Doanh nghiệp quan tâm trùng tu di tích

08:48, 05/06/2011

Thái Nguyên được biết đến với nhiều di tích lịch sử, văn hóa có ý nghĩa như: Khu di tích thời đại đá cũ Thần Sa niên đại trên 23 nghìn năm; đền Đuổm (Phú Lương) thờ danh tướng Dương Tự Minh; Khu di tích núi Văn, núi Võ (Đại Từ) - quê hương của danh nhân Lưu Nhân Chú - một trong mười tám vị tướng tài theo Lê Lợi đánh giặc Minh; đền Đội Cấn và các điểm di tích khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917; An toàn khu Định Hóa…

 

Theo với thời gian, một số di tích đã bị xuống cấp cần phải đầu tư trùng tu, tôn tạo. Tuy nhiên, nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước đầu tư cho công việc này có hạn, nên sự chung tay đóng góp tiền của, công sức… của các đơn vị, doanh nghiệp trong việc trùng tu, tôn tạo di tích là rất cần thiết và quan trọng.

 

Có thể kể đến một trong những doanh nghiệp có đóng góp đáng kể trong việc trùng tu, tôn tạo di tích là Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công. Chỉ tính riêng vài năm trở lại đây, Doanh nghiệp này đã dành trên 8 tỷ đồng để ủng hộ việc tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh, cụ thể: gần 3 tỷ đồng phục vụ việc tôn tạo di tích đền Đuổm (Phú Lương); trên 1 tỷ đồng tôn tạo đền Mẫu, phường Phố Cò; trên 3 tỷ đồng tôn tạo chùa Cải Đan (T.X Sông Công); 500 triệu đồng tôn tạo chùa Hang (Đồng Hỷ); 150 triệu đồng tôn tạo đền thờ Lưu Nhân Chú (Đại Từ)... Ông Đinh Huy Chiến, Chủ nhiệm Hợp tác xã Công nghiệp và Vận tải Chiến Công cho biết: Khi doanh nghiệp làm ăn hiệu quả thì cần quan tâm đến cộng đồng, thể hiện trách nhiệm của mình với xã hội, tự nguyện đóng góp một phần công sức của mình để trùng tu, tôn tạo các di tích. Vì thế, không chỉ ủng hộ kinh phí để tôn tạo các di tích trên địa bàn tỉnh, Doanh nghiệp còn ủng hộ các di tích ở tỉnh bạn như: 800 triệu đồng xây dựng tháp chuông Dương Tự Minh (Cao Bằng); trên 100 triệu đồng tôn tạo đồi 79 Mùa xuân (Vĩnh Phúc)…

 

Còn ông Vũ Đức Tư Giám đốc Công ty Xây dựng và San nền Thái Nguyên chia sẻ: Trong một lần đi lễ ở đền Hồ Sen thờ Mẫu Thoải, phường Thịnh Đán (T.P Thái Nguyên) tôi được người dân nơi đây kể lại: ngôi Đền đã xây dựng cách đây hàng trăm năm, hiện nay đã xuống cấp, mái đền cũ nát, không đảm bảo an toàn cho người đi lễ… Là một doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, tôi thấy mình nên có trách nhiệm, vì thế tháng 3-2011, Công ty đã có công văn gửi phường Thịnh Đán, T.P Thái Nguyên về việc xin công đức đầu tư xây dựng tôn tạo đền Hồ Sen với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng. Nếu được cấp phép đầu tư, sau khi công trình hoàn thành, Công ty sẽ bàn giao cho địa phương quản lý, khai thác, sử dụng, đóng góp thêm một điểm di tích thắng cảnh, tín ngưỡng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân. Được biết, đền Hồ Sen có sắc phong trên 100 năm tuổi và tổ chức rước kiệu vào mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Đền được truyền miệng là rất linh thiêng, thờ Mẫu Thoải phù hợp với phong tục của người Việt (đạo thờ Mẫu) nên được đông đảo nhân dân gần xa biết đến…

 

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 780 điểm di tích, trong đó có 474 di tích lịch sử, 12 di tích khảo cổ, 43 di tích danh thắng, 26 di tích kiến trúc nghệ thuật, 225 di tích tín ngưỡng tôn giáo. Toàn tỉnh có 36 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 70 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Xác định việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử văn hóa là một việc làn cần thiết với sự tham gia của các cấp, các ngành và của toàn xã hội, trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều cố gắng trong việc phục hồi, bảo tồn, tôn tạo và phát huy các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn. Năm 2010, Sở đã tiến hành tổng kiểm kê toàn bộ các điểm di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh trong toàn tỉnh và lập quy hoạch phân loại di tích, việc làm này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một trong những tỉnh hoàn thành sớm nhất việc kiểm kê di tích lịch sử văn hóa.

 

Cùng với kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa, ngân sách của địa phương, sự hỗ trợ của các cơ quan trung ương có trụ sở làm việc tại Thái Nguyên thì việc vận động xã hội hóa của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp trong việc góp sức trùng tu, tôn tạo di tích là việc làm hết sức cần thiết, thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội… Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Nguồn kinh phí Nhà nước có hạn nên việc vận động các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có lòng hảo tâm đóng góp để trùng tu, tôn tạo di tích là hết sức cần thiết. Năm 2009, toàn tỉnh đóng góp được trên 15 tỷ đồng, năm 2010, đóng góp được trên 30 tỷ đồng, nhờ đó, nhiều điểm di tích đã được trùng tu, tôn tạo kịp thời, góp phần cùng với tỉnh thực hiện tốt việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các gia trị di tích lịch sử, văn hoá, tín ngưỡng trên địa bàn…