"Sân chơi" cho trẻ em: Vẫn chỉ là khẩu hiệu?

16:13, 18/06/2011

Hiện nay, T.P Thái Nguyên có duy nhất một nhà thiếu nhi nên mới chỉ đáp ứng cho khoảng từ 25 đến 30% trong số gần 50 nghìn trẻ em dưới 16 tuổi của thành phố. Việc thiếu "sân chơi" cho trẻ, nhất là trong những dịp hè là một trong những nguyên nhân khiến nhiều em sa vào các trò chơi nguy hiểm, thiếu lành mạnh, mang tính bạo lực, nghiện game online...  

Từ việc thiếu "sân chơi" cho trẻ em
 
Mùa hè là dịp để các em thiếu nhi được nghỉ ngơi sau những ngày tháng học tập ở trường. Nhưng, vui chơi ở đâu để có một kỳ nghỉ bổ ích, lý thú đối với các em luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh. Có mặt tại Nhà thiếu nhi Thái Nguyên, chúng tôi đã có dịp trò chuyện với một số bậc phụ huynh có con, cháu đang theo học ở các lớp chuyên, năng khiếu về vấn đề “sân chơi” cho các em. Ngồi đợi cháu gái đang học bơi, ông Dương Hồ, tổ 6, phường Quan Triều cho chúng tôi biết: Ngay sau khi được nghỉ hè, cháu nội ông là Dương Nguyễn Thanh Thảo đã được bố đăng ký cho đi học thêm 3 môn (Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh) tại nhà văn hóa của tổ dân phố và 1 khóa học bơi ở Nhà thiếu nhi Thái Nguyên. Theo ông Hồ, với lịch học 6 buổi trong một tuần của cháu ông thì ngoài việc bồi dưỡng nâng cao kiến thức, rèn luyện sức khỏe là cách gia đình ông lấp thời gian trống trong những ngày nghỉ hè của cháu. Bởi, nếu không cho Thảo tham gia các lớp học văn hóa, học bơi thì gia đình ông sợ cô cháu gái lại dán mắt vào tivi, máy tính cả ngày.
 
Bà Nguyễn Thị Nhã, xóm Hương Thái, xã Đồng Bẩm đang ngồi ngoài hành lang đợi cháu học, cho biết: "Hai cháu nội tôi là Phạm Thị Hồng Vi và Phạm Thị Thuỳ Dung 8 tuổi đang theo học lớp thể dục nhịp điệu, lịch học một tuần 3 buổi. Buổi sáng con trai tôi đèo 3 bà cháu sang Nhà thiếu nhi, đến trưa hết giờ làm lại đến đón về. Dù biết là kích rích nhưng các con tôi vẫn quyết định cho 2 cháu sang đây học vì nếu không tới đây thì ở nhà các cháu cũng chẳng biết chơi ở đâu… Ngoài học ở Nhà thiếu nhi, 2 cháu còn học thêm môn Toán, Tiếng Việt ở gần nhà”.
 
Tuy nhiên không phải gia đình nào cũng có điều kiện, thời gian để thực hiện được như những gia đình mà tôi vừa nói đến, do đó số trẻ em được tiếp cận các hoạt động như trên không nhiều và thường là trẻ em ở khu vực trung tâm thành phố. Hơn nữa, trong mấy năm trở lại đây, Nhà thiếu nhi Thái Nguyên luôn trong tình trạng quá tải nên không thể đáp ứng được hết nhu cầu của các bậc phụ huynh muốn đưa con em mình tới học tập và sinh hoạt. Trao đổi với ông Vũ La Hoàng, Phó Giám đốc Nhà thiếu nhi Thái Nguyên, chúng tôi được biết: Hàng năm, Nhà thiếu nhi tổ chức trên, dưới 100 lớp chuyên và năng khiếu. Trung bình, các lớp học thu hút từ 30 đến 35 nghìn lượt thiếu nhi đến vui chơi, học tập trong dịp hè, nhưng do trang thiết bị phục vụ cho việc học và vui chơi còn thiếu thốn, các lớp học thường xuyên trong tình trạng quá tải nên chưa đáp ứng được nhu cầu học và chơi cho các em.
 
