Đơn vị điển hình trong phát triển kinh tế tập thể

09:54, 17/06/2011

Những năm qua, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có loại hình hợp tác xã (HTX) công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Một trong những đơn vị tiêu biểu thuộc loại hình này là HTX Kinh doanh lâm sản và Vật liệu xây dựng (VLXD) T.P Thái Nguyên.

 

Hợp tác tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi

 

HTX Kinh doanh lâm sản và VLXD T.P Thái Nguyên ra đời năm 1987, được hình thành từ mô hình tổ hợp tác khai thác, chế biến, kinh doanh lâm sản. Tổ có 6 tổ viên đều là quân nhân xuất ngũ, tự nguyện liên kết, cùng nhau phát triển kinh tế. Tháng 5-1987, UBND T.P Thái Nguyên đã cho phép tổ hợp tác chuyển đổi mô hình thành HTX với tên gọi như hiện nay. Để có vốn hoạt động, 6 xã viên đã tự nguyện góp mỗi người 1 chỉ vàng, tương ứng với 6 ngàn đồng (tính theo giá thời điểm đó), tổng cộng là 36 ngàn đồng. Với số tiền này, khó khăn về vốn của HTX cơ bản được giải quyết cộng thêm nhu cầu đối với các sản phẩm lâm sản trên địa bàn tăng cao đã giúp HTX hoạt động ngày càng hiệu quả, làm ăn có lãi. Sau vài năm, HTX đã mở rộng kinh doanh thêm một số mặt hàng VLXD như sắt, thép, xi măng… Do luôn coi trọng chữ “Tín” với khách hàng nên HTX ngày càng có nhiều người biết đến, hàng hóa tiêu thụ mạnh, thậm chí có nhiều khách hàng phải “đặt cọc” cả tuần mới nhận được hàng.

 

Vượt qua nhiều khó khăn, thăng trầm trong sản xuất kinh doanh, HTX đã vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị trí là đơn vị kinh tế tập thể tiêu biểu trên địa bàn. Nếu như số vốn ban đầu tương đương với 6 chỉ vàng thì đến năm 2000 vốn điều lệ của HTX đã đạt 360 triệu đồng và hiện nay đã tăng lên 5 tỷ đồng. Nhờ đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, máy móc, thiết bị nên hàng năm, HTX luôn về trước kế hoạch từ 30 đến 60 ngày; doanh thu đạt khoảng 15 đến 16 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách tăng trung bình 200%… Có mặt tại một trong hai xưởng sản xuất của HTX ở địa chỉ tổ 1, phường Cam Giá (T.P Thái Nguyên), rộng 1.200m2 chúng tôi được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương, tập trung của anh em công nhân để gấp rút hoàn thành hợp đồng với khách hàng. Anh Tô Văn Khương, một công nhân đã gắn bó với HTX trên 10 năm nay cho biết: Hiện nay, 30 lao động đang làm việc thường xuyên tại HTX đều có thu nhập bình quân trên 3 triệu đồng/người/tháng và được đảm bảo đầy đủ quyền lợi theo quy định của Nhà nước. Ông Hà Công Nền, Chủ nhiệm HTX khẳng định: Có được những kết quả trên là do từ khi thành lập đến nay, chúng tôi luôn tôn trọng nguyên tắc “tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi”. Hiện nay, HTX có 9 xã viên tự nguyện liên kết với nhau để phát triển kinh tế. Cả 9 xã viên luôn được đảm bảo quyền lợi đối với tài sản góp vốn, phân phối lợi nhuận, lương thưởng. Những điều này đã được quy định rất cụ thể trong điều lệ của HTX. Điều lệ cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung tại đại hội xã viên (diễn ra 2 năm/lần) cho phù hợp với thực tế. Đây chính là yếu tố rất quan trọng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa các xã viên. Cũng nhờ vậy mà tinh thần tự chủ và trách nhiệm của xã viên trong sản xuất kinh doanh được phát huy, hoạt động của HTX đạt hiệu quả cao hơn.

