Về vấn đề đưa người nghiện ma tuý đi lao động

13:52, 30/05/2011

Lao động phù hợp là một phần trong liệu pháp điều trị cai nghiện ma tuý bắt buộc vì giúp người nghiện dần phục hồi sức khoẻ, không còn thời gian để nghĩ tới các chất ma tuý. Cùng với đó là người nghiện ma tuý tham gia lao động sẽ tạo ra kinh tế để bù đắp một phần vào những chi phí điều trị, sinh hoạt trong thời gian cai nghiện bắt buộc…

 

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (CB-GD-LĐXH) T.P Thái Nguyên đang quản lý, chữa bệnh tập trung cho 356 người nghiện ma tuý (học viên). Trong đó, có rất nhiều người nghiện ma tuý bị nhiễm HIV và các loại bệnh tật khác. Để thực hiện hiệu quả công tác quản lý và chữa bệnh tập trung cho người nghiện ma tuý trên địa bàn, trong 5 năm gần đây, T.P Thái Nguyên đã đầu tư khá nhiều cho Trung tâm CB - GD - LĐXH thành phố về nhân lực, cơ sở vật chất. Hiện, đơn vị này có 38 cán bộ chuyên môn và được giao lý trên 6,1ha mặt bằng (tại tổ 42, phường Hương Sơn và tổ 14 phường Tân Thành) với hệ thống nhà điều trị cắt cơn, nhà ở sinh hoạt, khu điều hành… có tổng giá trị đầu tư trên 14,7 tỷ đồng. Về chính sách, T.P Thái Nguyên đã thực hiện hỗ trợ bình quân 400 nghìn đồng/học viên/tháng để chi phí tiền sinh hoạt, thuốc chữa bệnh cho người nghiện ma tuý. Do vậy, Trung tâm CB - GD - LĐXH T.P Thái Nguyên đủ khả năng tiếp nhận để quản lý, chữa bệnh tập trung cho khoảng 500 người nghiện ma tuý trên địa bàn.

           

Thực tế hoạt động của Trung tâm CB - GD - LĐXH T.P Thái Nguyên cho thấy, công tác quản lý, chữa bệnh tập trung cho người nghiện ma tuý cần có sự cộng đồng trách nhiệm của 3 phía: Bản thân người nghiện ma tuý phải tuân thủ quy định trong quá trình cai nghiện; Nhà nước có nguồn ngân sách hỗ trợ thường xuyên và gia đình có người ma tuý cũng phải đóng góp thêm chi phí sinh hoạt cho thân nhân khi cai nghiện tập trung. Theo tính toán của Trung tâm CB - GD - LĐXH thành phố, chi phí tối thiểu cho 1 người nghiện ma tuý/tháng hết trên 800 nghìn đồng (tiền ăn, tiền thuốc và các loại dịch vụ sinh hoạt cá nhân khác) nhưng hiện nay nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND T.P Thái Nguyên mới đạt 50%. Nhiều gia đình người nghiện ma tuý kinh tế khó khăn hoặc sau nhiều năm phải gánh chịu những hậu quả do người nghiện ma tuý gây ra nên việc đóng góp kinh phí hàng tháng rất thất thường. Chính vì những khó khăn này mà trong những năm qua, Ban lãnh đạo Trung tâm CB - GD - LĐXH thành phố đã tìm nhiều giải pháp để tạo việc làm cho những học viên ở đây.

 

Đồng chí Trần Xuân Hưng, Giám đốc Trung tâm cho biết: “Chúng tôi đã vay 500 triệu đồng để trang bị một tầu hút cát, xây dựng lò nung gạch, xưởng sản xuất gạch xi măng, xưởng mộc nên cơ bản học viên có sức khoẻ đều được bố trí được việc làm phù hợp sau thời gian cắt cơn. Học viên tham gia lao động đã cân đối được khoảng 50% chi phí sinh hoạt và tiết kiệm trả tiền vay đầu tư tạo việc làm được trên 200 triệu đồng…”. Những học viên tham gia lao động thì gia đình không phải đóng góp thêm tiền sinh hoạt, bữa ăn hàng ngày cũng được cải thiện hơn. Học viên  Nguyễn Trung Kiên ở xã Đồng Bẩm sau thời gian cai nghiện cắt cơn có ý thức tốt, sức khoẻ phục hồi và chăm chỉ lao động nên đã được lãnh đạo Trung tâm giao làm Tổ trưởng Tổ xưởng mộc. Anh Kiên tâm sự: “Các học viên trong tổ sau khi được hướng dẫn tay nghề nay đã sản xuất nhiều sản phẩm và được các cơ sở mộc chấp nhận, giao gia công các đồ dùng dân dụng. Lao động giúp em phục hồi sức khoẻ, không còn thời gian nghĩ đến ma tuý và điều vui hơn là gia đình không phải hàng tháng gửi tiền để nuôi em”.

           

Số học viên cai nghiện tâp trung tăng lên nên việc làm tại các xưởng sản xuất không đáp ứng đủ nên lãnh đạo Trung tâm CB - GD - LĐXH T.P Thái Nguyên phải tổ chức học viên thành các tổ sản xuất để đưa trên 100 học viên đi lao động tại một số công trường trên địa bàn. Tuy nhiên, việc đưa học viên đi lao động bên ngoài Trung tâm rất phức tạp, quản lý khó khăn hơn vì một số người nghiện ma tuý có ý thức kém tìm cơ hội bỏ trốn, nguy cơ xảy ra tai nạn lao động… Vẫn theo đồng chí Trần Xuân Hưng, ngoài số kinh phí thành phố hỗ trợ, mỗi tháng Trung tâm cần khoản kinh phí gần 150 triệu đồng để bổ sung cho công tác chuyên môn của đơn vị nên vấn đề việc làm cho người nghiện ma tuý rất quan thiết.

           

Trong thời điểm nguồn ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động cai nghiện ma tuý tập trung còn hạn chế thì việc duy trì mô hình vừa chữa bệnh vừa lao động như Trung tâm CB - GD - LĐXH T.P Thái Nguyên là phù hợp. Nhưng để duy trì, đảm bảo an toàn và phát triển mở rộng mô hình này cần sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ về mọi mặt của các cơ quan chức năng.