Cùng với Nhà thiếu nhi Thái Nguyên, tại khu vực phía Nam thành phố cũng có một điểm cho các em sinh hoạt, đó là Nhà văn hóa công nhân Gang thép. Tuy nhiên, vì đây là điểm chủ yếu chỉ để phục vụ các hoạt động cho cán bộ, công chức của Công ty Gang thép nên trang thiết bị học, vui chơi dành cho thiếu nhi không đáp ứng được yêu cầu của các em. Do đó, trong dịp hè mỗi ngày nhà văn hóa chỉ thu hút được từ 250 đến 300 em tham gia. Ngoài hai điểm vui chơi, học tập trên thì Công viên sông Cầu cũng là điểm vui chơi ngoài trời lý tưởng cho trẻ em. Nhưng theo thực tế hiện nay, công viên này lại không hề có khu vui chơi dành cho trẻ em nên phụ huynh có đưa con em mình ra đây cũng không biết cho trẻ chơi trò gì. Cùng với đó, hiện nay thành phố có 376 nhà văn hóa của các tổ dân phố, khu dân cư, xóm, làng cũng có thể là điểm vui chơi, giải trí, học tập trong dịp hè cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em ở những địa phương xa trung tâm Thành phố. Tuy nhiên, các nhà văn hoá này chỉ mở cửa để họp chi bộ, sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể, tổ chức văn nghệ, thậm chí sân của nhà văn hóa được sử dụng làm nơi phơi thóc, phơi rơm của dân. Một số nhà văn hóa có mở cửa cho thiếu nhi vui chơi nhưng vì thiếu người tổ chức, quản lý, không có đồ chơi, sách, báo dành cho lứa tuổi thiếu nhi nên không các em cũng không mấy mặn mà...
 
Đến những trò chơi bạo lực, thiếu lành mạnh và nguy hiểm
 
Thiếu chỗ vui chơi hấp dẫn, nhiều em đã tìm đến các quán Internet để chơi các trò chơi thiếu lành mạnh, mang tính bạo lực... Hiện nay, trên địa bàn T.P Thái Nguyên ngày càng mọc ra nhiều điểm kinh doanh Internet hoạt động liên tục từ sáng đến khuya. Chúng tôi ghé vào một điểm Internet nằm trên đường Bến Tượng thuộc phường Trưng Vương, mặc dù mới 7 giờ 30 phút sáng nhưng 20 máy tính đã được các em có độ tuổi khoảng từ 8 đến 13 ngồi kín. Tất cả đang tập trung cao độ cho các trò chơi. Một em trai đang dán mắt vào màn hình máy vi tính với trò chơi Half- life đầy tính kích động bạo lực, vừa nghiêng người theo diễn biến của trò chơi, em vừa hồn nhiên trả lời chúng tôi: “Năm nay em 13 tuổi, những ngày nghỉ hè này em chẳng biết chơi ở đâu nên khi bố, mẹ đi làm là em lại ra đây chơi vì ở nhà xem tivi mãi cũng chán”. Tìm hiểu thực tế tại một số điểm kinh doanh Internet khác trên địa bàn thành phố trong dịp hè này thì phần đông khách đến quán là trẻ em, con trai chủ yếu chơi trò chơi điện tử, chơi games online, con gái thì thích chat… Rất ít thấy các em đến đây để cập nhật thông tin hay kiến thức trên mạng. Những trò chơi này, ngoài việc đòi hỏi phải biết chơi và chơi nhiều lần thì quan trọng nhất phải có tiền. Vì thế, không ít em nói dối để xin bố mẹ tiền học thêm, mua sách vở, thậm chí lấy trộm tiền của gia đình để có thể ngồi nhiều giờ bên máy vi tính ở quán Internet.
 
Tại vùng nông thôn của T.P Thái Nguyên thì việc các em sẽ chơi gì, chơi ở đâu, chơi như thế nào trong mấy tháng nghỉ hèhầu như không được quan tâm, để ý. Trong những ngày hè, đi qua một số nơi ở vùng nông thôn của thành phố, chúng tôi thường xuyên bắp gặp cảnh giữa trưa nắng từng tốp trẻ em cởi trần trùng trục, nhảy xuống sông, kênh, mương để tắm khiến chúng tôi không khỏi lo lắng đến tính mạng của các em. Trên cây cầu xóm Đồng Nội, xã Phúc Trìu bắc qua kênh đào hồ Núi Cốc, chúng tôi đã được chứng kiến những “cú nhảy” ngoạn mục từ trên cầu xuống kênh của mấy cậu bé chừng trên 12, 13 tuổi. Khi chúng tôi hỏi: “Các cháu ra đây tắm bố mẹ có biết không?” thì nhận được câu trả lời “Chúng cháu trốn bố mẹ đi tắm đấy cô ạ!”. Ngoài tắm sông, tắm kênh nguy hiểm hơn nữa là những trường hợp trèo lên cột điện, lên cây cao để chơi, lấy tổ chim, bắt ve sầu, bẻ trái cây… chỉ cần sơ xảy một chút là có thể xảy ra tai nạn khôn lường...
 
Để có thể chăm sóc tốt sức khỏe cũng như đời sống tinh thần cho trẻ em, thiết nghĩ T.P Thái Nguyên cần quan tâm hơn nữa tới việc quy hoạch quỹ đất dành làm “sân chơi” cho trẻ em; kêu gọi xã hội hóa để xây dựng khu vui chơi tại cụm khu vực và công viên, khuyến khích các cá nhân mạnh dạn đầu tư trang thiết bị vui chơi cho trẻ .