Gian nan những chuyến đò ngang

08:18, 16/06/2011

Hàng chục năm nay, gần 200 hộ dân ở 2 xóm Tân Yên và Đồng Vung, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) bị tách biệt với trung tâm xã bởi dòng sông Cầu, phương tiện duy nhất để đưa bà con sang sông là những chuyến đò ngang khiến việc đi lại, giao thương hàng hóa, việc học của trẻ em nơi đây hết sức khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão.

Chúng tôi đến 2 xóm trên vừa lúc nhiều người dân đi chợ phiên về đang tập trung ở bến đò để sang sông. Đò nhỏ, người và hàng nhiều nên chủ đò phải hướng dẫn mọi người phân chia thành từng nhóm để chuyển dần qua sông. Giữa cái nắng hè gay gắt, nhìn con đò không có bất kỳ một phương tiện cứu hộ nào chòng chành vượt sông khi phải oằn mình “cõng” hàng chục người kèm theo hàng hóa khiến tôi chợt rùng mình khi nghĩ đến những tai nạn thảm khốc từ các chuyến đò ngang đầy bất trắc như thế. Anh Đặng Quốc Đạt, cán bộ nông nghiệp UBND xã Hòa Bình với vai trò là người dẫn đường cho chúng tôi biết: Xóm Tân Yên và Đồng Vung không những bị chia cắt về giao thông mà còn thường xuyên phải đối mặt với khó khăn về phát triển kinh tế. Bà con ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, thế nhưng việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản lại rất khó. Nếu muốn đem hàng hóa ra chợ trung tâm thì chỉ có cách duy nhất là chất tất cả các sản phẩm lên con đò già nua, mỏng mảnh và phó thác sự an nguy cho người cầm sào. Trong suốt hàng chục năm qua, những người lái đò ở đây đã không thể nhớ hết số lần mình phải lặn ngụp giữa những con nước lớn để cùng bà con vớt các sản phẩm không may bị rơi xuống lòng sông.

Anh Trần Huy Tuấn đã hơn chục năm nay chèo lái con đò đưa người qua khúc sông này gọi việc mình làm là “nghề nguy hiểm”, vừa khua mái chèo, anh vừa tâm sự: Mỗi ngày tôi đưa khoảng 200 lượt người qua sông, người dân ở đây đi đò không trả bằng tiền mà trả bằng thóc, cứ mỗi nhân khẩu là 10 cân thóc/năm, riêng học sinh thì được miễn. Mỗi năm tôi thu được khoảng 3 tấn thóc, dù thế, tôi vẫn muốn mình “thất nghiệp”. Không có việc làm nhưng có cây cầu cho dân đi là tôi thấy vui rồi.
 
Theo lời kể của anh Tuấn thì cứ vào mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 3) bà con trong xóm lại góp sức, góp của bắc những cây cầu tạm qua sông, mỗi cây cầu trị giá khoảng 3 triệu đồng, thế nhưng đến mùa mưa, nước lũ lại cuốn trôi hết tất cả. Còn chuyện rủi ro thì hầu như năm nào cũng xảy ra, vài năm trước đã có nhiều người chết đuối vì không được cứu giúp kịp thời trên đoạn sông này, nguyên nhân chủ yếu là do người dân đi trên cầu vào lúc trời tối nên bị xảy chân ngã xuống sông. Hai năm trở lại đây tuy không còn xảy ra tình trạng chết đuối nhưng vẫn có nhiều người bị ngã gẫy chân, gẫy tay. Điển hình nhất là trường hợp của chị Nguyễn Thị Chiêm, ở xóm Tân Yên. Tháng 5-2010, chị Chiêm mang chè khô sang sông để bán nhưng do sơ ý nên khi rời đò chị bước hụt khiến chè đổ hết xuống sông, còn chị thì bị ngã gẫy chân.
 
Len lỏi trên những con đường quanh co đến với các gia đình ở xóm Tân Yên và xóm Đồng Vung, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện buồn kể về sự gian nan, vất vả để đến với con chữ của trẻ em nơi đây. Đó là chuyện các em học sinh phải thức dậy từ sáng sớm để chờ đò qua sông; là chuyện có em bật khóc nức nở khi bị rơi sách vở xuống sông rồi mất hút theo dòng nước; đáng buồn nhất là chuyện mùa mưa lũ, học trò 2 xóm phải nghỉ học cả tuần để chờ nước rút, nhiều em học sinh cũng vì thế mà bỏ học giữa chừng… Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng xóm Tân Yên cho biết: Hai xóm có 198 hộ gia đình với 844 nhân khẩu, trong đó có khoảng 300 em học sinh các cấp. Biết rằng việc để các cháu đi học trên những chuyến đò chòng chành như vậy là nguy hiểm nhưng chúng tôi cũng đành chịu, chẳng lẽ để các cháu thất học rồi lại quẩn quanh cái kiếp nghèo như bố mẹ chúng. Có thể thấy, trong khi các trường học, cấp học đều chỉ có ở bờ bên kia thì việc cách trở đò giang đã làm dài thêm con đường tìm đến tri thức để nuôi lớn những ước mơ của trẻ em nơi đây.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lý Ngọc Tân, Chủ tịch xã Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là một xã nghèo. Để xây dựng một cây cầu kiên cố qua sông là điều không thể, do đó, từ xưa đến nay nhân dân 2 xóm đều phải đi đò sang bờ bên kia, mà con sông thì ngày một rộng và sâu hơn do việc khai thác cát sỏi và sự biến đổi dòng chảy gây sạt lở bờ sông. Bất trắc, nguy hiểm và thiếu an toàn là những điều người dân có thể nhìn thấy trước nhưng không thể cấm chủ đò hoạt động, xã chỉ còn biết thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở chủ đò cố gắng đảm bảo an toàn ở mức tối đa.
 
Được biết, nguyện vọng thiết tha về một cây cầu cho người dân hai xóm Tân Yên và Đồng Vung đã được đề xuất ở rất nhiều cuộc họp, nhưng đến nay, câu trả lời về một phương án nối đôi bờ xã Hòa Bình vẫn còn bỏ ngỏ. Với những gì được thấy, được nghe trên con đò vượt sông Cầu, chúng tôi hy vọng sự mong mỏi của hàng trăm người dân và các em học sinh nơi đây sẽ sớm được các cấp có thẩm quyền và những người có trách nhiệm quan tâm.