Hồi ức của người quay những thước phim cuối cùng về Bác

15:40, 18/05/2011

“Đưa tay gạt nước mắt, tôi cứ thế bấm máy quay mà trong suy nghĩ không chủ đích mình sẽ quay những hình ảnh gì về Bác"… Đó là lời tâm sự của Trung tá về hưu Nguyễn Thanh Xuân (sinh năm 1931), hiện sống ở xóm Liên Sơn 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.  

 

Kỷ niệm cuối cùng về Bác

 

Mùa xuân năm 1952, theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Thanh Xuân lên đường nhập ngũ. Tại đơn vị Công binh 151 (thuộc Sư đoàn Pháo binh 351), ông đã tham gia làm nhiệm vụ mở đường cho những trận chiến khốc liệt trong chiến dịch Tây Bắc, chiến dịch Điện Biên Phủ...

 

Năm 1959, Tổng cục Chính trị quay thước phim đầu tiên mang tên "Dưới cờ quyết thắng" nhằm kỷ niệm 15 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, đơn vị của ông được mời tham gia đóng một trường đoạn trong bộ phim này. Chính bản thân ông cũng không ngờ rằng, đây là cơ duyên giúp ông bén rễ với nghiệp cầm máy.

 

Sau khi tham gia bộ phim, ông chính thức được điều về làm việc trong ngành điện ảnh quân đội phụ trách khói lửa. Không được đào tạo chính thức nhưng niềm đam mê điện ảnh ngấm dần luôn thôi thúc ông tìm tòi, học cách sử dụng máy mỗi khi có dịp.

 

Năm 1966, chiến tranh phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt, ông được đơn vị chính thức giao máy quay. Những thao tác bấm máy “học lỏm” thời gian trước đây đã được ông phát huy tác dụng trong thực tiễn cầm máy. Bộ phim đầu tay của ông Xuân hoàn thành được mang tên "Nhằm thẳng quân thù mà bắn" ca ngợi về Tiểu đoàn Anh hùng Nguyễn Viết Xuân.

 

Đến năm 1975, trong khi cùng đoàn đi làm bộ phim “Đại thắng mùa xuân năm 1975”, ông bất ngờ tách đoàn, một mình vào Đà Lạt để thực hiện bộ phim “Đà Lạt vào xuân”. Đây cũng là bộ phim màu đầu tiên của điện ảnh quân đội.

 

Trung tá Nguyễn Thanh Xuân tâm sự, trong cuộc đời làm phim của mình, điều mà ông cảm thấy hãnh diện nhất là được bấm những thước phim về Bác Hồ. Ông kể: “Khi đó tôi là một trong những người vinh dự được quay phim về Bác nhiều nhất. Đó là những lần Bác Hồ ra thăm trận địa pháo cao xạ tại cầu Long Biên, thăm các chiến sỹ hải quân...”.

 

Nhấp chén nước trà nhạt, ông Xuân xúc động kể tiếp: “Tôi nhớ nhất là ngày Bác đến tiễn đưa Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi đồng chí mất. Trước đây Bác đi lại rất khỏe mạnh, nhưng đó là lần duy nhất tôi thấy Bác đi mà phải có người dìu. Trước hình ảnh đó, trong lòng tôi cảm thấy rất xót thương. Bác đứng ở trước cửa lau nước mắt. Vào đến nơi thấy mọi người bật đèn quay, Bác đưa tay lên ý bảo rằng đừng quay nhưng tôi vẫn cố đưa máy theo từng bước Bác đi”.

 

Lau nước mắt để hoàn thành nhiệm vụ!

 

Ngày 28/8/1969, Trung tá Nguyễn Thanh Xuân nhận được lệnh của Tổng cục Chính trị chuẩn bị lên đường làm nhiệm vụ. Ông cảm thấy rất hồi hộp, vì những lần đi quay phim trước, ông đều được biết trước mục đích của chuyến đi. Còn lần này thì không, lãnh đạo của xưởng phim chỉ thông báo ngắn gọn “chuẩn bị máy móc sẵn sàng, khi nào có lệnh thì xuất phát để đi làm phim tư liệu”.

 

Đêm 29/8, đoàn làm phim gồm Nguyễn Thanh Xuân, Trần Anh Trà và một lái xe đến và ngủ tại văn phòng của Tổng cục Chính trị để chuẩn bị chờ lệnh.

