Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa- Phượng Hoàng

08:34, 10/06/2011

Hiện nay, diện tích rừng tự nhiên ở 6 xã phía Bắc huyện Võ Nhai thuộc Khu bao tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng có trên 17 nghìn ha gồm nhiều loại gỗ quý hiếm với trữ lượng lớn. Chính vì vậy, khu vực này vẫn luôn là điểm nóng về nạn khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép. Song với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng , tình trạng này trong mấy tháng qua đã có chiều hướng giảm và đang dần đi vào ổn định...  

 

Rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng là khu vực hiện còn nhiều loại gỗ quý hiếm: Nghiến, Trai, Lý, Sến... với trữ lượng khá lớn. Đây cũng là địa bàn sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số như: Tày, Nùng, Dao, Mông, Cao Lan... với trình độ dân trí thấp, không đồng đều; kỹ thuật canh tác nông lâm - nghiệp còn lạc hậu; cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, vẫn chủ yếu dựa vào rừng bằng cách trực tiếp khai thác, vận chuyển gỗ trái phép hoặc làm thuê cho cho các đầu nậu buôn gỗ. Mặt khác, khu vực này nằm giáp ranh với nhiều địa phương như: huyện Đồng Hỷ, Chợ Mới, Na Rì (Bắc Kạn), Bắc Sơn (Lạng Sơn), địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Chính vì thế mà nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành địa bàn hoạt động sôi động của các đối tượng khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép.

 

Tại các khu vực như: xóm Ngọc Sơn I, xóm Xuyên Sơn và khu vực Lũng Đinh, Lũng Sấu, Lũng Cao Lan, Lũng Vỉ, Lân Hoi, Lũng Nhù (xã Thần Sa), gỗ nghiến được khai thác và vận chuyển trái phép bằng ngựa, xe máy ra hướng xã Như Cố - Chợ Mới (Bắc Kạn); cũng có khi được vác bộ và thồ bằng ngựa ra hướng Quảng Chu, Chợ Mới (Bắc Kạn) hoặc chuyển ra hướng Văn Lăng - Đồng Hỷ bằng đường sông và đường bộ. Tại khu vực xóm Lũng Luông, An Thành (xã Thượng Nung), gỗ nghiến được vác bộ ra ngoài, sau đó một phần vận chuyển vào hướng Sảng Mộc qua đèo Sang - Nghinh Tường đi Tân Tri, Bắc Sơn (Lạng Sơn), một phần được vận chuyển bằng xe máy ra Cúc Đường, La Hiên về Khe Mo - Đồng Hỷ hoặc được vận chuyển vào Thần Sa, rồi về Đồng Hỷ. Còn tại khu vực Suối Fa, Bản Mùn xóm Thượng Lương (xã Nghinh Tường), gỗ được vác bộ xuống đường, sau đó được vận chuyển bằng xe máy đi Tân Tri - Bắc Sơn (Lạng Sơn), một bộ phận lại được vác bộ và chuyển bằng ngựa đi đường rừng men theo xã Tân Hòa - Bình Gia về Tân Tri - Bắc Sơn (Lạng Sơn)...

 

Ông Cao Văn Hợp, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Võ Nhai cho biết: Tình trạng khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép thường có chiều hướng diễn biến phức tạp ở những tháng cuối năm (từ tháng 8 đến tháng 12), đặc biệt là thời điểm giáp Tết Nguyên đán. Bởi thời gian này, thời tiết khô ráo, người dân sống trong khu vực có rừng đã thu hoạch xong lúa, ngô lại lên rừng trực tiếp hoặc làm thuê cho các đầu nậu khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép để kiếm thêm thu nhập. Để ngăn chặn các hành vi khai thác, tập kết, vận chuyển gỗ trái phép trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện đã phối hợp với chính quyền các xã trong khu vực tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục Luật Bảo vệ và Phát triển rừng đến với người dân, đồng thời tổ chức cho các hộ sống trong khu vực có rừng ký cam kết không vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng; tăng cường gây dựng cơ sở để kịp thời nắm bắt thông tin, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm. Ngoài ra, công tác tuần tra, truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép cũng được tăng cường thực hiện thường xuyên. Tính từ  cuối tháng 12-2009 đến cuối năm 2010, lực lượng kiểm lâm đã phối hợp với các ngành chức năng tiến hành 4 đợt truy quét dài ngày, quy mô cấp tỉnh, huyện. Qua đó, các lực lượng chức năng đã tịch thu được trên 87m3 gỗ tròn các loại, trên 229m3 gỗ xẻ, thu giữ 214 phương tiện gồm xe máy, xe đạp, cưa lốc..., thu nộp vào Ngân sách Nhà nước trên 1,8 tỷ đồng.

 

Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng gỗ quý hiếm ngày càng tăng, cung không đủ cầu đã tạo sự chênh lệch lớn về giá cả nên các đối tượng khai thác, buôn bán, vận chuyển gỗ trái phép vẫn lén lút hoạt động với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi và có tổ chức bài bản. Các đối tượng thường tiến hành vận chuyển gỗ vào ban đêm, rạng sáng bằng việc thuê chính người dân sở tại vác đi trên bìa rừng để vòng qua các chốt, trạm kiểm lâm. Chúng còn buộc những hộp gỗ nghiến sát vào mình ngựa, chỉ cần có động là những con ngựa này phi chạy, không thể bắt được. Cũng có khi, chúng còn dùng cả ròng rọc để vận chuyển gỗ từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Cá biệt, có thời kỳ các đối tượng còn vận chuyển gỗ giữa ban ngày và mọi hành động diễn ra rất nhanh. Chúng tôi đã được chứng kiến cảnh những chiếc xe máy thồ những hộp gỗ nghiến đến gần khu vực các chốt trạm thì dừng lại và ngay tức khắc 2 - 3 người phụ nữ xuất hiện vác đi vào bìa rừng tránh kiểm lâm. Ông Hợp cho biết thêm: Chúng còn cho một đội quân chuyên làm nhiệm vụ mai phục, canh chừng lực lượng kiểm lâm suốt ngày đêm. Mọi hoạt động của lực lượng kiểm lâm đều được các đối tượng này dùng điện thoại di động thông báo cho đồng bọn làm nhiệm vụ vận chuyển gỗ nắm rõ.

 

Để công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng ngày càng thuận lợi và đạt hiệu quả hơn, đầu năm nay, Thái Nguyên đã có chủ trương kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa - Phượng Hoàng, trong đó đã thành lập 1 hạt kiểm lâm thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn do đồng chí Trưởng ban làm Hạt trưởng.

 

Ông Nguyễn Thanh Lịch, Trưởng ban Quản lý, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Thần Sa -  Phượng Hoàng cho biết: Ngay sau khi được thành lập, Hạt đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí kiểm lâm viên phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền 6 xã trong khu vực, lực lượng công an trong việc thực hiện công tác chống chặt phá, khai thác, tập kết, buôn bán và vận chuyển lâm sản trái phép. Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng đã xây dựng kế hoạch phối hợp, huy động lực lượng tăng cường truy quét các đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Chỉ tính riêng từ tháng 3 đến nay, lực lượng Hạt kiềm lâm thuộc Ban Quản lý Khu bào tồn đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 94 vụ, tịch thu trên 104m3 gỗ từ loại II - VIII, thu giữ 42 phương tiện vi phạm. Tình trạng vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép hiện nay đã lắng xuống, không còn hiện tượng vận chuyển một cách công khai, rầm rộ như trước kia và đang từng bước được kiểm soát...