 

Thực hiện tốt “3 khâu” quản lý và đa dạng hóa sản phẩm

 

Đó là chiến lược phát triển xuyên suốt của HTX Kinh doanh lâm sản và VLXD T.P Thái Nguyên. Bởi lẽ, sản xuất kinh doanh không phải lúc nào cũng “thuận buồm xuôi gió”. Vào thời điểm cuối năm 1990, đầu năm 1991, kinh tế nước ta dần mở cửa, phát triển theo cơ chế thị trường với nhiều thành phần kinh tế, áp lực cạnh tranh ngày càng tăng. Nhiều khách hàng của HTX bị thua lỗ, không có khả năng thanh toán nợ, HTX tưởng như phải ngừng hoạt động. Để vượt qua khó khăn này, các xã viên đã chủ động tận dụng mối quan hệ với các nông, lâm trường và nhiều hộ dân thực hiện các hợp đồng thu mua lâm sản trả chậm, với cam kết sẽ thanh toán đầy đủ 100% ngay sau khi bán được hàng. Làm được điều này, theo ông Hà Công Nền, Chủ nhiệm HTX thì công tác tổ chức, quản lý đòi hỏi phải thực sự phát huy được quyền làm chủ, kích thích sự năng động, sáng tạo của xã viên, tập trung ở “3 khâu” chính đó là: quản lý tài chính, quản lý con người và quản lý chất lượng sản phẩm. Trong đó, việc quản lý con người có vai trò quyết định nhất. Vì con người vừa là người điều hành cũng là người thực hiện quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm bảo đảm chất lượng với chi phí thấp, giúp hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cùng với đó, từ nhiều năm nay, HTX đã thực hiện khoán các sản phẩm và doanh số trực tiếp cho các tổ, đội. Cách làm này đã khắc phục được hạn chế của việc sản xuất phân tán, giúp HTX luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu. Ngoài ra, HTX cũng thường xuyên coi trọng việc đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, mẫu mã. Từ chỗ chỉ kinh doanh các sản phẩm đơn giản, không qua chế biến như cây tre, cây mai, lá cọ, đến nay các sản phẩm của HTX khá đa dạng về chủng loại, mẫu mã và giá cả, đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Từ tủ, giường, bàn ghế, gỗ ốp lát, cửa nhà đến các loại gỗ dùng cho xây dựng; bao bì cho hàng xuất khẩu và phục vụ cho quốc phòng; gỗ cho khuôn mẫu ngành công nghiệp… Chiến lược kinh doanh “bỏ trứng vào nhiều giỏ” đã giúp HTX sản xuất ổn định, tránh được những tác động bởi bất ổn của nền kinh tế như hiện nay. 

 

Đánh giá về hoạt động của HTX Kinh doanh lâm sản và VLXD T.P Thái Nguyên, ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Không chỉ là đơn vị sản xuất kinh doanh hiệu quả mà HTX còn làm tốt vai trò “tương trợ cộng đồng”, giải quyết việc làm cho hàng chục xã viên và người lao động với thu nhập cao, ổn định. HTX cũng là một trong số ít đơn vị kinh tế tập thể có công đoàn cơ sở, phát huy tốt vai trò trong bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Không chỉ vậy, hàng năm HTX đều tổ chức xây dựng 1 ngôi nhà cho người nghèo, hỗ trợ cho 1 địa chỉ nhân đạo với số tiền trên 30 triệu đồng. HTX cũng tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện do các cơ quan, đơn vị phát động. HTX Kinh doanh lâm sản và VLXD T.P Thái Nguyên thực sự là đơn vị điển hình trong phát triển kinh tế tập thể, xứng đáng với phần thưởng cao quý Huân chương Lao động hạng Ba do Chủ tịch nước trao tặng.