Để dòng sông Cầu mãi êm trôi

07:47, 28/06/2011

Để ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường, sau khi Đề án Tổng thể bảo vệ và phát triển bền vững môi trường sinh thái, cảnh quan lưu vực sông Cầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh ta đã phối hợp cùng với các tỉnh lưu vực sông Cầu tổ chức thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) sông Cầu.

 

Đề án BVMT giai đoạn 2007-2010 đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó bao gồm các nhiệm vụ của Đề án Tổng thể sông Cầu. Các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan thông tin truyền thông đã triển khai lồng ghép nhiệm vụ chính trị với nhiệm vụ BVMT. Nhiều chương trình, dự án BVMT đã được triển khai thực hiện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Điển hình như: Khôi phục rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn đã bị suy thoái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lưu vực sông Cầu; xây dựng các công trình giữ nước để chống cạn kiệt, bảo đảm nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt; quản lý và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên khoáng sản, cấp phép khai thác đúng quy định; gia cố, xây các kè bờ sông, chân đê của các công trình thủy lợi, xử lý những đoạn sông bị ô nhiễm nặng, nạo vét, khơi dòng những đoạn sông xung yếu…

 

Tỉnh đã chỉ đạo xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay 11/15 cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm, bao gồm các đơn vị: Bệnh viện C; Bệnh viện Lao và bệnh phổi; Bệnh viện A; Bãi rác Thịnh Đức; Công ty cổ phần giấy Hoàng Văn Thụ; Công ty cổ phần giấy xuất khẩu; Nhà máy tấm lợp - Công ty cổ phần Cơ điện luyện kim; Công ty cổ phần cơ khí Gang thép; Chi nhánh Nhà máy Luyện thép Lưu xá; Nhà máy Luyện gang; Nhà máy Cán thép Lưu xá (thuộc Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên). 4 đơn vị chưa hoàn thành là: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên; Nhà máy Cốc hóa - Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên; Công ty cổ phần Vật liệu chịu lửa Thái Nguyên; Công ty cổ phần hợp kim sắt gang thép. Ngoài ra, tỉnh cũng đã thống kê và đưa vào danh sách 46 cơ sở khác gây ô nhiễm môi trường phải xử lý. Mặc dù chưa hoàn thành kế hoạch xử lý triệt để, song các cơ sở cũng đã và đang tổ chức thực hiện, từng bước hoàn thành xây dựng công trình xử lý chất thải.

 

Công tác giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm các nguồn thải gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Cầu; hoạt động quan trắc, theo dõi diễn biến chất lượng nước sông Cầu; việc đánh giá tác động tới môi trường của các dự án trước khi triển khai thực hiện được chú ý quan tâm. Từ 2007 đến nay, 300 lượt cơ sở đã được thanh, kiểm tra; trên 100 lượt cơ sở bị xử lý vi phạm với tổng số tiền nộp phạt gần 2 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về BVMT nói chung và BVMT lưu vực sông Cầu nói riêng đã thu hút được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân.

 

Tuy nhiên, chất lượng nước sông Cầu tại một số khu vực chưa đảm bảo sử dụng cho cấp nước sinh hoạt. Thậm chí, nhiều suối nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng như suối Cốc, suối Xương Rồng, suối Cam Giá, suối Phượng Hoàng, suối Loàng, suối Mỏ Bạch, suối La Cấm, suối Văn Dương, suối Phục Linh… Mặc dù đã được quan trắc thường xuyên, song do việc quan trắc chỉ được thực hiện tại một thời điểm nhất định nên các số liệu quan trắc chỉ có tính đại diện, chưa có số liệu mang tính hệ thống. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật về BVMT tại các đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh còn thấp, ước đạt 36%, chủ yếu tập trung thu gom ở khu vực nội thị; rác thải sinh hoạt tại các khu vực nông thôn chưa được quan tâm thu gom. Một số bệnh viện chưa có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh như: Bệnh viện Mắt; bệnh viện Tâm thần; bệnh viện Điều dưỡng; bệnh viện huyện Đại Từ; bệnh viện huyện Đồng Hỷ,… Tình trạng rác thải được đổ trực tiếp xuống các thủy vực vẫn còn. Bên cạnh đó còn có tình trạng xâm lấn các sông, suối, dòng chảy tự nhiên để xây dựng nhà ở, xây dựng công trình và mở rộng mặt bằng gây úng ngập, cản trở quá trình tiêu thoát nước khu dân cư, đô thị.

 

Hiện vẫn tồn tại tình trạng khai thác nước và khoan khai thác nước tự do, không có giấy phép; chưa thiết lập được hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp thống kê đối với một số chỉ tiêu về BVMT trong các lĩnh vực. Còn nhiều cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, không có điều kiện xây dựng hệ thống xử lý chất thải; khoảng cách an toàn vệ sinh môi trường với khu dân cư không đảm bảo. Công tác BVMT ở các làng nghề chưa được quan tâm, một số làng nghề đang có nguy cơ gia tăng ô nhiễm do nhu cầu phát triển ngành, nghề nông thôn. Vẫn còn tình trạng khai thác, chặt phá rừng đầu nguồn, khai thác cát sỏi lòng sông trái phép ở một số nơi…

 

Mức đầu tư cho công tác BVMT của các doanh nghiệp còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều cơ sở sản xuất chưa xây dựng hoặc xây dựng không đồng bộ công trình BVMT theo đúng cam kết. Cán bộ làm công tác môi trường còn thiếu và yếu so với yêu cầu, đa số cấp xã chưa có cán bộ môi trường, các doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ chuyên môn theo dõi về môi trường. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chấp hành BVMT của một số cơ sở sản xuất kinh doanh chưa cao, chủ yếu quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt. Nhiều cơ sở sản xuất còn đầu tư và sử dụng công nghệ, thiết bị sản xuất lạc hậu, dẫn đến phát sinh chất thải lớn, tập trung chủ yếu ở các loại hình có tiềm năng ô nhiễm lớn như khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim và chế biến nông, lâm sản, chăn nuôi, giết mổ gia xúc,…

 

Với mục tiêu đảm bảo ổn định chất lượng trên các sông, suối chưa bị ô nhiễm, duy trì đạt giới hạn tiêu chuẩn nước cấp sinh hoạt; từng bước hạn chế, giảm thiểu nguồn thải gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sông Cầu; ngăn chặn sự gia tăng ô nhiễm, đồng thời cải thiện, nâng cao chất lượng các dòng sông, suối; khôi phục và cải tạo cảnh quan, môi trường sinh thái ven sông Cầu, tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án BVMT lưu vực sông Cầu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2015. Hệ thống cơ chế chính sách nhằm khai thác, sử dụng các nguồn lực và BVMT sinh thái, cảnh quan sông Cầu hợp lý, hiệu quả, bền vững, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh sẽ tiếp tục được quan tâm xây dựng.