Mùa Phật đản

09:46, 16/05/2011

Phật Đản là ngày kỷ niệm Đức Phật đản sinh diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm. Theo truyền thống Phật giáo Đông Á ngày này chỉ là ngày kỉ niệm Phật đản sinh; tuy nhiên, theo Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Tây Tạng thì ngày này là ngày Tam hiệp (Phật đản, Phật thành đạo và Phật nhập Niết-bàn).

 

Trước năm 1959 các nước Đông Á thường tổ chức ngày lễ Phật đản vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Nhưng Đại hội Phật giáo thế giới lần đầu tiên, tại Colombo, Tích Lan, 25 tháng 5 đến 8 tháng 6 năm 1950, 26 nước là thành viên thống nhất ngày Phật đản quốc tế là ngày rằm tháng Tư âm lịch.

 

Phật Đản là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống nam và bắc tông. Ngày nay người ta thường biết đến Phật Đản qua tên gọi Vesak. Vesak là tiếng Sinhala có thể được đọc trại ra từ Vaishākha trong tiếng Pali, là tên gọi của tháng Hai lịch pháp Ấn Độ giáo. Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 nước, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp quốc, những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi.

 

Lễ Phật đản được công nhận là một ngày lễ chính thức tại Việt Nam bắt đầu từ năm 1958 do chính phủ thông qua. Ngày Phật đản còn là một trong ba ngày lễ lớn trong năm của đạo Phật (Phật đản, Vu lan, Thành đạo).

 

Những năm gần đây, ngày Phật đản được coi là một ngày lễ hội quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn là của người dân trên mọi miền. Những ngày này, cùng với các địa phương trong cả nước, các ngôi chùa ở Thái Nguyên cũng tổ chức nhiều hoạt động chào mừng ngày Phật đản bắt đầu từ ngoài ngày mùng 10 âm lịch đến hất ngày mai (15 âm lịch).  Một trong những nghi lễ quan trọng trong mùa Phật đản là lễ tắm Phật. Nhiều người cho rằng đây chính là sự gột rửa tâm hồn cho bản thân được trong sạch hơn, chay tịnh hơn. Bởi thế, ngày này người dân trong thành phố cũng bớt chút thời gian lên chùa dự lễ, cầu nguyện một mùa Phật đản từ bi, hướng thiện. Nhiều người tuần rằm, mùng một ít lên chùa nhưng trong lễ Phật sinh cũng tranh thủ thắp một tuần nhang để được đắm mình trong cõi Phật. Bà Nguyễn Thị Triện, tổ 17, phường Tân Long, T.P Thái Nguyên cho biết: bình thường ngày rằm, mùng một tôi chỉ ăn chay niệm Phật tại nhà, riêng lễ Phật đản tôi cùng các bà trong xóm lên chùa thắp hương lễ Phật, mình già rồi cầu phúc cho con cháu là chính, răn dạy con cháu sống hướng thiện để phúc đức cho đời. Không chỉ người già, nhiều bạn trẻ cũng tranh thủ Lễ Phật đản để lên chùa cầu an. Nguyễn Thị Nhung ở phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Mấy năm nay, khi biết ý nghĩa ngày Phật đản năm nào đến dịp Lễ em cũng đi chùa, tự dưng thấy lòng lắng lại giữa những lo lắng thường ngày. Vào chùa không gian ở đây cho mình lấy lại được trạng thái cân bằng nhanh nhất.

 

Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa, Phật tại tâm, chỉ cần lòng thành kính hướng về những điều tốt đẹp theo giáo lý nhà Phật ấy cũng là một cách tu. Thế nhưng ngày lễ trọng cũng là dịp để nhắc nhở bản thân mỗi người về lòng hướng thiện, là dịp để mỗi người mở lòng cầu cho bản thân, gia đình bè bạn những điều tốt đẹp như tâm nguyện suốt đời cứu khổ, cứu nạn cho chúng sinh của Đức Phật từ bi.