Xây dựng nông thôn mới: Quan tâm ngay từ khâu quy hoạch

14:11, 04/04/2011

Theo con số thống kê mới đây, sau khi rà soát, đánh giá thực trạng tình hình xây dựng nông thôn mới (NTM), trong số 143 xã trên địa bàn Thái Nguyên mới chỉ có 01 xã đạt tiêu chí về giao thông (đạt 0,69%), 02 xã đạt tiêu chí quy hoạch và xây dựng quy hoạch (đạt 1,39%); 6 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên theo 19 tiêu chí quy định của Trung ương (đạt 4,17%).

 

Ngay sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 của Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Thái Nguyên đã xây dựng chương trình hành động cụ thể và ra Chỉ thị về xây dựng NTM. Các nội dung chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NQTW7), vấn đề xây dựng NTM đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và triển khai theo tinh thần đổi mới, sáng tạo, phù hợp với tình hình của địa phương; cấp tỉnh do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo, cấp huyện và xã do đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp làm trưởng ban chỉ đạo. Bộ phận giúp việc Ban Chỉ đạo của tỉnh đã được thành lập, trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh trên cơ sở trưng tập các đồng chí cán bộ có nhiều kinh nghiệm và khả năng công tác của một số ban, ngành trong tỉnh.

 

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tiến bộ, giá trị sản xuất toàn ngành tăng bình quân 5,04% một năm. Sản lượng lương thực 3 năm qua tăng vững chắc, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn, góp phần quan trọng vào phát triển nông thôn và ổn định xã hội (bình quân lương thực đầu người năm 2008 đạt 366,1 kg/người/năm, đến năm 2010 đạt 369,5 kg/người/năm). Sản lượng chè tăng bình quân 8,2%/năm; sản lượng các cây trồng khác có mức tăng 5-9% (ngô 5,6%, lạc 7,4%, sắn 8,9%...).

 

Trong chăn nuôi đã có xu hướng phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; phát triển đàn gia súc, gia cầm và một số vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường; nuôi trồng thủy sản từ năm 2008 (đạt 4.301 tấn) đến 2010 (đạt 5.250 tấn) tăng trên 22%. Bình quân hàng năm trồng mới được 6.000ha rừng tập trung, trên 1.000ha rừng phân tán. Giá trị sản xuất trên một ha đất canh tác tăng cao (năm 2008 đạt 44 triệu đồng, năm 2010 đạt 54 triệu đồng). Tỷ lệ số dân ở nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 70% (theo tiêu chí mới), trong đó 51% đạt Quy chuẩn của Bộ Y tế.

 

Hoạt động hỗ trợ xây dựng kế cấu hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, các kết cấu hạ tầng tiểu thủ công nghiệp gắn với nông nghiệp, nông thôn được quan tâm. Hiệp hội làng nghề của tỉnh đã được thành lập và đi vào hoạt động. Trên địa bàn toàn tỉnh đã có 158 làng có nghề (trong đó có 152 làng nghề tiểu thủ công nghiệp); 32 làng đã được UBND tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, làng nghề truyền thống; 29 làng nghề đang được trình UBND tỉnh phê duyệt. Tỉnh đang chỉ đạo xây dựng hoàn chỉnh 2 làng nghề điểm để nhân rộng mô hình.    

 

 Đường giao thông nông thôn ở xã Nga Mi, Phú Bình đã được bê tông hóa

 

Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là quy trình huy động tổng hợp mọi nguồn lực để xây dựng NTM do người dân là chủ thể thực hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng và điều hành, hướng dẫn tổ chức của Nhà nước.

 

Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu và đổi mới cách thức trong sản xuất còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh thấp, thiếu mô hình sản xuất hiệu quả, chưa đủ sức phát triển hàng hóa, chưa phát huy tốt các nguồn lực. Công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm, chưa đủ sức thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn còn yếu kém; năng lực thích ứng, đối phó với thiên tai chưa đủ mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn còn thấp, chênh lệch giàu, nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng còn lớn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nhận thức về xây dựng NTM của một bộ phận nhân dân còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM chưa đáp ứng yêu cầu…

 

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác quy hoạch, những tháng đầu năm nay, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh đang tích cực chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bước lập quy hoạch, đảm bảo sự liên kết giữa các địa phương và mối liên hệ chung với cả vùng; các xã phải xác định được hiện trạng và tự xây dựng kế hoạch một cách khả thi, được sự đồng thuận cao của chính quyền cơ sở và cộng đồng dân cư. Bám sát 19 tiêu chí quy định của Trung ương, khi xây dựng quy hoạch, cấp xã cần tập trung vào các nội dung chính như: Chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (giao thông, trường học, nhà văn hóa, các công trình thủy lợi…).

 

Trong quá trình xây dựng quy hoạch, cần phải lấy ý kiến góp ý của cộng đồng dân cư từ khâu khảo sát, lập danh mục đầu tư, xác định nguồn vốn đến khâu hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân là người hưởng lợi. Cần lưu ý phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có lợi thế, có giá trị, có sức cạnh tranh cao; lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các nội dung trong quy hoạch để xây dựng kế hoạch thực hiện một cách hợp lý, bảo đảm hoàn thành nội dung theo kế hoạch đã đề ra, đồng thời chú trọng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư.

 

Tỉnh sẽ chỉ đạo tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về xây dựng NTM cho cán bộ trực tiếp tham gia xây dựng quy hoạch, quản lý, điều hành và triển khai thực hiện ở cấp xã. Trong phân bổ vốn hỗ trợ thực hiện các chương trình, kế hoạch xây dựng NTM, phần vốn dành cho công tác đào tạo, tập huấn cán bộ và công tác quy hoạch, tuyên truyền được chú trọng; ưu tiên hỗ trợ các xã điểm xây dựng quy hoạch trước để tổ chức nghiệm thu và triển khai thực hiện; phấn đấu hoàn thành việc xây dựng quy hoạch cho 100% số xã trên địa bàn tỉnh trong năm 2011, 24% số xã (35/143 xã) đạt các tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015.

 

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc và hưởng ứng của toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, chúng ta hy vọng sẽ huy động được mọi nguồn lực của toàn xã hội xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại, bảo tồn được bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc./.