Chủ động phòng, chống bão lụt

08:11, 04/05/2011

Phú Lương là huyện miền núi, có địa hình chuyển tiếp giữa vùng núi cao và vùng đồi gò, độ cao giảm dần từ Bắc xuống Nam, do vậy đã cản trở sự di chuyển của các khối không khí nên thường chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão, mưa đá và lốc xoáy.  

 

Trên địa bàn huyện có 2 con sông là: Sông Đu và sông Cầu, nhưng lại có nhiều khe suối nên mùa khô lượng nước ít, còn mùa mưa thì lượng nước lại dâng nhanh, chảy xiết, vì thế thường gây thiệt hại về hoa màu và nhà cửa của nhân dân. Toàn huyện có 160 công trình thủy lợi, tuy nhiên công tác duy tu, nâng cấp các công trình vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nên nguy cơ tràn, vỡ hồ đập vẫn có thể xảy ra. Những năm gần đây, thời tiết diễn biến thất thường, hay xảy ra mưa bão, mưa đá, lũ lụt, lốc xoáy, hạn hán, rét đậm, rét hại… gây thiệt hại về người và ảnh hưởng đến sản xuất của nhân dân. Chỉ tính riêng trong năm 2010, trên địa bàn huyện đã xảy ra 6 đợt mưa to, mưa đá, lốc xoáy tại 13 xã, thị trấn, làm 6 người chết, 384 ngôi nhà bị đổ và tốc mái, thiệt hại gần 60ha cây màu với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng, nhiều công trình thuỷ lợi, cầu cống ở các xã như: Phú Đô, Vô Tranh, Tức Tranh, Cổ Lũng, Yên Đổ… bị hư hỏng nặng, ước tính thiệt hại trên 4 tỷ đồng.

 

Năm 2011 được dự báo là năm thời tiết diễn ra hết sức phức tạp, bão lụt, gió lốc… có thể diễn ra nhiều hơn so với năm 2010, trên địa bàn huyện có thể xảy ra một số cơn gió lốc, gió xoáy, mưa kéo dài gây úng lụt cục bộ, trong tháng 5, 6, 7 có thể có mưa lớn kèm theo gió lốc. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, đến nay huyện đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai (PCLB-GNTT) gồm 18 đồng chí và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời huyện cũng đã xác định các mục tiêu trọng điểm như: Khu vực có thể xảy ra ngập úng, lũ lụt gồm: Thị trấn Đu, Giang Tiên, xã Động Đạt, Phấn Mễ, Vô Tranh, Cổ Lũng, Sơn Cẩm, Yên Ninh; khu vực có nguy cơ sạt lở đất là: Xã Yên Ninh, Yên Trạch, Phú Đô, Phủ Lý, Ôn Lương; khu vực có thể xảy ra lũ quét, lũ ống là xã Yên Ninh; khu vực có nguy cơ xảy ra lốc xoáy là các xã: Yên Trạch, Ôn Lương, Yên Đổ, Yên Lạc, Phú Đô. Đối với những mục tiêu trọng điểm này, huyện luôn duy trì trực sẵn sàng hành động khi có tình huống xảy ra theo phương châm 4 tại chỗ, huy động tổng lực lượng về người, phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước, tài sản sau. Đối với những địa phương khác, huyện cũng luôn chủ động phòng, tránh, đối phó kịp thời, khắc phục nhanh, có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính.

 

Để công tác cứu hộ được thực hiện kịp thời, có hiệu quả, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương phải luôn duy trì 4 bảo đảm: Thông tin liên lạc, tuần tra canh gác, cơ động, hậu cần kỹ thuật. Để thông tin liên lạc được thông suốt, tránh trục trặc, Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện đã huy động một tiểu đội thông tin vận động dân quân của thị trấn Đu và các mạng lưới thông tin hiện có để chỉ đạo, chỉ huy các lực lượng khắc phục hậu quả thiên tai. Các xã, thị trấn tổ chức thông tin vận động từ 3-5 đồng chí để nhận chỉ thị, mệnh lệnh, quân số. Các đơn vị tham gia phối hợp ứng cứu tự tổ chức mạng thông tin để chỉ huy, chỉ đạo lực lượng ứng cứu của mình, hiệp đồng chặt chẽ, thường xuyên giữ vững liên lực với Ban Chỉ huy PCLB-GNTT huyện. Đối với công tác tuần tra canh gác, các xã, thị trấn tổ chức 1 tiểu đội dân quân tại chỗ phối hợp với Công an tuần tra canh gác bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đồng thời các xã, thị trấn cũng tự bảo đảm phương tiện cơ động. Huyện đã hiệp đồng với các đơn vị trên địa bàn bảo đảm phương tiện chở lực lượng vật chất cơ động, Sư đoàn 346 là 2 xe tải, Kho K87B là 2 xe tải, Công an huyện và Trại giam Phú Sơn 4 theo phương tiện hiện có của đơn vị. Ngoài ra, tùy tình hình có thể huy động phương tiện của các công ty, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên địa bàn. Ban Chỉ huy PCLB-GNTT bảo đảm vật chất cứu hộ, cứu nạn như: Xuồng máy, áo phao, phao cứu sinh, dây thừng, bạt dứa… các đơn vị thành viên bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men cho lực lượng của mình trong thời gian 7 ngày.

 

Đồng chí Ma Văn Rục, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCLB-GNTT huyện cho biết: Nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì việc xử lý tình huống sẽ không tránh khỏi lúng túng, chính vì vậy, huyện đã dự kiến 4 tình huống có thể xảy ra là: Lũ quét, gió lốc, ngập lụt, sạt lở đất. Ở mỗi tình huống này, huyện cũng đã chuẩn bị cách xử lý.