Mong lắm một cây cầu kiên cố!

17:01, 11/06/2011

Hàng chục năm nay, hàng trăm hộ dân thuộc các xóm: Trung Năng Thượng 1, 2, 3; Sim Nồng, Đội 9 (xã Phúc Thuận, huyện Phổ Yên) và nhân dân sống xung quanh khu vực này muốn sang thị trấn Bắc Sơn học tập, làm việc hay buôn bán vẫn phải đi qua cây cầu tre tạm bợ, vắt vẻo qua đoạn Cầu Đổ (thuộc xóm Trung Năng Thượng 2, nhân dân thường gọi là sông Phúc Thuận) luôn tiềm ẩn những mối hiểm nguy.

 

Cây cầu được làm bằng thân tre ngắn đặt lên khung gỗ bắc qua các trụ còn trơ lại của cây Cầu Đổ (cầu được xây dựng từ thời Pháp thuộc đã bị đổ) hoặc các ụ đá to do người làm cầu xếp lại. Lối lên cầu cũng được xếp bằng đá sông lởm chởm. Mỗi ngày, có hàng trăm lượt người với các loại xe máy, xe đạp đi lại trên cây cầu này. Khi có xe máy đi lên, cây cầu lại rung lên bần bật, cùng với sự mấp mô của mặt cầu khiến người điều khiển phương tiện càng khó khăn hơn. Lệ phí đối với người qua cầu là 2000 đồng/lượt. Vào giờ cao điểm, lượng người qua cầu đông hơn, phải xếp hàng chờ tới lượt mất rất nhiều thời gian.

 

Chị Lâm Thị Thu, người thu vé cầu cho chúng tôi hay: Cầu này do 5 hộ gia đình ở xóm Trung Năng Thượng 2 tự góp tiền mua vật liệu dựng lên. Để bù lại, chúng tôi đã thay nhau hàng ngày trông coi cầu và thu phí. Tháng trước chúng tôi chỉ thu 1000 đồng/người nhưng nay giá nguyên vật liệu đắt nên giá “vé” đã được tăng lên gấp đôi. Trung bình mỗi ngày có khoảng vài trăm lượt xe và người qua lại trên cầu, tiền vé chúng tôi thu được từ 200 nghìn đồng đến 400 trăm nghìn đồng. Thế nhưng, cứ lần có lũ tràn qua thì chiếc cầu lại bị nước cuốn trôi. Có năm chúng tôi phải làm lại nhiều lần, mỗi lần như vậy mất hơn 2 triệu đồng tiền mua nguyên vật liệu chưa kể tiền công. Chúng tôi miễn phí qua cầu cho giáo viên và học sinh”.

 

Khi chúng tôi đang nói chuyện thì xuất hiện một chiếc xe tải chở giống cây trồng từ phía thị trấn Bắc Sơn lên, đến đầu cầu đành phải dừng lại dùng sức người vận chuyển qua cầu rồi chất lên xe khác ở bờ bên này để đưa đến các xóm. Được biết, không chỉ riêng giống cây trồng mà phân bón, hàng hóa, vật liệu xây dựng… đều không thể chở bằng ô tô qua đoạn sông này được. Tất cả đều được vận chuyển chủ yếu bằng xe máy. Nhân dân vùng này gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khổ nhất là các em học sinh THCS và THPT hàng ngày phải sang thị trấn Bắc Sơn để học. Tuy không mất phí qua cầu nhưng cứ mùa mưa bão, nước sông chảy siết, làm trôi cầu đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của các em.

 

Anh Lâm Văn Sáu, ở xóm Trung Năng Thượng 2 (có con gái đang học lớp 8 bên thị trấn Bắc Sơn) và một số người dân ở đây cho biết: “Những lúc cầu bị lũ cuốn, đa phần học sinh phải nghỉ học. Nếu vào những ngày thi, gia đình lại phải đưa các cháu đi theo đường vòng qua thị xã Sông Công sang Phổ Yên mới đến được thị trấn Bắc Sơn, xa hơn khoảng 30 km. Đây cũng đường mà ô tô có thể đi được sang địa phận thuộc hai bên đầu cầu tre. Trong khi nếu theo đường thẳng chỉ mất khoảng hơn 1km. Những năm trước, một số người đã bị chết đuối khi cố vượt dòng nước lũ để sang bên kia sông. Còn năm 2010, có thanh niên từ miền xuôi qua cầu do không quen đường, rơi cả người lẫn xe xuống cầu, xe máy bị cuốn trôi còn người may mắn thoát nạn…”

           

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Xuân Ái, Chủ tịch UBND xã Phúc Thuận cho hay: “Nhiều năm nay, chúng tôi đã có kiến nghị gửi lên UBND cấp trên sớm cấp kinh phí để xây dựng cầu tràn nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Có cây cầu kiên cố thì nhân dân mới đỡ khổ, kinh tế xã hội mới phát triển được”. Đó cũng là khát khao cháy bỏng của nhân dân, các em nhỏ nơi đây bấy lâu nay. Thế nhưng, hàng chục năm nay, đã  biết bao nhiêu cây cầu tạm được làm đi, làm lại do không chống chọi được với bão lũ. Lại một mùa mưa lũ nữa đang đến, những hiểm nguy vẫn rình rập trên cây cầu tre tạm bợ, nỗi lo của người dân nơi đây vẫn canh cánh…