Cần gấp rút bảo vệ các hiện vật ngoài trời trong Khu di tích Điện Biên Phủ

10:45, 05/05/2011

Du khách tới tham quan Khu di tích Điện Biên Phủ hôm nay, đều cảm thất xót xa khi chứng kiến cảnh nhiều hiện vật ngoài trời bị xuống cấp bởi thời gian. Trước thực trạng này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã đề nghị tỉnh Điện Biên lập dự án xây dựng mái che để bảo vệ các hiện vật ngoài trời tại Khu di tích.

 

Vào thời điểm những ngày tháng 5 lịch sử này, rất nhiều du khách trong và ngoài nước, từ Hà Nội theo quốc lộ 6 qua Sơn La, Thuận Châu, vượt đèo Pha Ðin sang Tuần Giáo để đến với Khu di tích Ðiện Biên Phủ - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến anh dũng chống thực dân Pháp.

 

Ngược dòng thời gian trở về thời điểm gần 60 năm trước... Từ cuối năm 1953, thực dân Pháp đã đổ quân chiếm đóng Ðiện Biên. Thung lũng Ðiện Biên từ một vùng đất màu mỡ với bốn bề là núi bao quanh với nhiều ngọn đồi ở phía Đông và cánh đồng Mường Thanh dài 20km, rộng 6km, có sông Nậm Rốn chảy qua... bỗng chốc trở thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh của Pháp được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.

 

Không chấp nhận sự chiếm đóng của thực dân Pháp, ngay tại thung lũng Ðiện Biên, quân và dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng suốt 55 ngày đêm với đội quân viễn chinh xâm lược của thực dân Pháp (từ 13-3 đến 7-5-1954), bắt sống tướng Ðờ Catri (De Castries) và toàn bộ ban chỉ huy, loại khỏi vòng chiến đấu 16.000 quân địch. Chiến thắng Ðiện Biên Phủ của quân và dân ta đã gây tiếng vang lớn khắp năm châu, chấn động địa cầu.

 

Ngày nay, khi tới thăm Khu di tích Điện Biên Phủ du khách sẽ ghé thăm các di tích gắn với chiến trường Ðiện Biên năm xưa như: đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Ðộc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy của tướng Ðờ Catri... Và câu chuyện bắt sống tướng Ðờ Catri đến nay vẫn được nhắc đến như một huyền thoại.

 

Hầm Ðờ Catri

 

Là một trong những cứ điểm quan trọng nhất trong tập đoàn cứ điểm của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, đồi A1 nằm theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, bao gồm 2 đỉnh: Tây Bắc cao hơn 490m, Đông Nam cao hơn 493m. Sau nhiều trận chiến vô cùng ác liệt đã diễn ra ở đây, trước khi bắt sống tướng Đờ Catri, lúc 4h sáng ngày 7-5-1954 quân đội Việt Nam đã chiếm được đồi A1 - một địa danh ghi dấu khí phách đấu tranh kiên cường của dân tộc Việt Nam.

 

Đến thăm đồi A1, nhiều du khách gọi quả đồi này với cái tên thân thương: Đồi Chiến Công. Trên đỉnh Tây Bắc của đồi có đài kỷ niệm được xây theo kiểu “Tam sơn”, ở giữa cao, hai bên thấp... Phía trước là lư hương, ở giữa là tấm bia, phù hiệu Quốc kỳ, xung quanh là vòng tương hoa. Bên cạnh đài kỷ niệm là xác một trong hai chiếc xe tăng nặng 18 tấn mà tên Quan Ba Hécvuê đưa từ trung tâm Mường Thanh lên để phản kích quân đội Việt Nam. Một di tích quan trọng nữa là hố hình phễu to bằng cái “ao đình” cạn. Đó là dấu tích trận nổ khối bộc phá nghìn cân của quân ta, mà chiến sĩ ta thường gọi “đào hầm để trị hầm”, trị cả hầm, cả lô cốt cố thủ của giặc... Trong thời gian chiến tranh, đối với thực dân Pháp đồi A1 còn nghĩa là “tập đoàn cứ điểm". Ðối với quân và dân Việt Nam, nếu ta diệt được cứ điểm A1 thì mới có thể mở đường tiến lên phía trước tiêu diệt được quân thù. Chính vì vậy, những trận đánh trên đồi A1 luôn là những trận chiến đấu quyết liệt nhất trong chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ kiêu hùng của quân và dân ta.

 

Gắn liền với lịch sử dân tộc, ngày nay, Khu di tích Điện Biên Phủ đã trở thành một biểu tượng của tinh thần, ý chí và là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân Việt Nam. Trải qua thời gian, nhiều hiện vật của quần thể di tích này đang bị xâm hại và nhanh chóng xuống cấp.

 

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VHTT&DL trong đợt làm việc tại tỉnh Điện Biên từ tháng 5-2009, Cục Di sản văn hóa đã công văn số 363/BVHTTDL-SDVH đề nghị UBND tỉnh Điện Biên lập dự án xây dựng mái che các hiện vật ngoài trời như: xe tăng, pháo, ổ đại liên tại Trung tâm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của quân đội Pháp (hầm Ðờ Catri) và những hiện vật khác tại Khu di tích Điện Biên Phủ để kéo dài “tuổi thọ” của các hiện vật. Tuy nhiên, 2 năm trôi qua, Bộ VHTT&DL vẫn chưa nhận được hồi âm về dự án trên. Trước nguy cơ các hiện vật ngoài trời ngày một xuống cấp, mới đây, Bộ VHTT&DL tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Điện Biên khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh lập Dự án án xây dựng mái che các hiện vật ngoài trời tại Khu di tích Điện Biên Phủ trình Bộ thẩm định.

 

Bộ VHTT&DL giao cho Cục Di sản văn hóa khảo sát thực tế tại di tích để cùng các cơ quan chức năng của tỉnh thống nhất định hướng, nội dung cơ bản của dự án. Hy vọng, UBND tỉnh Điện Biên sẽ sớm triển khai dự án để những hiện vật của chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” năm xưa mãi trở thành bất tử...