Niềm vui sau những bài báo

09:01, 20/06/2011

Bên cạnh những niềm vui nho nhỏ về hiệu quả của mỗi bài báo, rất nhiều lần những người làm báo chúng tôi cũng thấy chạnh buồn khi vấn đề mình nêu ra chưa được các cấp, ngành chức năng quan tâm xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời. Và mỗi lần như thế, cảm giác mắc nợ, có lỗi với độc giả, với nhân dân vẫn cứ âm ỉ, thôi thúc đội ngũ các nhà báo phải tiếp tục cố gắng thật nhiều…

Nhân dịp kỷ niệm 86 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6), trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến một vấn đề mà nhiều bạn đọc đặt ra là “hình như” đội ngũ nhà báo hiện nay thiếu những người có tâm và có tầm.

Xét trên thực tế, chúng tôi không nghĩ như vậy. Có lẽ hiện nay chúng ta chưa thấy xuất hiện nhiều nhà báo tên tuổi và dày dặn kinh nghiệm như các nhà báo nổi tiếng một thời của Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân… Nhưng, ở Thái Nguyên nói riêng, trên cả nước nói chung, luôn có một đội ngũ nhà báo đã và đang cố gắng phấn đấu theo gương các nhà báo lão thành đi trước, tích cực tham gia đấu tranh chống tiêu cực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển của quê hương, đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Trong khi điều kiện tác nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí là nguy hiểm, các nhà báo vẫn rất yêu nghề, luôn tâm huyết và có trách nhiệm trong quá trình thực thi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân tin tưởng giao phó. Đổi lại, niềm vui lớn của chúng tôi là được đông đảo bạn đọc gửi gắm lòng tin vào báo chí. Và rất nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trên địa bàn tỉnh ta đã được bạn đọc cung cấp thông tin, các nhà báo đóng góp công sức phanh phui, sau đó các cấp, ngành chức năng quan tâm xử lý, giải quyết triệt để, mang lại niềm tin cho nhân dân.
 
Xin nêu một vài vụ việc gần đây:
 
Từ tháng 4-2011, tình trạng khai thác vàng trái phép bùng phát ở một số xã của huyện Phổ Yên, như: khu vực xóm Bìa, xã Thành Công; xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận; xóm Lầy, xã Minh Đức. Biết là vất vả, nguy hiểm, nhưng nhóm phóng viên Nội chính của Báo Thái Nguyên vẫn lặn lội đến tác nghiệp tại những điểm nóng nói trên. Và, trên số báo Thái Nguyên ra ngày 27-5-2011, phóng sự ảnh “Tái diễn khai thác vàng trái phép ở Phổ Yên” đã được đăng tải. Sau đó, cấp ủy, chính quyền huyện Phổ Yên và các xã nói trên đã chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt việc đình chỉ, giải tỏa các điểm khai thác vàng trái phép. Ngày 14-6-2011, khi chúng tôi quay lại xã Thành Công thì “giếng” khai thác vàng trái phép tại khu vực đồi bạch đàn của gia đình ông Lưu V.L, ở xóm Bìa, đã bị lấp. Còn tại khu vực xóm Đèo Nứa, xã Phúc Thuận, các đối tượng từ Nam Định lên “mua” gò đất của gia đình anh Dương Đ.H để đào đãi vàng trái phép cũng đã bị giải tỏa. Chứng kiến khung cảnh bình yên trở lại với người dân nơi đây, chúng tôi như vui hơn bởi tác phẩm báo chí của mình đã có hiệu quả nhất định. Qua đó cũng tiếp thêm sức mạnh để những người làm báo Đảng tỉnh tiếp tục “dấn thân” trên bước đường tác nghiệp của mình, xứng đáng với niềm tin yêu bạn đọc dành cho.
 
