Cần đảm bảo an toàn lao động cho người làm nghề xây dựng tự do

15:26, 18/06/2011

Khoảng 14h một ngày giữa tháng 6, dưới cái nắng nóng gay gắt của ngày hè, chúng tôi tìm một trong những ngôi nhà đang được xây dựng ở tổ 28, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Nhìn từ dưới lên, thấp thoáng có mấy người thợ đang làm việc trên nóc tầng 3, ở độ cao hàng chục mét mà không hề có trang bị bảo hộ lao động (ảnh).

Để lên được chỗ làm của họ, ngoài việc phải leo tới mấy lần cầu thang chưa có lan can tôi còn phải trèo lên một chiếc thang được đóng sơ sài bằng những thanh ván mỏng. Dù rất thận trọng leo từng bước nhưng tôi vẫn không khỏi run lên cùng nhịp rung của chiếc thang. Ở đây, dù trời nắng nóng nhưng họ chỉ đội nón hoặc mũ mềm, mồ hôi ai nấy đều nhễ nhại. Họ không hề có một dụng cụ bảo hộ lao động nào. Việc di chuyển, trộn vữa, xây tường vẫn diễn ra đều đều. Vật liệu được chuyển lên bằng dây tời với 2 cây gỗ buộc chéo nhau cắm chênh vênh trên thành. Hai thanh gỗ này đứng được là nhờ một sợi dây sắt nhỏ buộc kéo về đằng sau một cách mong manh.

Anh Trần Minh Dũng (quê ở Phú Lương) đã nhiều năm trong nghề này tâm sự: “những ngày đầu mới đi làm tôi cũng rất sợ, nhưng sau làm mãi thành quen, giờ thì không thấy sợ “độ cao”nữa. Hầu hết chúng tôi thành nghề là đi lên từ phụ xây chứ ít người được học qua trường lớp tử tế”. Cạnh đó, chị Nguyễn Thị Dần (phường Gia Sàng) đang luôn tay đảo vữa, vừa làm chị vừa nói: Tôi làm phụ xây không nhớ bắt đầu từ năm nào, chỉ nhớ lúc đó một ngày công chỉ được trả 8.000 đồng. Với đội xây này, tôi đã gắn bó 8 năm nay. Nghề này đã giúp tôi nuôi sống bản thân và gia đình hàng chục năm, nên tôi rất cẩn thận trong công việc…
 
Trong tốp thợ, có một thanh niên rất trẻ đang chuyển từng xô vữa đến nơi các thợ xây làm việc. Em tên là Nguyễn Mạnh Toàn (xã Hóa Thượng, Đồng Hỷ) mới xin vào làm ở đội xây được 2 tháng. Toàn sinh năm 1994 nhưng vì thấy đi học “khó” hơn nên đi làm thuê kiếm tiền. Lúc nghỉ giải lao, em vô tư đứng dựa người vào cột dây tời, mà quên rằng dưới chân là khoảng không có độ cao hàng chục mét.
 
Khi được hỏi về vấn đề an toàn lao động (ATLĐ), hầu hết họ đều dè dặt hoặc tránh nói đến như một điều tối kỵ vậy. Chị Dần là người lâu năm trong nghề cũng chỉ nói: Mặc dù tôi đã từng làm qua nhiều đội xây nhưng chưa tận mắt chứng kiến một trường hợp tai nạn lao động nghiêm trọng nào. Cũng có lần tôi nghe nói xảy ra tai nạn: rơi giàn giáo, đổ tường, điện giật chết người ở các đội xây khác, nơi khác. Tôi cũng hiểu rằng đây là nghề nguy hiểm, nhất là đối với phụ nữ, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì gia đình đành phải làm. Chúng tôi chỉ biết tự nhắc mình, nhắc nhở nhau cẩn thận trong công việc mà thôi”.
 
Anh Hoàng Văn Mười, người Hải Dương, “cai” của tốp thợ cho biết: Đội xây của tôi có khoảng 25 người, giữa chúng tôi làm việc với nhau bằng “hợp đồng” miệng. Để đảm bảo “đủ việc” cho anh em, thường mỗi lần chúng tôi nhận làm từ 2 đến 3 công trình. Hơn 10 năm nay làm nghề này, ở đội xây của tôi chưa xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng nào, nếu xảy ra tại nạn chết người thì tôi coi như mất nghiệp.
 
Khu vực tổ 15, phường Hoàng Văn Thụ, nơi được quy hoạch làm khu tái định cư, hàng chục công trình nhà ở đang được khẩn trương xây dựng. Tôi tìm đến ngôi nhà đang xây dở của ông Hoàng Minh H. Lúc tôi leo được lên tầng 4 thì bắt gặp một người thợ bê một thanh gỗ dài bước từ đầu này sang đầu kia trên bức tường mới xây như diễn viên xiếc “đi thăng bằng trên dây”. Trên sàn cốp pha, vô số mảnh ván với đinh đóng lởm chởm để vương vãi. Đứng ở vị trí tầng 4 của ngôi nhà này nhìn ra mới thấy xung quanh như một công trường xây dựng lớn: nhà thì đang lên tầng, có nhà đang đổ mái, nhà thì đang được thợ trát tường… Một số thợ đứng cheo leo trên những giàn giáo bằng gỗ, nhìn mà thấy sởn gai ốc.
 
Hầu hết, các đội xây này đều đến từ các tỉnh như: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Nam Định… Được biết, hiện nay ngoài việc được nuôi ăn, một ngày công thợ chính được trả từ 110.000 đồng đến 130.000đồng, thợ phụ khoảng trên dưới 100.000 đồng. Trước khi làm một công trình mới, đội xây thường dựng lán ngay cạnh công trình làm nơi ăn uống, ngủ nghỉ, trông nom vật liệu. Hễ xây xong tầng 1 là họ lập tức chuyển vào ở. Nơi ăn, ở của họ chật chội thiếu thốn và rất mất vệ sinh. Giữa chủ và thợ hầu như không có một sự ràng buộc nào, thợ cảm thấy thoải mái, lương đủ, thích hợp thì làm lâu dài. Ngược lại sẽ đi làm thuê cho chủ khác. Vấn đề an toàn lao động gần như theo kiểu “thân ai người ấy tự lo”. Mới đây, tại một công trình xây dựng dân dụng trên đường Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) đã xảy ra một vụ tai nạn chết người do sơ ý trong khi cắm máy bơm nước. Sau hai bên cũng chỉ bồi thường theo thỏa thuận giữa người chủ thuê và gia đình người xấu số.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Viết Ngọc, thanh tra viên Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Rất khó xử lý với những trường hợp mất ATLĐ xảy ra với người làm nghề tự do. Bởi không ai quản lý, không ai chịu trách nhiệm. Nếu xảy ra tai nạn, họ cũng không báo ngành chức năng hay chính quyền. Chủ thuê và thợ làm thường thỏa thuận, đền bù trên cơ sở tự nguyện. Lao động tự do, lao động nông nhàn làm thuê cho các đơn vị xây dựng đều không qua đào tạo, nhận thức của họ về vấn đề ATLĐ còn thấp.
 
Thiết nghĩ, vấn đề ATLĐ cho người làm nghề xây dựng tự do hiện nay đang rất cần sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.