Bệnh tay chân miệng diễn biến phức tạp

08:47, 04/06/2011

Trong 5 tháng đầu năm, T.P Hồ Chí Minh (HCM) có hơn 2.500 trường hợp mắc bệnh, 11 ca tử vong, dịch bệnh có xu hướng gia tăng nhanh tại các tỉnh phía Nam.

 

Tại buổi trò chuyện với thầy thuốc chủ đề “Sự nguy hiểm của bệnh tay chân miệng”, do Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe T.P HCM tổ chức chiều 3/6, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết: Trong 5 tháng đầu năm, T.P HCM ghi nhận hơn 2.500 trường hợp mắc tay chân miệng phải nhập viện điều trị; đáng lưu ý là đã có 11 ca tử vong. Riêng trong tháng 5, có hơn 1.500 trường hợp nhập viện.

 

Theo Sở Y tế thành phố, hiện nay tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 có 13 trường hợp bệnh rất nặng phải thở máy. Ngoài ra, vẫn còn một lượng lớn bệnh nhân điều trị ngoại trú hoặc điều trị phòng mạch tư không thể thống kê được. Tình hình dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh không chỉ trên địa bàn thành phố mà cả các tỉnh phía Nam.

 

Trước tình hình này, Sở Y tế thành phố đã tăng cường phòng chống dịch bệnh, phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo họp khẩn cấp các phòng giáo dục 24 quận, huyện để triển khai công tác vệ sinh và khử khuẩn hàng tuần tại các trường mầm non trong toàn thành phố.

 

Theo bác sĩ Lê Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Y tế T.P HCM, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tăng cao chủ yếu do việc thực hiện vệ sinh hàng ngày và khử khuẩn tại các hộ dân chưa được thực hiện tốt; bên cạnh đó là sự xuất hiện của một chủng virus mới là chủng nhóm B (khác với những năm trước là chủng nhóm C). Chủng nhóm B là nguyên nhân gây sự gia tăng đột biến dịch tay chân miệng tại Đài Loan năm 2008, giống như ở các tỉnh phía Nam hiện nay.

 

Tại Đồng Tháp, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 240 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; số ca bệnh đặc biệt tăng trong tháng 5, tháng 6, trong đó bệnh viện đa khoa Đồng Tháp tiếp nhận 120 ca, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Theo các bác sĩ Khoa Nhiễm, tuy chưa có trường hợp nào tử vong, nhưng diễn biến của bệnh khá phức tạp và nguy hiểm.

 

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh có nguy cơ lây lan, ngành y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh, thầy cô giáo cần chú ý đến khâu vệ sinh trong ăn uống, sinh hoạt cho trẻ nhằm hạn chế thấp nhấp sự lây lan bệnh. Khi phát hiện trẻ có những mẩn đỏ ở vùng tay, chân và vòm họng nhanh chóng đưa trẻ đi khám, điều trị tại các cơ sở gần nhất để phòng ngừa biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

 

Bác sĩ Nguyễn Lệ Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine điều trị đặc hiệt, cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy biện pháp chủ động phòng là rất quan trọng, trong đó, người dân cần chú ý vệ sinh sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh, thay tã cho trẻ. Trước khi chế biến thức ăn phải rửa tay bằng xà phòng".