Chỉ cách nhau 4 ngày, từ 23 đến 26-5, trên một đoạn sông Cầu chảy qua địa bàn T.P Thái Nguyên đã xảy hai vụ với 4 học sinh bị đuối nước do tắm sông, trong đó có 2 em bị chết... Những cái chết thương tâm như thế này có thể ngăn chặn được nếu chúng ta biết quan tâm hơn đến môi trường sống an toàn cho các em...
Những cái chết thương tâm
Chúng tôi tìm về gia đình em Nguyễn Ngọc Hoàng Hải, học sinh lớp 7A2, Trường Trung học cơ sở Độc Lập, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) - nạn nhân xấu số trong vụ đuối nước ngày 26-5 vừa qua tại đoạn sông Cầu một bên là địa phận tổ dân phố 49, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) và một bên là địa phận xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (Phú Bình). Một bầu không khí tang tóc, ảm đạm bao trùm lên gia đình em. Người thân, bạn học và bà con trong tổ dân phố 30, phường Trung Thành vẫn không khỏi bàng hoàng trước cái chết của Hải. Bên chiếc bàn nhỏ ngoài sân, ông Nguyễn Ngọc Quốc năm nay đã gần 80 tuổi, mái tóc bạc trắng không khỏi bàng hoàng nói với chúng tôi: Cháu nội tôi nói đi bế giảng về nó sẽ làm hết việc nhà để chị gái tập trung ôn thi tốt nghiệp lớp 12. Nhưng…! Xót xa quá chị ơi… Giờ thì “người đầu bạc tiễn người đầu xanh”…
Chia buồn với gia đình em, chúng tôi tìm đến địa điểm nơi Nguyễn Ngọc Hoàng Hải đã bị chết đuối. Chúng tôi men theo lối mòn xuống sông để tìm gặp anh Phạm Tiến Dũng, người làm cát, sỏi ở đây và đã tham gia tìm vớt Hải và cứu được hai học sinh trong nhóm bạn của Hải ngày 26-5. Đưa chúng tôi ra chỗ các em bắt đầu nhảy xuống tắm, anh Dũng kể lại: Khoảng thời gian 11 giờ trưa ngày 26-5, tôi và cháu Lượng đang ngồi nghỉ ở bờ sông thuộc địa phận xóm Xuân Đám, xã Đồng Liên (Phú Bình) thì thấy một tốp học sinh khoảng 15 em phi xe thẳng từ đỉnh dốc soi ngô xuống sông. Lúc đầu có khoảng 6, 7 em cởi quần, áo chạy ra bãi nổi gần giữa sông, trong đó có 3 em (Trần Việt Tuấn, Lương Hải Nam, Nguyễn Ngọc Hoàng Hải) nhảy xuống trước còn lại mấy em chưa nhảy xuống. Kế tiếp đó, thấy các em ở dưới nước chới với bàn tay nhưng không thấy các em khác hô hoán gì cả, dự đoán là có chuyện chẳng lành nên hai chú cháu vội vã chạy lên và lao luôn xuống nước để tìm, cứu các cháu. Sau đó, chúng tôi đã vớt được hai cháu Trần Việt Tuấn, Lương Hải Nam (trôi cách chỗ nhảy xuống tắm khoảng 10m) đưa lên bờ trong tình trạng mặt tím đen, miệng sùi bọt dãi. Sau khi dốc ngược các cháu trên vai, day ngực, hô hấp được khoảng 5 đến 7 phút thì hai cháu từ từ tỉnh lại. Trong lúc này, khi nghe tốp học sinh nói là còn thằng Hải nữa, hai chú cháu lại lập tức lao xuống mò mẫm. Sau gần 20 phút, chúng tôi tìm được cháu trong tư thế mặt cắm xuống một hố sâu, miệng mím chặt. Khi đưa lên bờ, mặc dù làm mọi cách nhưng cháu đã chết, mặt và lỗ mũi có nhiều cát… Sau khi xảy ra chuyện, tôi thấy các cháu nói vừa đi bế giảng về nên rủ nhau ra đoạn sông này chơi. Nói đoạn, anh buông tiếng thở dài rồi chỉ tay về phía bên kia sông thuộc địa phận tổ 49, phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên) nói: Tối 23-5 vừa qua, cũng tại đoạn sông này, gia đình anh Bùi Văn Bào, tổ dân phố số 50, phường Hương Sơn cũng vĩnh viễn mất cậu con trai là Bùi Thế Vinh chuẩn bị lên lớp 6 do tắm sông…
