Kiểm tra hoạt động tàu du lịch ở Sài Gòn

08:01, 25/05/2011

Việc tàu Dìn Ký bị mưa to, gió lốc nhấn chìm vào chiều tối ngày 20/5 làm thiệt mạng 16 người đã đặt ra cho các cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh (T.P HCM) nhiều vấn đề quản lý tàu du lịch trên sông.

 

Phó Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa T.P HCM Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng: không phải đợi đến lúc tàu BD 0394 bị nhấn chìm xuống sông thì các cơ quan chức năng của T.P HCM mới cảnh báo về các con tàu du lịch trên sông. Việc kiểm tra này luôn được thực hiện thường xuyên, định kỳ và luôn là mối quan tâm của Sở Giao thông Vận tải.

 

Vào cuối tháng 3/2011 vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành T.P HCM đã tổ chức cuộc tổng kiểm tra các tàu du lịch kinh doanh nhà hàng trên địa bàn. Tổng số 8 tàu được kiểm tra thì cả 8 tàu đều có phát hiện vi phạm. Cụ thể, cả 4 tàu kinh doanh nhà hàng của Công ty TNHH thuyền buồm Đông Dương đều có những vi phạm như bình chữa cháy hết hạn sử dụng hoặc không đủ số lượng quy định, đường ống làm mát máy tự ý thay đổi, không đảm bảo theo đúng quy cách theo yêu cầu, van vặn không an toàn…

 

Ngoài Công ty này, đối với các doanh nghiệp khác có kinh doanh loại hình tàu du lịch trên sông, đoàn kiểm tra cũng đều phát hiện rất nhiều các sai phạm khác nhau như: thiếu áo phao cứu sinh, áo phao cất ở nơi khó nhận biết, thiếu một số các thiết bị an toàn cho hành khách…

 

Cũng theo đại diện Cảng vụ đường thủy nội địa, dù đã được nhắc nhở khá nhiều, nhưng một số phương tiện giao thông thủy vẫn chưa chấp hành nghiêm chỉnh các quy định đảm bảo an toàn, công tác bảo dưỡng các thiết bị kỹ thuật chưa được chú trọng.

 

Do vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, việc tăng cường kiểm tra, giám sát những phương tiện giao thông thủy là cần thiết, làm liên tục và mạnh hơn nữa, để nhằm tránh các trường hợp tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra giống như tàu BD 0394 bị nhấn chìm vào chiều 20/5 vừa qua ở Bình Dương.

 

Chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của Sở Giao thông Vận tải, từ ngày 23/5, đoàn kiểm tra liên ngành T.P HCM đã tiến hành kiểm tra đột xuất các phương tiện giao thông thủy hoạt động tại địa bàn thành phố, nhất là loại hình tàu du lịch nhà hàng.

 

Tối 24/5, đoàn tiến hành kiểm tra các tàu hoạt động tại khu vực bến cảng Bạch Đằng (Quận 1). Tại tàu du lịch Bến Nghé, khi các thành viên đoàn kiểm tra thành phố có mặt, toàn bộ các loại áo phao cứu sinh đã được chuẩn bị đầy đủ, có để trên thành tàu và dưới bàn của mỗi hành khách ngồi. Thủ tục hồ sơ hoạt động của tàu cũng được chuẩn bị chu đáo, còn trong thời hạn cho phép, các điều kiện về an toàn kĩ thuật cho tàu và cho hành khách luôn đảm bảo. Đây là tàu nhà hàng có sức chứa lớn nhất ở khu vực này, với tối đa là 900 người.

 

 

Các áo phao cứu sinh được bọc trong bịch nylon khá kỹ, còn rất mới được treo trên thành tàu Bến Nghé.

 

Cũng tương tự như vậy, các tàu Mỹ Cảnh, Sài Gòn với sức chứa từ 200 – 600 người cũng đã đảm bảo được những yêu cầu tối thiểu nhất mà đoàn kiểm tra đề ra. Đặc biệt, Phó Giám đốc tàu du lịch Sài Gòn – ông Nguyễn Văn Lâm còn cho biết, tại đây đều có tờ hướng dẫn sử dụng áo phao cứu sinh trong tình huống khẩn cấp tại mỗi bàn ăn, phía sau tờ thực đơn.

 

“Tôi cho là sau vụ việc Dìn Ký thì đây là 1 việc làm vô cùng cần thiết vì hành khách sẽ có thể dễ dàng đọc được, nhớ tới khi cần thiết” – ông Lâm nói.

 

Khác với những con tàu trên, trước đó, tối 23/5, các cơ quan chức năng của T.P HCM kiểm tra đột xuất tàu SG 0168 thì thấy nơi đây thiếu 140 áo phao cứu sinh. Các áo phao này lại được cất ở trong tủ, trông rất mới, được bọc trong túi nylon kỹ càng. Ngoài ra, chiếc tàu này hoạt động trong tình trạng không có giấy phép bến thủy nội địa.

 

Đại diện cho đoàn kiểm tra liên ngành, ông Trần Văn Quý – Trưởng đoàn cho biết: Việc kiểm tra các tàu nhà hàng nổi, các phương tiện giao thông thủy sẽ được kéo dài liên tục từ nay tới hết tháng 6 năm nay. Mục đích là khuyến cáo các chủ nhà hàng tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho khách, nhất là các yếu tố về kỹ thuật.

 

Sở Giao thông Vận tải cũng sẽ đề nghị các chủ phương tiện chú ý nhiều hơn nữa đến các bảng hướng dẫn cứu hộ cứu nạn, cách sử dụng áo phao cứu sinh các loại, và kiên quyết xử lý rất nghiêm khắc, thậm chí là đình chỉ hoạt động ngay lập tức nếu tàu nào không đảm bảo các tiêu chí về an toàn kỹ thuật.