Nơi đây họ làm lại cuộc đời

10:00, 06/06/2011

Các cán bộ giáo dục tận tình chỉ bảo, những phạm nhân nỗ lực, hăng say cải tạo qua lao động giáo dục hướng nghiệp. May mắn được gặp cả những phạm nhân đang thụ lý tại Trại giam Phú Sơn 4 (Thái Nguyên) và những người mãn hạn, trở nên thành đạt, tôi chợt hiểu, đây là nơi làm hồi sinh cuộc đời của nhiều con người . Chính nơi đây đã giúp các mảnh đời lầm lỡ giác ngộ được chân giá trị của cuộc sống, để rồi có đủ bản lĩnh đứng lên, vẽ lại bức chân dung của chính mình.

 

Trường học tình đời

 

Trại giam Phú Sơn 4 quản lý giáo dục hơn 5.000 phạm nhân, đa số là tội phạm nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Khi còn ở ngoài đời, không ít người từng ăn trắng mặc trơn, có người tiêu tiền như rác, người coi thường mạng sống của đồng loại, cũng có người vì hoàn cảnh xô đẩy mà lâm cảnh tù... Tất cả họ phải bắt đầu lại từ đầu để thực hiện hành trình trở về, dù muộn mằn và gian khổ; phải làm những việc đơn giản nhất để tìm lại những gì đã mất; phải học những bài học sơ đẳng và cũng là ý nghĩa nhất, giá trị nhất của đời người. Đó là  lao động! Thượng tá Nguyễn Xuân Trường (Giám thị Trại giam) cho biết: “Ngay từ khi phạm nhân bước chân vào trại, chúng tôi đã tìm hiểu họ xem họ từng có nghề gì, từ đó sắp xếp công việc phù hợp. Chính điều này đã nuôi dưỡng niềm tin làm lại cuộc đời trong các phạm nhân. Phạm nhân không phải ai cũng xấu, nếu xã hội vẫn không tiếp nhận họ mà luôn mặc định “anh là thằng đi tù về” thì làm sao họ có cơ hội hòa nhập!”.

 

Đến gặp các phạm nhân đội học nghề may công nghiệp, nếu các học viên không mặc quần áo của phạm nhân thì sẽ làm người ta nhầm tưởng đó là xưởng sản xuất của một nhà máy may công nghiệp hiện đại. Tâm sự của đội trưởng đội tự quản, phạm nhân Nguyễn Thị Hương: “Thật lòng với cán bộ là tâm lý chung của gần 100 chị em trong đội ban đầu khi mới vào trại ai cũng bi quan cả. Giáo dục hướng nghiệp không chỉ làm khuây khoả, mà chính là cơ hội để mọi người thi đua thực hiện cải tạo thật tốt với mong muốn sớm được trở về”. Phạm nhân Triệu Thị Minh Nguyệt biết qua về nghề may nên khi thực hiện giáo dục lao động hướng nghiệp đã đạt được thành tích tốt. Kết quả là phạm nhân đã được ba lần giảm án. Phấn khởi vì chỉ còn hơn một năm nữa là được ra trại, phạm nhân Nguyệt bộc bạch : “Có không ít chị em ngay sau khi ra trại đã được các doanh nghiệp đón về làm việc. Chắc chắn nghề may sẽ là công việc đầu tiên khi tôi trở về.” Nếu lớp phạm nhân trẻ hăng hái phấn đấu thì lớp những phạm nhân cao tuổi cũng nỗ lực cải tạo. “Cụ bà’ phạm nhân Nguyễn Cương (80 tuổi) tâm tư: “Dù không sống được đến ngày ra tù nhưng tôi vẫn phải nỗ lực lao động, học tập để làm gương cho những phạm nhân trẻ noi theo”.

 

Trại giam Phú Sơn 4 có một trung tâm dạy nghề gồm rất nhiều loại hình như: cơ khí, nguội, rèn, mộc cao cấp, mộc dân dụng, sản xuất gạch bông ốp lát, khâu bóng, làm thảm len, kiến trúc... Các phạm nhân cũng được phân loại theo từng vùng, từng độ tuổi để được học nghề phù hợp đối với hoàn cảnh từng phạm nhân khi ra trại. Bên cạnh đó, trại cũng tổ chức lao động như sản xuất nông nghiệp, trồng chè, trồng rừng rồi chế biến nông sản thực phẩm... Và kết quả đạt được là đa số các công trình nơi đây đều do bàn tay các phạm nhân xây dựng lên. Thượng uý Hoàng Mạnh (cán bộ giáo dục của Trại) cho hay: Muốn cải tạo họ từ người tội phạm thành người lương thiện trước hết phải cho họ có việc làm, có nghề nghiệp để tự kiếm sống. Nếu không dạy một nghề nào đó cho họ ngay trong trại giam thì khi trở về muốn sống lương thiện cũng khó.

 

Ra trại là công dân.

