Giải pháp cơ bản là nguồn lực và cơ chế chính sách

14:34, 03/05/2011

Nghị quyết số 37-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng trung du và miền núi Bắc bộ (Nghị quyết 37-NQ/TW), Thái Nguyên được xác định là trung tâm kinh tế, giáo dục đào tạo, y tế của vùng Đông Bắc. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thông qua Đề án về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015.

 

Những bước chuyển vững chắc

 

Sau gần 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 37-NQ/TW, những bước chuyển vững chắc trong phát triển KT-XH của tỉnh đã được thể hiện rõ nét. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2010 đạt khoảng 10,82%/năm, cao hơn bình quân giai đoạn 2001-2005 là 1,68%. GDP bình quân đầu người theo giá thực tế năm 2010 đạt 17,5 triệu đồng/người, tương đương khoảng 950 USD, gấp 2,62 lần so với năm 2000. Các dự án lớn, công trình trọng điểm như: Khai thác và chế biến mỏ đa kim Núi Pháo, mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy xi măng Thái Nguyên… đã được đưa vào danh mục và tập trung triển khai thực hiện. Hiện nay Nhà máy xi măng Thái Nguyên đã hoàn thành và đi vào sản xuất. Các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như khai thác chế biến khoáng sản, phát triển công nghiệp luyện kim, cơ khí chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng,… đã thu hút được các nhà đầu tư. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, bảo đảm an ninh lương thực. Kinh tế nông thôn và đời sống nhân dân đã được cải thiện hơn trước. Việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển giống mới có năng xuất, chất lượng cao; phát triển các cụm, khu công nghiệp, làng nghề tiểu thủ công nghiệp đã có tác động tích cực đến phát triển sản xuất, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo.

 

Phát triển du lịch, dịch vụ và thương mại đạt mức tăng trưởng bình quân 11,86% năm. Các khu du lịch ATK, Hồ Núi Cốc, hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà… được tập trung đầu tư; quy hoạch phát triển hệ thống siêu thị, chợ; kế hoạch phát triển thương mại điện tử được quan tâm. Dịch vụ ngân hàng tăng nhanh, hiện đã có gần 20 ngân hàng thương mại mở chi nhánh trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết về vốn cho phát triển kinh tế - xã hội. Thái Nguyên là một trong những địa phương trong cả nước về cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước theo quy định của Chính phủ, đảm bảo tiến độ. Sau chuyển đổi, các doanh nghiệp đều hoạt động có hiệu quả, thu nhập đầu người và đóng góp vào ngân sách đều tăng so với trước khi chuyển đổi. Tỉnh đã tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ về cả giao thông vận tải, thủy lợi, điện, nước, dịch vụ viễn thông… bằng nhiều nguồn vốn, tạo diện mạo mới cho các khu đô thị, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển dịch vụ, đồng thời góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.

 

Đề án phát triển Đại học Thái Nguyên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, đang được tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất và mở rộng ngành nghề đào tạo. Các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề được củng cố và mở rộng; nâng cấp các cơ sở đào tạo, xây dựng các trung tâm giáo dục - đào tạo do tỉnh quản lý; hiện nay, tất cả các huyện đều có trung tâm dạy nghề. Việc giải quyết các vấn đề xã hội như: Xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà dột nát… được quan tâm và triển khai đồng bộ, đúng đối tượng.

 

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

 

Tuy có nhiều bước chuyển biến vững chắc, song vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đang đặt ra. Sự phối hợp với tỉnh để triển khai nhiệm vụ của một số bộ, ngành Trung ương chưa được thường xuyên, liên tục. Nguồn lực hỗ trợ của Trung ương để thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết còn quá ít, nguồn lực địa phương hạn hẹp, chưa đáp ứng nhu cầu đề ra. Các dự án quan trọng về hạ tầng giao thông như Quốc lộ 3 cũ, đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên triển khai còn chậm; các tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu xá chưa được triển khai thực hiện.

