Đã theo nghề báo, ai cũng sẽ có những kỷ niệm khó quên và tôi cũng không phải là một ngoại lệ. Đi và viết đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, vui có, buồn có nhưng kỷ niệm mà tôi luôn nhớ mãi đó là những lần đến với bà con người dân tộc Mông ở bản Lân Đăm, xã Quang Sơn (Đồng Hỷ).
Năm 2000, lúc đó, tôi mới chân ướt, chân ráo vào nghề và luôn khao khát được tìm hiểu, khám phá. Hôm trước, nghe nói ở xã Quang Sơn có bản người Mông ở tít trên núi cao, không cần nghĩ ngợi nhiều, ngày hôm sau, tôi lên đường ngay. Khi đến xã, nghe tôi đặt vấn đề muốn lên Lân Đăm, cán bộ địa phương nhìn tôi đầy nghi hoặc. Họ e ngại cũng phải bởi với bộ dạng của một cô gái bấy bớt, mặt còn búng sữa, liệu tôi có thể vượt qua được chặng đường đầy gian nan để đặt chân lên bản người Mông nằm trên đỉnh núi cao chót vót ấy hay sẽ bỏ cuộc giữa chừng?. Thấy vẻ mặt quả quyết của tôi, cuối cùng, lãnh đạo xã cũng cử cán bộ dẫn tôi lên bản. Cho xe máy chạy chầm chậm theo người đưa đường, tôi phải khéo léo lắm mới vượt qua được những đoạn đường gập ghềnh. Rồi anh dừng lại ở một nhà dân. Cứ ngỡ đã đến nơi, tôi thầm nghĩ, thế này thì có gì là khó khăn đâu. Nhưng tôi chưa kịp dựng xe đã thấy anh nhắc nhở: Chúng ta gửi xe máy ở đây. Chị nghỉ ngơi đi, từ đây lên đó, đường khó lắm, phải đi bộ hơn 1 giờ đồng hồ đấy.
Đi bộ ư, nào có hề hấn gì, điều quan trọng tôi sẽ là nhà báo đầu tiên đặt chân đến Lân Đăm. Tôi thấy rất thích thú vì điều đó nhưng càng đi sâu vào trong, đường càng khó đi. Phải qua đoạn dốc đứng đến tức ngực, tôi thấy mình choáng váng. Đi mãi, đi mãi, cuối cùng bản người Mông Lân Đăm đã ở trước mặt. Từ xa, những ngôi nhà xiêu vẹo, bé tẹo nép bên sườn núi. Nhiều đám ngô chưa thu hoạch, lá đã úa vàng để lộ ra chiếc bắp bé tẹo. Lũ trẻ nhìn thấy người lạ chạy ù vào núp sau lưng mẹ. Trò chuyện với trưởng bản, đi từ nhà nọ đến nhà kia, tôi càng thấm thía nỗi khổ của người dân nơi đây. Đói ăn, thiếu mặc, thất học, đẻ nhiều, trình độ canh tác lạc hậu là những gì tôi cảm nhận ở bản người Mông chỉ có 9 hộ nhưng có đến hơn trăm nhân khẩu này.
Chia tay bà con khi bóng chiều đã khuất núi, tôi không còn hứng thú với việc mình là nhà báo đầu tiên đến đây mà chỉ thấy lòng man mác buồn. Tôi đã gửi hết những trăn trở vào bài báo của mình với mong muốn Lân Đăm sẽ được các cấp, ngành quan tâm nhiều hơn. Ngay sau đó, Chi đoàn Báo Thái Nguyên đã vận động đoàn viên và cán bộ công nhân viên chức trong Toàn soạn quyên góp tiền mua gạo, lợn giống hỗ trợ bà con người Mông ở Lân Đăm…
Thời gian cứ thế trôi đi, tôi bị cuốn theo vòng xoáy của người làm báo. Đó là lập trình đi và viết… Vài năm sau, tôi thường gặp các chị ở bản Lân Đăm về T.P Thái Nguyên bán thứ thuốc gia truyền của người Mông. Thấy các chị váy áo rực rỡ, nụ cười tươi tắn, ăn nói hoạt bát, tôi mừng lắm. Mừng hơn khi thấy các chị khoe bản Lân Đăm đã khác xưa nhiều rồi! Những cuộc gặp gỡ giữa tôi và những người con của bản Lân Đăm trên đường phố thị thành đã khiến tôi háo hức trở lại nơi ấy. Và 9 năm sau (năm 2009), tôi lại có cuộc hội ngộ với bà con bản Lân Đăm. Vui khi thấy nơi này đã đổi thay. Đường vào bản đã được đầu tư, con dốc cao đầu bản đã được hạ xuống. Thay vì phải đi bộ một đoạn đường dài, tôi cho xe máy chạy một lèo tới bản. Thấp thoáng phía xa là những ngôi nhà gỗ xinh xắn lợp bằng tấm lợp prôximăng. Cây trồng duy nhất ở đây - cây ngô đã được trồng ở cả 2 vụ (trước đây chỉ trồng 1 vụ hè - thu), bằng giống ngô lai thay cho giống ngô địa phương năng suất thấp. Năng suất ngô tăng gấp 3, 4 lần so với trước đây nên cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn. Nhờ có ngô bán, bà con không còn phải ăn mèn mén mà đã được ăn cơm trắng. Bọn trẻ cũng không còn e dè như những năm về trước mà vây quanh tôi trò truyện vui vẻ. Lớp trẻ ở đây, sau khi nên chồng vợ cũng không còn tập tục đẻ dày, đẻ nhiều như trước… Lân Đăm khi tôi trở lại đã không còn cách biệt với bên ngoài như 9 năm về trước.
Qua trao đổi với người dân trong bản, tôi được biết, sau bài báo của tôi, Lân Đăm đã được biết đến nhiều hơn. Nhiều phóng viên của các tờ báo khác cũng tìm về đây để góp chung tiếng nói với mong muốn đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu ra khỏi cộng đồng người Mông ở Lân Đăm. Từ đây, Lân Đăm đã được quan tâm đầu tư làm đường; xây dựng phân trường tiểu học để trẻ từ lớp 1 đến lớp 5 được học ngay tại bản. Các hộ dân được hỗ trợ làm nhà theo Chương trình 134, được trợ giá giống ngô lai và hưởng lợi từ rất nhiều chương trình khác của tỉnh, huyện… Đây chính là phần thưởng quý giá nhất của những người làm báo chúng tôi.
Vậy là sau gần 12 năm theo nghề báo, dù quãng thời gian ấy không phải là dài nhưng cũng đủ để tôi được trải nghiệm nhiều điều. Tôi thấm thía một điều là người viết báo phải có tâm, có lòng nhiệt huyết và say mê nghề nghiệp để cho ra đời những tác phẩm báo chí có hiệu ứng xã hội tốt, chuyển tải được nguyện vọng của người dân đến với Đảng, Nhà nước và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức người dân…