiễm sẽ khiến việc điều trị trở nên vô ích. Trong khi đó, nuôi nhốt lâu trong bể để chờ cải tạo hồ xong, sẽ khiến rùa mất kỹ năng sinh tồn hoang dã.

 

Tiến sĩ Bùi Quang Tề, tổ trưởng tổ chẩn đoán và chữa trị Rùa hồ Gươm, cho biết rùa cần sống trong môi trường nước đủ sạch để làm thoáng lớp da mềm mỗi khi nó ẩn mình dưới đáy nước.

 

Nhưng kết quả phân tích mẫu nước hồ Gươm cho thấy trong hồ còn có nhiều vi khuẩn, nấm, sinh vật, tảo độc.

 

"Để cụ Rùa quay lại môi trường nước hồ Gươm trong khi việc làm sạch hồ chưa hoàn thành, tức là việc chạy chữa cho Rùa bấy lâu nay trở nên vô ích. Chúng tôi đã kiến nghị lên thành phố Hà Nội cần khẩn trương làm sạch nước hồ Gươm", tiến sĩ Tề nhấn mạnh.

 

Với tình trạng sức khỏe như cụ Rùa hiện nay, ông Tề cho rằng, chỉ cần hai đến ba tuần là có thể thả cụ ra. Thế nhưng nước hồ Gươm mới được cải tạo được một phần nhỏ diện tích, dự kiến hai đến ba tháng nữa mới hoàn tất công việc này.

 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thủy sản, ba tháng là khoảng thời gian dài và có thể gây tác động xấu đối với tập tính của động vật hoang dã.

 

Theo tiến sĩ Nguyễn Viết Vĩnh, thành viên hội đồng chữa trị, nếu để cụ Rùa lâu trong bể, cụ sẽ quen với điều kiện nuôi nhốt, được con người cho ăn, nguy cơ cụ bị thuần hóa rất lớn. "Do đó, hoàn thiện môi trường hồ Gươm là vấn đề mang tính tiên quyết trong lúc này", tiến sĩ Vĩnh nói.

 

"Dù sống trong bể điều dưỡng sạch sẽ, nhưng Rùa vẫn thiếu các vi chất tự nhiên có trong bùn. Điều đó sẽ gây nguy cơ phát sinh bệnh mới hoặc Rùa bị sốc khi trở lại môi trường tự nhiên".

 

Một yếu tố nữa khiến các nhà khoa học lo ngại, là bể dưỡng thương Rùa làm bằng thép, trong khi mùa hè đang đến gần. "Nhiệt độ trong bể thép sẽ lên cao, gây nguy hiểm cho Rùa", ông Vĩnh dự đoán.