 

                     Phát triển công nghiệp ở thị xã Sông Công

 

Việc lựa chọn khâu đột phá trong từng lĩnh vực và sự vào cuộc của một số địa phương, ngành trong tỉnh chưa rõ nét; còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào hỗ trợ của cấp trên. Trong công nghiệp, đa số phát triển theo chiều rộng, chủ yếu là gia công; công nghiệp chế biến chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng thấp. Để xây dựng các cơ sở y tế chuyên sâu, hình thành các trung tâm y tế chất lượng cao, phấn đấu trở thành trung tâm y tế vùng Đông Bắc, tỉnh đã xây dựng kế hoạch báo cáo Bộ Y tế nhưng đến nay chưa được phê duyệt.

 

Trong bối cảnh chung của khủng hoảng kinh tế thế giới, Tỉnh cũng phải gách chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Nổi bật lên hàng đầu là áp lực của việc nâng cao năng lực và duy trì năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trên thị trường trong nước và thế giới; sự đòi hỏi phải tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh, mà trọng tâm là làm thay đổi khu vực nông nghiệp, nông thôn.

 

Giải pháp cơ bản

 

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết 37-NQ/TW giai đoạn 2011- 2015, Tỉnh đã thống nhất chỉ đạo tập trung vào hai nhóm giải pháp chủ yếu, đó là nguồn lực và cơ chế chính sách.

 

Với nguồn nhân lực, phát huy lợi thế là trung tâm của vùng về giáo dục và đào tạo, tỉnh sẽ tiếp tục có cơ chế chính sách ưu đãi thu hút những người có học hàm, học vị cao về công tác tại các ngành, lĩnh vực trọng điểm đang tập trung ưu tiên phát triển. Tăng cường sự gắn kết giữa địa phương và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn để tranh thủ tối đa nguồn tri thức phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục củng cố và ưu tiên phát triển mạng lưới đào tạo nghề, đặc biệt là ưu tiên xây dựng trường nghề của tỉnh, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực lao động kỹ thuật có tay nghề cho phát triển công nghiệp trên địa bàn. Thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo để đào tạo nhân lực theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; Nhà nước thực hiện hỗ trợ một phần kinh phí đào tạo cho các đối tượng chính sách, hỗ trợ cho nông dân chuyển đổi nghề nghiệp; đào tạo đội ngũ cán bộ các doanh nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ của Chính phủ. Về nguồn vốn đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục có những giải pháp nhằm huy động tổng hợp các nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước, vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn trong dân cư, vốn tín dụng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn từ các doanh nghiệp ngoài tỉnh… Trong khoa học - công nghệ, tập trung xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ, ưu tiên công nghệ hiện đại kết hợp với công nghệ truyền thống phù hợp với trình độ sản xuất của tỉnh; đẩy nhanh tốc độ chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ đặc thù trong khai thác, chế biến khoáng sản, chế biến nông lâm sản…

 

Trong nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, tỉnh sẽ lựa chọn một số ngành, sản phẩm mang tính đột phá để tập trung nguồn lực đầu tư, đặc biệt là kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Xây dựng đề án xúc tiến đầu tư theo hướng quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo lợi thế khác biệt, tạo môi trường thân thiện giữa chính quyền, người dân, xã hội với doanh nghiệp, các doanh nhân - những người đang tìm cơ hội đầu tư. Tập trung tạo quỹ đất và quản lý quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, bảo đảm sử dụng có hiệu quả đất đai gắn với bảo vệ môi trường, bảo đảm sự hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người dân, nhà đầu tư. Tăng cường công tác cải cách hành chính và bồi thường, giải phóng mặt bằng…

 

Hy vọng, với những giải pháp thiết thực, hiệu quả, cùng với sự quan tâm của các bộ, ban ngành Trung ương, Thái Nguyên sẽ sớm trở thành Trung tâm vùng Đông Bắc như Nghị quyết 37-NQ/TW đã đề ra.