 

Ông Xuân nhớ lại: "Tối hôm đó, đang miên man suy nghĩ về chuyến công tác thì có tiếng gõ cửa thông báo chuẩn bị tất cả đồ đạc lên xe đi công tác. Tôi hỏi đi đâu, làm nhiệm vụ gì thì chỉ được đáp lại ngắn gọn: Các đồng chí đi thẳng đến cổng phía sau của Phủ Chủ tịch sẽ có người đón.

 

 

Ông Xuân cùng những bức hình kỷ niệm của một đời cầm máy quay.

 

Chẳng ai bảo ai, chúng tôi vội vàng lên xe. Linh tính báo cho tôi biết mình sắp làm một nhiệm vụ trọng đại. Xuống xe vừa vào đến nơi thì đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ, thông báo: “Bác hiện nay đang ốm nặng, cấp trên cho các đồng chí vào đây để làm nhiệm vụ".

 

Tới lúc này, ông Xuân và anh em trong đoàn làm phim mới biết được nhiệm vụ của mình trong chuyến đi này là gì. Cứ 2 tiếng một lần có người đến đưa tin về tình trạng sức khỏe của Bác.

 

Sáng 1/9, đồng chí Vũ Kỳ đến thông báo, sức khoẻ của Bác đã khá hơn, Bác đang cố giữ sức khỏe để sáng mai ra mắt đồng bào trong ngày lễ kỷ niệm độc lập. Bác đã ăn được 2 thìa cơm do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đút. Trong lòng ông Xuân cầu mong rằng: “Đây sẽ không phải là lần cuối ông và những đồng nghiệp được làm phim tư liệu về Bác”.

 

Lúc đó, đoàn làm phim xin phép được quay những thước phim này nhưng không được đồng ý bởi sợ tiếng ồn phát ra từ máy quay sẽ ảnh hưởng đến công việc chăm sóc Bác.

 

Hơn 9h ngày 2/9, lúc Bộ Chính trị đang họp thì có người chạy lên báo cáo với đồng chí Lê Duẩn rằng: "Bác đã trút hơi thở cuối cùng". Cả hội trường như chết lặng. “Lúc ấy, chúng tôi mới được tiếp cận dưới hầm để bấm thước phim cuối cùng về Bác. Người nằm đó, bình yên và thanh thản. Chúng tôi cố nén nỗi đau để ghi lại những thước phim này. Mặc dù cố gắng không khóc nhưng nước mắt cứ tuôn trào che mờ cả máy quay. Tôi cứ thế bấm máy mà không định trước mình sẽ quay những hình ảnh gì về Bác khi đó” – ông Xuân vừa nói vừa lau nước mắt.

 

Ông Xuân kể tiếp: “Cứ như vậy, trong niềm đau, tôi sử dụng 2 chiếc máy quay liên tục. Cứ hết phim máy này lại chuyển sang máy kia. Lúc này, các vị lãnh đạo của Nhà nước như đồng chí: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh... đều có mặt. Cả căn phòng ngập trong nỗi đau thương. Tôi phải tranh thủ thời gian để không bị bỏ qua cảnh nào". 

 

“Những ngày bàn giao các thước phim đó cho Xưởng phim Quân đội, tôi cứ trăn trở với nỗi lo không biết trong niềm xúc động và đau thương vì sự mất mát quá lớn của dân tộc, tôi có quay được những thước phim chất lượng hay không?”, ông Xuân nói mà giọng vẫn còn hồi hộp.

 

Nhưng 20 năm sau, những thước phim quý giá ấy của ông đã được công bố đầy đủ trong bộ phim “Những giây phút cuối cùng của Bác Hồ”. Chính dịp này, ngày, tháng Bác ra đi đã được công bố lại đúng với sự thật lịch sử - sự thật mà hai thập kỷ qua ông đã nguyện “sống để dạ, chết mang theo”.

 

Và khi được hỏi về cảm tưởng là người vinh dự quay những thước phim cuối cùng về Bác, ông Xuân nói trong niềm tự hào: “Tôi cảm thấy rất hãnh diện và mãn nguyện về cuộc đời cầm máy của mình. Điều đặc biệt hơn cả, là tôi đã được quay những hình ảnh về lãnh tụ Hồ Chí Minh...!”.