 

Mới đây, trong lễ phát động xây dựng “Qũy Hoàn lương” (nguồn quỹ giúp người chấp hành xong án phạt tù có một khoản kinh phí ban đầu để ổn định cuộc sống trong thời gian tìm việc làm) của Trại giam Phú Sơn 4 có sự xuất hiện của những khách mời “đặc biệt’. Đó là ông Lê Văn Dũng (Giám đốc Cty TNHH tranh đá quý Dũng Tân, T.X Sông Công) từng là “học trò” của Trại giam Phú Sơn 4. Ít ai có thể nghĩ rằng ông Giám đốc Công ty sở hữu số tài sản hàng chục tỷ đồng lại có một thời là tướng cướp, để rồi phải chấp hành án phạt tù 8 năm. Công ty TNHH tranh đá quý Dũng Tân hiện có 52 cán bộ, công nhân viên với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Đối với ông Dũng, Trại Phú Sơn 4 không chỉ là nơi cải tạo lao động đơn thuần mà là một trường học, phạm nhân được dạy chữ, dạy nghề, được chỉnh đốn về tinh thần, lối sống, nhân cách. “Nẻo thiện gập ghềnh nhưng không phải là không thể đi và đến đích”, ông Dũng nói. Hưởng ứng phát động xây dựng “Quỹ Hoàn lương”, Cty TNHH tranh đá quý Dũng Tân đã đóng góp vào quỹ 100 triệu đồng và cam kết sẽ nhận từ 20 - 30 người vào làm việc tại Công ty.

 

Ông Nguyễn Đình Thử (Chủ nhiệm HTX Nấm Hùng Sơn, huyện Đại Từ) được coi là “vua nấm” của Thái Nguyên đã từng có 16 năm trong trại. HTX nấm Hùng Sơn có 40 lao động thường xuyên với mức thu nhập bình quân đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ông Thử nhớ lại: “Những tháng ngày được cải tạo tại đây, tôi đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ đầy nhân ái của các thầy, điều đó đã giúp tôi sau này có được niềm tin trong cuộc sống. Tôi nghĩ rằng, cơ hội chia đều cho tất cả mọi người, và thành công sẽ đến với những người thực sự biết vươn lên”. Theo ông Thử, khi phạm nhân hiểu được như vậy thì công tác giáo dục hướng nghiệp còn có ý nghĩa rất lớn lao. Phạm nhân không chỉ nỗ lực cải tạo tốt để sớm được ra tù trước thời hạn, không chỉ có một nghề trong tay mà nó còn trang bị cho họ chiếc la bàn để định vị hướng đi đúng đắn trong cuộc sống.

 

Trung tướng Cao Ngọc Oánh (Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp) cho rằng: Xã hội cần mở rộng vòng tay nhân ái giúp đỡ những người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Việc ổn định cuộc sống là vấn đề mấu chốt giúp phạm nhân khi ra tù sẽ sớm hòa nhập với cộng đồng. Trại giam là công xưởng lớn, còn công nhân là phạm nhân. Chỉ có lao động mới cải tạo được con người.

Những người mãn hạn tù tại Trại giam Phú Sơn 4 đã thành lập “lớp Phú Sơn 4”. “Lớp trưởng” Phạm Hoàng Khanh là ông chủ của một chuỗi tổ hợp kinh doanh dịch vụ tại Hà Nội (người từng có thâm niên 20 năm trong trại) cho biết: Hơn 200 người tham gia thành lập lớp với mục đích là chia sẻ, động viên, đỡ đần nhau trong cuộc sống và công việc. “Lớp Phú Sơn 4” còn là lời nhắn gửi với dư luận, xin đừng nhìn những người có quá khứ như chúng tôi bằng ánh mắt dè bỉu, xa lánh; là sự tri ân của những “học trò” đối với các “thầy” rằng, các “trò” đã và đang vươn lên sống có ích, thực hiện thật tốt bài học cuộc đời mà các “thầy’ đã dạy dỗ. Còn “học trò” Phùng Đình Long, là ông chủ của một số cửa hàng kinh doanh, dịch vụ tại Hà Nội (biệt danh Long Mỳ, từng ngồi trại 8 năm về tội cướp tài sản) nói về “thầy” của mình (Trung tá Lê Đức Ngọc, cán bộ giáo dục) rằng, “thầy” đã dìu dắt, miệt mài cảm hoá tôi, “thầy” làm sống lại, sinh tôi ra lần thứ 2 trong cuộc đời này.

 

Thượng tá Hoàng Mạnh Quân (Phó Giám thị Trại giam Phú Sơn 4) nói: Thời gian tới, đơn vị sẽ nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục hướng nghiệp cho phạm nhân. Trại giam sẽ có trách nhiệm cung cấp toàn bộ thông tin, địa chỉ… của các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất… cho những người chấp hành xong án phạt tù để họ chủ động liên hệ, tìm kiếm việc làm. Đồng thời, Trại cũng thông báo đầy đủ các trường hợp sắp chấp hành xong án phạt tù cho các cơ quan, ban, ngành, các tổ chức xã hội để họ được tiếp nhận, tạo điều kiện về việc làm, nhanh chóng ổn định cuộc sống.

 

Và như vậy, mỗi người lầm lỗi muốn làm lại cuộc đời của mình đều phải bắt đầu từ những công việc nhỏ bé, thường nhật nhất, những kỹ năng đơn giản nhất. Đó là một quy trình chứa đựng đầy tính nhân bản, nó không phải là những ngày tháng mỏi mòn, nó không làm cho quá khứ của mỗi con người bị xoá đi toàn bộ mà quá khứ đó chính là một bài học quý giá, giúp họ giác ngộ ra được chân giá trị của cuộc sống, để rồi có đủ bản lĩnh đứng lên, vẽ lại bức chân dung của chính mình.