Tăng cường quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí

10:06, 24/05/2011

Chiều qua (23-5), tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã chủ trì Hội nghị trực tuyến về tăng cường quản lý thủy nông và cấp bù thủy lợi phí (TLP) với lãnh đạo các tỉnh, thành phố cả nước.

 

Hàng loạt bất cập đã được đề cập như hệ thống thủy lợi xuống cấp, bị xâm hại nghiêm trọng; sử dụng nguồn nước lãng phí; mức hỗ trợ TLP chưa nhất quán giữa các vùng, khó áp dụng với hệ thống công trình thủy lợi nhỏ...

 

Công trình xuống cấp, nông dân thiệt thòi

 

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, hơn 2 năm thực hiện Nghị định số 115 ngày 14-11-2008 của Chính phủ về quy định miễn TLP là bước ngoặt trong công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi. Chính sách đã làm giảm được từ 3% đến 10% chi phí sản xuất nông nghiệp; tăng diện tích  từ 5% đến 10%; tình trạng nợ đọng TLP chấm dứt... Tuy nhiên, việc vẫn lấy mức quy định của Nghị định 143 ngày 28-3-2003 của Chính phủ làm cơ sở tính toán, nhân với hệ số trượt giá (2,31) để xác định mức TLP là không phù hợp thực tế, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát. Với mức TLP hiện nay, các doanh nghiệp thủy lợi ở miền núi, Tây Nguyên gặp khó khăn, dẫn đến không bảo đảm kinh phí để duy tu, bảo dưỡng công trình.

 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, ngân sách Trung ương cấp thực hiện chính sách miễn TLP năm 2009 là 2.800 tỷ đồng; năm 2010 là 3.400 tỷ đồng và dự toán năm 2011 khoảng 3.400 tỷ đồng. Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nhã, năm 2009 thành phố đã đầu tư 90 tỷ đồng sửa chữa các công trình thủy lợi; năm 2010 là 189 tỷ đồng và năm 2011 khoảng 90 tỷ đồng.

 

 

 

Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - nơi có mức TLP cao, việc sử dụng TLP còn bị gò ép bởi các chính sách hiện hành. TLP còn dư sau khi sử dụng cho công tác vận hành, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa công trình thủy lợi, muốn đưa vào phục vụ xây dựng cơ bản thủy lợi lại vướng về cơ chế. Những bật cập này đã dẫn đến hàng loạt vấn đề như ở ĐBSCL, nhiều kênh trục chính đã được xây dựng nhưng thiếu công trình điều tiết, hệ thống nội đồng chưa hoàn chỉnh, quản lý thiếu chặt chẽ nên không phát huy đầy đủ công năng. Nhiều công trình xuống cấp nhanh do không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên như Trạm bơm My Động (Hải Dương); hệ thống đóng mở các cống vùng triều ở Thái Bình, Nam Định; cống ngăn mặn ở ĐBSCL...

 

Tình trạng xuống cấp, thiếu công trình thủy lợi đã khiến việc sử dụng nguồn nước lãng phí, tiêu hao điện năng lớn, vẫn phải áp dụng phương pháp tưới ngập, chưa áp dụng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước hoặc theo quy trình "nông - lộ - phơi". Một số hệ thống thủy lợi thuộc Hòa Bình, Ninh Thuận, mức tưới lên đến 10.000 m3/ha và cao hơn; mức tưới cho cây cà phê ở một số vùng lên đến trên 3.000 m3/ha. Thậm chí, người dân tại ĐBSCL vẫn phải trả một khoản kinh phí lớn cho việc bơm tưới, tiêu ở khu vực nội đồng, bình quân từ 500.000 đến 700.000 đồng/ha.

 

Khẩn trương điều chỉnh cơ chế, chính sách

 

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Vũ Văn Thặng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nói trên, tuy nhiên, cơ bản là do các địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác thủy lợi, chủ yếu là quan tâm về xây dựng, chứ ít quan tâm tới công tác quản lý; tư tưởng bao cấp còn nặng, coi nhẹ sự tham gia của người dân dẫn đến trông chờ, ỷ nại vào Nhà nước. Bên cạnh đó, ta còn thiếu chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân sử dụng nước tiết kiệm, bảo vệ, tu sửa công trình thủy lợi; đầu tư trang thiết bị khoa học công nghệ...

 

Tiến tới thống nhất cơ chế, chính sách, công tác quản lý, bảo đảm quyền lợi cho nông dân và các đơn vị thủy lợi, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Tổng cục Thủy lợi tiếp tục nghiên cứu, trình Bộ, Chính phủ phương án hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong quản lý, khai thác, đặc biệt là ưu tiên xây dựng Luật Thủy lợi; sử dụng điện, nước hiệu quả, tiết kiệm và nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi hiện có.

 

Bộ trưởng nhất trí với các địa phương đề nghị Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu để sớm trình Chính phủ xem xét, sửa đổi một số quy định tại Nghị định 115 cho phù hợp với tình hình hiện nay. Các địa phương cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý khai thác, bảo đảm quản lý khép kín các công trình thủy lợi; tiếp tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đồng thời rà soát, xử lý nghiêm vi phạm công trình thủy lợi để bảo đảm tưới, tiêu, thoát lũ trong mùa mưa bão. Ngoài ra cần xây dựng kế hoạch cấp nước mùa kiệt của các hồ chứa vừa và lớn trên tinh thần chỉ cấp đủ lượng nước sử dụng, dành nước cấp ưu tiên cho sinh hoạt, chăn nuôi, không mở nước tràn lan...