Theo địa chỉ anh Dũng cung cấp, chúng tôi hỏi đường đến gia đình anh Bùi Văn Bào. Cắm xong nén hương cho con, anh Bào gạt nước mắt ra bàn rót nước mời khách. Anh nói trong đau đớn: Mẹ cháu Vinh giờ yếu lắm vẫn nằm trong buồng không ra vì cứ nhìn thấy di ảnh của con là lại ngất. Tôi thật không ngờ, chỉ tích tắc mình lại mất con. Anh kể: Khoảng 4 giờ chiều ngày 23-5, tôi đi làm và gặp cháu đi họp Đội cùng với bạn đang về nên đã đưa chìa khóa nhà cho cháu và dặn về trông nhà. 6 giờ tối, tôi về nhưng không thấy cháu ở nhà nên chạy sang nhà cháu Thông, cháu Hiền (cùng đi họp Đội với cháu Vinh) để tìm thì được biết buổi chiều các cháu có ra sông tắm. Tôi và người nhà vội vã ra tìm thì chỉ thấy bộ quần áo của cháu để ở bãi đá nổi dưới sông. Do đoạn sông này có nhiều hố sâu nên sau 20 phút lần mò, tìm kiếm mọi người mới tìm thấy cháu cách bộ quần áo khoảng 7m và bị mắc dưới một hố sâu khoảng 3 đến 4 m. Gia đình tôi đã đưa cháu về nhà và an táng vào sáng hôm sau. Theo lời kể của cháu Hiền, sau khi tôi đưa chìa khóa nhà cho cháu Vinh ở đường, các cháu Vinh, Thông, Hiền không về nhà ngay mà rủ nhau ra sông tắm. Khi thấy Vinh bị chìm xuống các cháu kia sợ quá nên đã lên bờ. Đợi mãi không thấy bạn lên nên hai cháu đã về trước mà không nói với ai...
Lặng lẽ cầm bộ sách giáo khoa lớp 6 Vinh mới mang về, anh nói: Bộ sách này, Nhà trường vừa bán cho cháu, gia đình tôi đã kịp trả tiền đâu. Vậy mà!…
Cần quan tâm hơn đến môi trường sống an toàn cho trẻ em
Theo một số người dân sinh sống và làm cát, sỏi ở đoạn sông này thì 2 học sinh chết đuối ngày 23 và 26-5 vừa qua không chỉ là những trường hợp xảy ra đầu tiên mà có nhiều học sinh đến đoạn sông này chơi và tắm nên đã bị đuối nước chết. Nhưng hè đến, hầu như tuần nào cũng có 1 hoặc 2 tốp học sinh rủ nhau đến đây chơi và tắm vì các em truyền tai nhau đây là đoạn sông có phong cảnh đẹp. Anh Nguyễn Văn Lượng, người đã cùng anh Phạm Tiến Dũng lao xuống dòng sông cứu hai em Trần Việt Tuấn, Lương Hải Nam và tìm vớt thi thể em Nguyễn Ngọc Hoàng Hải trong ngày 26-5 nói: Đến giờ tôi vẫn tự hỏi tại sao các em cũng đã học lớp 7, lớp 8 rồi mà việc sơ đẳng nhất là gọi những người xung quanh để cứu bạn cũng không biết? Bởi lúc đó ở chỗ sông này có nhiều người đang làm cát, sỏi. Cũng theo anh Lượng, cách đây khoảng 6, 7 năm ở đoạn sông này, chính anh cũng đã cứu được 5 học sinh và tìm vớt 6 em bị chết đuối do tắm và sơ ý sẩy chân ngã xuống sông. Hầu hết các em bị chết đuối đều không biết bơi.
Có thể thấy, hè đến, thời tiết nóng nực, các em thích chơi đùa trong môi trường nước nên thường rủ nhau đi chơi, đi tắm. Trong khi đó, phần lớn các em không biết bơi hoặc bơi kém nên khi gặp tình huống xấu các em không tự xử lý được nên đã có nhiều cái chết thương tâm do đuối nước xảy ra. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ “môi trường sống” không an toàn cho các em. Theo quan sát của chúng tôi tại đoạn sông này thì mặc dù đây là điểm thường có người đuối nước và bị chết nhưng không hề có bất cứ biển cấm, cảnh báo nguy hiểm nào. Đặc biệt, điểm đáng quan tâm ở đoạn sông này là những cái hố sâu dưới lòng sông và cái chết của hai em Vinh, Hải lại được người tìm vớt lên từ những hố sâu đó. Tình trạng khai thác cát, sỏi đang diễn ồ ạt đã khiến lòng sông vô tình trở thành những cái bẫy vô hình, rất nguy hiểm cho con người; nhất là các em học sinh hay tự ý đi tắm sông trong dịp hè nắng nóng. Tại thời điểm chúng tôi có mặt ở đây, đoạn sông chỉ hơn 500m vậy mà có tới 5 tàu cuốc đang hoạt động để lại sau đó là hàng trăm miệng hố và những đống sỏi lô nhô dưới lòng sông… Những cái chết thương tâm như thế này có thể ngăn chặn được nếu chúng ta biết quan tâm hơn đến trẻ em, đến môi trường mà các em vui chơi, sinh sống.