Mô hình phù hợp với phụ nữ nghèo

09:11, 09/06/2011

Đã thành lệ, đúng 12 giờ 30 phút ngày 10 và 25 hàng tháng là nhóm tiết kiệm tín dụng của những phụ nữ nghèo ở xóm Phú Hội 2, xã Sơn Phú (Định Hóa) lại tổ chức họp nhóm để đánh giá hoạt động của quỹ tiết kiệm trong những ngày qua và triển khai công việc những ngày tới.

 

20 thành viên đều có mặt đúng giờ, bởi theo quy định đã được các thành viên thống nhất là nếu ai đi họp muộn sẽ bị phạt tiền, tùy theo thời gian đến muộn nhiều hay ít. Điều đó đã giúp hình thành phong cách làm việc “công nghiệp” của nhiều phụ nữ ở vùng quê còn không ít khó khăn này.

 

Được dự buổi họp nhóm tiết kiệm tín dụng trong khoảng 90 phút, chúng tôi cảm nhận được sự nhanh nhẹn, hoạt bát của những phụ nữ nông thôn ở đây trong cách tính toán tiền gốc, tiền lãi, tồn quỹ đến thời điểm hiện tại… Nhóm tín dụng tiết kiệm ra đời nhằm huy động tiền nhàn rỗi của chị em phụ nữ thông qua những cổ phiếu với mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu được in ấn đẹp, rõ ràng trên giấy và ép plastic rất cẩn thận. Theo quy định của nhóm, mỗi buổi họp một thành viên sẽ phải mua ít nhất 1 cổ phiếu để đóng góp xây dựng Quỹ. Số tiền mua cổ phiếu được tính lãi suất 12%/năm. Chị Vũ Thị Bình, thành viên nhóm tiết kiệm tín dụng vui vẻ nói: Từ khi thành lập nhóm đến nay, tôi chưa nghỉ họp buổi nào. Tôi đã mua được khoảng 50 cổ phiếu. Lần nào đi họp, tôi cũng dành tiền để mua vài cổ phiếu nhưng hoàn toàn không phải vì lãi suất, mà đó là một cách tiết kiệm của chị em phụ nữ nghèo, hơn nữa là vì trách nhiệm của mình đối với những chị em khác còn khó khăn hơn. Tham gia nhóm tiết kiệm được gặp gỡ nhau mỗi tháng 2 lần, chúng tôi còn có điều kiện trao đổi, trò chuyện với nhau về cuộc sống gia đình, về cách chăm sóc con cái, chăm sóc bản thân…

 

Nhóm tín dụng tiết kiệm này được thành lập từ tháng 1-2011 dưới sự giúp đỡ của Dự án hỗ trợ phụ nữ Thái Nguyên hợp tác và phát triển (CARE- Đan Mạch) thông qua Hội LHPN tỉnh. Dự án hỗ trợ nhóm một máy tính, két sắt, cổ phiếu và tập huấn kỹ năng ghi chép, quản lý sổ sách quỹ tín dụng tiết kiệm. Mục tiêu hoạt động của nhóm là huy động tiền tiết kiệm của các thành viên để cho nhau vay với lãi suất ưu đãi (lãi suất do các thành viên trong nhóm quy định). Nghe thì có vẻ mâu thuẫn vì cuộc sống của những gia đình phụ nữ nghèo vốn đã rất khó khăn, nay lại phải dành tiền để tham gia mua cổ phiếu tiết kiệm. Tuy nhiên, trên thực tế, đó là mô hình phù hợp với phụ nữ nghèo, bởi mỗi chị chỉ cần mua một vài cổ phiếu là đã có thể đóng góp cho quỹ vài chục nghìn đồng. Số tiền đó tuy rất ít ỏi nhưng vẫn có lãi. Trong điều kiện kinh tế còn eo hẹp thì việc “năng nhặt chặt bị” này sẽ giúp chị em có một món tiền nhất định khi cần thiết.

 

Chị Ngô Thị Thông, Trưởng nhóm tín dụng tiết kiệm cho biết: Mô hình tiết kiệm này rất phù hợp với những phụ nữ nghèo ở nông thôn, bởi các thành viên sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nếu tham gia vào nhóm. Sau 5 tháng hoạt động, đến nay Quỹ đã có trên 7 triệu đồng, hiện đang cho 4 thành viên vay để mua phân bón, giống cây trồng... Để ràng buộc trách nhiệm của các thành viên và thuận tiện trong điều hành, quản lý Quỹ, chúng tôi đã bàn bạc và thống nhất ban hành quy chế hoạt động. Trong từng buổi họp nhóm đều tiến hành điểm danh các thành viên, ai đến muộn không có lý do chính đáng sẽ bị phạt tiền (10 nghìn đồng). Sau khi các thành viên mua cổ phiếu, Ban quản lý Quỹ sẽ thông báo tổng số cổ phiếu bán được, số tiền quỹ hiện tại (bao gồm cả lãi suất), về các thành viên có nhu cầu vay vốn, nhắc nhở các trường hợp đến kỳ hạn phải trả… Mọi chi tiết đều được ghi biên bản và thông qua vào cuối buổi họp. Giờ họp cũng được các thành viên thống nhất vào buổi trưa vì đó là thời gian rảnh rỗi nhất của chị em ở nông thôn. Buổi họp chỉ kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ nên không ảnh hưởng đến công việc gia đình, đồng áng. Trong mỗi buổi họp, các thành viên còn được trao đổi về những phương pháp, kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, đặc biệt là trao đổi về việc trồng, chăm sóc, chế biến che, bởi hầu hết các hộ dân trong xóm đều trồng chè. Dự án CARE cũng đang hướng dẫn chị em thực hiện quy trình trồng, chăm sóc chè theo Tiêu chuẩn VietGAP (tiêu chuẩn chất lượng) và giúp các chị hoàn tất thủ tục để cấp chứng chỉ cho sản phẩm chè của xóm Phú Hội 2...

Những phụ nữ nghèo ở xóm Phú Hội 2 đã thấy được lợi ích khi tham gia nhóm tín dụng tiết kiệm không chỉ dừng lại ở món tiền mình dành dụm được, mà các chị còn có điều kiện nâng cao hiểu biết về cuộc sống gia đình, cách chăm sóc sức khỏe bản thân, những vấn đề nóng của xã hội, những dịch bệnh đang diễn ra… Từ đó các chị có kế hoạch chăm lo cho cuộc sống gia đình nhỏ bé của mình tốt hơn, góp phần xây dựng cộng đồng no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.