Một lần ở Lũng Ma

16:46, 18/06/2011

Rừng Lũng Ma rộng gần 900 ha, chỉ có một ngôi nhà người Mông sinh sống. Gần chục năm nay, có thêm một ngôi nhà sàn nhỏ của tổ lính gác rừng đang ngày đêm làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, hai ngôi nhà lại nằm ở 2 thung lũng cách nhau khá xa. Trước khi lên với rừng, một người cao tuổi ở xóm Cầu Đá (nơi chúng tôi gửi xe để bắt đầu khởi hành) đã kể: “Ngày xưa, trâu bò của dân làng mà lạc vào đó coi như hết đường về vì rừng rất rộng và rậm rạp. Dân cũng chẳng mấy ai bước đến vùng ấy. Còn muốn nghe chuyện về Lũng Ma thì…”

Tôi vốn sinh ra và lớn lên nơi miền sơn cước, những chuyến đi rừng, nghe câu chuyện về rừng không hề xa lạ. Ấy vậy nên khi nghe một đồng nghiệp thuộc bậc “tiền bối” trong nghề rủ đi tác nghiệp “dài hơi” ở vùng rừng Lũng Ma (xã Yên Lạc, huyện Phú Lương) đã khiến tôi nổi hứng. Đối với một phóng viên mới “bước vào nghề” như tôi, được đi với các “sư phụ” là một điều may mắn. Hơn nữa, sự tò mò, hiếu kỳ của tuổi trẻ về miền đất mới vẫn luôn thôi thúc.

Hôm ấy là ngày trở lại rừng của hai Thiếu úy trẻ Hoàng Văn Điệp và Nguyễn Công Thắng xuống núi 2 hôm trước để thực hiện nhiệm vụ cùng đơn vị. Chúng tôi nhanh chóng “bám theo” hai người lính trẻ, bởi đến Lũng Ma, đường thẳm, rừng sâu nhất thiết phải có người dẫn lối. Trên vai họ, hai chiếc ba lô chất đầy lương thực, thực phẩm ăn trong tuần của tổ công tác. Đường lên lũng Ma, có lúc phải vượt những mỏm đá tai mèo sắc nhọn, lúc xuyên qua những khe suối nước trong veo chảy róc rách qua kẽ đá… Đoàn leo núi chúng tôi có 5 người, thi nhau thở hổn hển nhưng tiếng nói cười không ngừng vang lên xen vào những tiếng chim, tiếng thú rừng vọng lại… Trong cuộc hành trình, đoàn nghỉ chân 3, 4 lần vừa để lấy lại sức cũng là để kiểm tra xem có con vắt nào bám không. Thiếu úy Điệp, người lính trẻ đã gắn bó với khu rừng này 3 năm nay nói: “Cũng may mấy anh em lên đúng hôm trời nắng! Nếu là ngày mưa thì khổ lắm, đường trơn, muỗi, vắt bâu vào thì khỏi nói. Có lúc mấy anh em trong rừng vì mưa quá không xuống núi được phải ăn cháo muối với rau rừng cả chục ngày”.

Đường lên Lũng Ma cũng có nhiều cái tên nửa quen nửa lạ như: hang Gió, Cổng Trời, khe Đá Mài… Vượt lên một đoạn dốc cao, dài tới vài trăm mét, chúng tôi đến đồi Bưu Điện (tên này là do các anh em đặt cho, bởi ở đây có nhiều sóng điện thoại “rơi” nhất). Đến đỉnh đồi, bỗng có tiếng nhạc từ radio vọng lại, Thiếu úy Thắng đoán ngay: Chắc biết hôm nay có khách nên anh Lâu ra đón đấy! 2 hôm nay anh chỉ có chiếc radio làm bạn chắc buồn lắm! Thiếu tá Hà Văn Lâu “lên rừng” đã hơn 1 năm nay, tính anh vốn trầm, ít nói nên cũng chỉ cười hiền mặc dù rất mừng khi gặp lại đồng đội và có thêm cả khách quý…
 
Đi xuống thêm vài trăm mét, trước mắt chúng tôi, xuất hiện một ngôi nhà sàn nhỏ xinh: “lưng dựa núi, mặt ngắm ao” trông như nơi ở ẩn của các đấng trượng phu chán cảnh quan trường mà tôi thường đọc trong văn học. Đây chính là “doanh trại” của những người “lính xanh”. Vậy là sau gần 2 tiếng đồng hồ làm vận động viên leo núi, chúng tôi đã đến “đích”. Và có lẽ, bữa cơm hôm ấy là bữa ăn ở “cơ sở” mà tôi cảm thấy ngon và đáng nhớ nhất.
 
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi được các anh dẫn đến nhà ông Lý Văn Sỹ, dân tộc Mông, ngôi nhà dân duy nhất trong khu rừng rộng lớn này. Chúng tôi gặp lại Dũng, con trai ông Sỹ, người mà chúng tôi đã từng gặp trên đường lên đây lúc sáng, lúc đó Dũng đang “cõng thóc” xuống núi để xát. Năm nay 19 tuổi nhưng Dũng không biết “mặt chữ”…
 
Đêm tháng 4, gió lạnh lùa từng cơn, ánh trăng chênh chếch chiếu từng tia sáng mờ ảo xuống thung lũng khiến cả khu rừng càng âm u, huyền bí hơn. Ngồi quây quần bên bếp lửa hồng, ấm chè đặc được pha sẵn làm “chất men” cho chúng tôi cùng dốc bầu tâm sự. Những suy tư, nỗi niềm lần lượt được bày tỏ.
 
Đêm đã tàn, chúng tôi phải nói lời chia tay nhau. Dù chỉ gặp nhau có hơn một ngày mà chúng tôi sao thấy thân thiết như cố nhân vậy. Xoay quanh câu chuyện về Lũng Ma, những tâm sự của các chàng lính trẻ về công việc, tình yêu, lý tưởng càng thấy niềm tin của họ vào cuộc sống. Dù thiếu thốn, vất vả bộn bề nhưng không hề đòi hỏi, than phiền mà vẫn âm thầm làm tròn nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho. Từ ngày có “lính xanh” gác, rừng Lũng Ma không còn bị tàn phá nữa. Tôi chợt nghĩ về nơi phồn hoa đô hội với những bon chen thường ngày… Chúng tôi lặng lẽ bước xuống núi.