Sợ nhất sự vô cảm

08:10, 20/06/2011

Trong quá trình đi cơ sở tác nghiệp, đối với các nhà báo, bên cạnh việc phát hiện, biểu dương những tấm gương, điển hình tốt đang diễn ra trong đời sống xã hội ở rất nhiều lĩnh vực, thì luôn trăn trở, không thể để “lọt lưới” những mặt trái, những vấn đề còn tồn tại bức xúc trong cuộc sống.

Ví như từ những chuyện rất nhỏ: cãi vã nhau gây mất đoàn kết tình làng nghĩa xóm; một đoạn đường luôn gây ùn tắc giao thông vì “đường không thông, hè không thoáng”; một cây cầu, một đoạn đường, một chiếc cột điện sắp hỏng, một đoạn đường gập ghềnh mất an toàn giao thông, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho con người bất kỳ lúc nào…Rồi đến cả những vấn đề lớn như: chuyện tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các hộ gia đình; tình trạng gây ô nhiễm môi trường sống ở khu dân cư, hay một dòng sông, hay một khu chợ; những dự án dở dang kéo dài hàng chục năm, làm cho người nằm trong vùng dự án sống dở chết dở vì mua bán chuyển nhượng, xây nhà đều không được; những vụ ăn chặn tiền Nhà nước trợ cấp cho người nghèo hay làm ăn gian dối để hưởng lợi chính sách của Nhà nước, gây dư luận không tốt trong nhân dân; hàng quán lấn chiếm lòng lề đường, những điểm đen gây tai nạn giao thông liên tục; những cánh rừng bị tàn phá; sự xuống cấp đạo đức xã hội; nạn nghiện hút trộm cắp đó đây…

Tất cả đang diễn ra hàng ngày nhưng không có biện pháp giải quyết hoặc giải quyết chậm chạp. Mỗi nhà báo, với lương tâm và trách nhiệm xã hội nghề nghiệp, khi đứng trước các vấn đề bức xúc của cuộc sống như vậy thì không ai chịu bỏ qua, mà phải tìm mọi cách để tiếp cận, lấy thông tin bằng được, phản ảnh trên mặt báo để các cấp, ngành liên quan giải quyết, khắc phục kịp thời hoặc định hướng cho dư luận khi có những sự kiện mang thông tin nhiều chiều. Lợi thế của nhà báo là có tờ báo để truyền tải thông tin, phản ánh sự kiện chân thật và cũng là cầu nối để nhà báo tác động giải quyết tất cả những vướng mắc, trăn trở, bức xúc mà người dân đang hàng ngày, hàng giờ phải đối mặt.
 
Tuy nhiên, không phải vấn đề nào nhà báo phản ánh trên báo cũng đều được các cấp, các ngành quan tâm giải quyết, khắc phục kịp thời. Có những bài báo phê bình vừa ra mắt công chúng được phúc đáp, tiếp thu sửa chữa ngay- Đó là niềm vui, sự trân trọng của xã hội đối với nhà báo; là sự động viên, tiếp sức lớn lao để nhà báo không ngại gian khó, không ngại hiểm nguy dấn thân vào những vấn đề nóng bỏng đem đến cho bạn đọc những thông tin chính xác, kịp thời và giải tỏa dư luận. Đó là hiệu ứng xã hội tốt của bài báo. Nhưng cũng có không ít sự việc báo chí nêu lên, nhiều ngành, cấp liên quan cũng không cần biết và cứ để sự việc kéo dài. Nhiều bài báo mang tính cảnh báo đều bị để ngoài tai, chỉ đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”. Sự làm ngơ đó chính là biểu hiện của sự vô cảm ở những người có trách nhiệm. Đối với nhà báo, không nỗi buồn nào bằng khi phải tốn rất nhiều công sức, tâm huyết vào bài báo mà lại bị làm ngơ. Để mỗi khi ngồi bình luận với nhau, các đồng nghiệp lại lắc đầu ngán ngẩm: “Ôi dào, chuyện đó biết rồi, khổ lắm viết mãi”.
 
Qua đây, những người làm báo chúng tôi chỉ muốn nhắn nhủ một điều: các nhà báo không sợ gian khó, không sợ hiểm nguy, nhằm góp tiếng nói giải quyết tốt những vấn đề còn tồn tại, bức xúc, làm cho xã hội ngày càng tốt hơn, góp phần đưa các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống hiệu quả hơn. Nhà báo chỉ sợ nhất  sự vô cảm của các cơ quan chức năng khi vấn đề nêu lên vẫn cứ rơi vào im lặng và để mọi việc cứ diễn ra như thế hết năm này đến năm khác. Chính điều đó làm cho những người làm báo cảm thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm với xã hội, vì hiệu quả xã hội của bài báo không có. Đồng thời làm cho người dân thiếu niềm tin với báo chí. Mỗi bài báo, dù là một sự việc rất nhỏ nhưng đã được đăng lên mặt báo đều là sự chắt lọc từ bao nhiêu công sức, tâm, trí của các nhà báo. Vì vậy, các cấp, ngành liên quan cũng nên lưu tâm giải quyết kịp thời nhằm tạo niềm tin trong nhân dân, để tờ báo xứng đáng là nhịp cầu nối giữa “ý Đảng và lòng dân” mà tôn chỉ, mục đích tờ báo đã đề ra.