Thời gian gần đây, tại các xã Phúc Xuân, Phúc Trìu (T.P Thái Nguyên) rộ lên việc các hộ dân xây dựng nhiều công trình dân dụng với mục đích “đón” đền bù của Dự án xây dựng các khu chức năng phục vụ Festiaval Trà Quốc tế - Thái Nguyên 2011. Nắm bắt được thông tin do một số người dân ở 2 địa phương này cung cấp, các phóng viên chuyên đề của Báo Thái Nguyên đã tích cực vào cuộc điều tra. Và, ngày 21-4-2011, trên tờ báo của Đảng bộ tỉnh đã có bài viết “Xây dựng công trình “đón” đền bù ở xã Phúc Xuân: Một kiểu “kinh doanh” trái pháp luật”. Đến ngày 3-6-2011, tờ báo tiếp tục có bài “Lại chuyện xây dựng trái phép “đón” đền bù” phản ánh vấn đề này ở xóm Đá Dựng, xã Phúc Trìu. Trước thực trạng đó, UBND T.P Thái Nguyên đã chỉ đạo 2 xã Phúc Xuân, Phúc Trìu phải giải quyết kịp thời, dứt điểm. Ngày 15-6-2011, khi trở lại xã Phúc Xuân công tác, chúng tôi được biết tình trạng xây dựng các công trình dân dụng “đón” đền bù ở đây đã bị đình chỉ hoàn toàn; chính quyền xã đã tiến hành lập biên bản đối với các hộ dân vi phạm để có biện pháp xử lý cụ thể. Đồng thời cử các cán bộ chức năng xuống kiểm tra liên tục nhằm ngăn chặn việc xây dựng trái phép tái diễn…
 
Ở Báo Thái Nguyên, các nữ phóng viên cũng “dám xông pha” không kém những đồng nghiệp nam giới. Mới đây thôi, nhóm phóng viên nữ của Phòng phóng viên kinh tế (vì lý do nghề nghiệp, chúng tôi không nêu tên cụ thể) đã ròng rã mất cả tháng trời để tìm hiểu, nghiên cứu về thực trạng một số hộ dân, doanh nghiệp “phớt lờ” Chỉ thị của UBND tỉnh, cố tình vi phạm lòng hồ Núi Cốc, tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa, hàng quán, điểm kinh doanh dịch vụ… vi phạm cảnh quan du lịch ở khu vực này. Bao công sức, mồ hôi của các phóng viên đã đổ xuống để có được bài viết hai kỳ: “Huyền thoại” hồ Núi Cốc đang bị xâm hại đến tay độc giả. Với lòng yêu nghề, cái tâm trong sáng, điều mong muốn của nhóm phóng viên cũng như cả Tòa soạn Báo Thái Nguyên là các cấp, ngành chức năng của tỉnh, của T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ cùng tích cực vào cuộc để giải quyết dứt điểm tình trạng nói trên, trả lại vẻ đẹp vốn có của “huyền thoại” hồ Núi Cốc - một vùng du lịch trọng điểm Quốc gia…
 
Điều đáng nói hơn nữa là trong các vụ việc nêu trên, Ban Biên tập Báo Thái Nguyên luôn thực hiện đúng với tôn chỉ, mục đích của tờ báo, đứng về phía lẽ phải, không im lặng khi cần phải lên tiếng và dám chịu trách nhiệm trước những thông tin tờ báo đã đăng tải - thiết nghĩ đó cũng chính là cái tâm và cái tầm của đội ngũ những người làm báo hiện nay...
 
Trong khi đang thực hiện bài viết này, chúng tôi nhận được thông tin: Sắp tới, huyện Đại Từ sẽ tổ chức họp với các ngành chức năng của tỉnh để bàn và thống nhất những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng vi phạm lòng hồ và cảnh quan du lịch ở khu vực hồ Núi Cốc. Vậy là, với các phóng viên báo Đảng tỉnh lại có thêm niềm vui xuất phát từ cái tâm trong nghề nghiệp của mình…
 
Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui nho nhỏ về hiệu quả của mỗi bài báo, rất nhiều lần chúng tôi cũng thấy chạnh buồn khi vấn đề mình nêu ra trên mặt báo chưa được các cấp, ngành chức năng quan tâm xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời. Và mỗi lần như thế, cảm giác mắc nợ, có lỗi với độc giả, với nhân dân vẫn cứ âm ỉ, thôi thúc đội ngũ các nhà báo phải tiếp tục cố gắng thật nhiều để không phụ lại lòng tin yêu của độc giả và nhân dân đã dành cho.