Tác hại của ma túy và công tác quản lý sau cai nghiện

08:54, 26/06/2011

Nghiện ma túy là tình trạng ngộ độc mãn tính do sử dụng lặp đi, lặp lại nhiều lần một hay nhiều loại ma túy.  

 

Người nghiện ma túy có các biểu hiện chính như: thèm muốn mạnh mẽ, cảm giác bắt buộc phải sử dụng ma túy; không kiểm soát được thời gian, liều lượng dùng; cơ thể bị lệ thuộc vào ma túy, ngưng sử dụng sẽ gây “ hội chứng cai ” với biểu hiện vật vã, đau đớn, loạn cảm giác; có khuynh hướng sử dụng tăng liều, tiếp tục sử dụng ma túy dù biết rõ là tác hại. Người nghiện ma túy dần quên đi mọi hứng thú, hoài bão, ước mơ, tình yêu, xao nhãng học tập, công việc quan tâm trước đây.

 

Tác hại của ma túy đối với cá nhân người nghiện và gia đình có người nghiện cũng như xã hội là rất lớn. Người nghiện ma túy sức khỏe suy kiệt, mắc các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa, hệ tuần hoàn, các bệnh về da, hệ thần kinh, phụ nữ có thai nghiện ma túy có thể dẫn đến sảy thai, thai lưu, đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, gầy gò ốm yếu, khó nuôi, chậm phát triển về thể lực và trí tuệ. Ngoài ra người nghiện ma túy còn bị lây nhiễm HIV qua đường tiêm chích; hủy hoại tế bào gan, ảo thính, ảo thị, suy giảm chức năng giải độc làm cho gan, thận và toàn cơ thể suy yếu nên người nghiện hay bị các triệu chứng áp xe gan, viêm gan, suy gan, suy thận… nghiện ma túy sẽ dẫn tới suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động, giảm tuổi thọ; người nghiện ma túy có thể bị tử vong bất kỳ lúc nào do sử dụng quá liều. Khi lên cơn nghiện không kiểm soát được hành vi, họ sẵn sàng phạm pháp để có được ma túy thỏa mãn cơn nghiện. Nghiện ma túy còn làm tổn hại đến tình cảm và hạnh phúc gia đình.

 

Có thể nói, tệ nạn nghiện ma túy ảnh hưởng xấu đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, đến sự phát triển nòi giống, thu nhập quốc dân, an sinh xã hội và xóa đói giảm nghèo của mỗi quốc gia, địa phương, gia đình. Ma túy và nghiện ma túy đã và đang là thảm họa chung của loài người, hiểm họa lớn của toàn nhân loại. Ma túy làm suy thoái nhân cách, phẩm giá, tàn phá cuộc sống yên vui gia đình, gây xói mòn đạo lý; nghiêm trọng hơn, ma túy còn là tác nhân chủ yếu thúc đẩy căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS.

 

Để tổ chức thực hiện và từng bước nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện cho người nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện giúp đỡ người nghiện ma túy sớm hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện, trong thời gian tới và những năm tiếp theo các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm đến một số nội dung, như:

 

Một là tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức ban, ngành đoàn thể trong tổ chức cai nghiện và quản lý sau cai trên địa bàn tỉnh; huy động sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống ma túy.

 

Hai là cần phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các ban ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương với gia đình trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức toàn dân thực hiện các văn bản Pháp luật của Nhà nước về công tác cai nghiện và quản lý phục hồi sau cai, như: Luật Phòng, chống ma túy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy; Nghị định số 94 ngày 26-10-2009 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện ma túy; Nghị định số 94 ngày 9-9-2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cai nghiện ma túy tại cộng đồng; các thông tư hướng dẫn về lĩnh vực cai nghiện phục hồi.

 

 Ba là phải đẩy mạnh chương trình cai nghiện đang được triển khai tại địa phương; nhân rộng và biểu dương các mô hình cai nghiện có hiệu quả; các xã, phường, thị trấn, tập thể, cá nhân điển hình. Tổ chức các cuộc mít tinh, diễu hành, nói chuyện chuyên đề; phóng sự, tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như băng zôn, pa nô, áp phích; hệ thống loa truyền thanh, phát thanh.

 

Bốn là thường xuyên tổ chức các phong trào thi đua sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân tìm hiểu về tác hại ma túy; cách phòng, chống ma túy cho bản thân và gia đình; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu Pháp luật phòng, chống ma túy; các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người nghiện ma túy đi cai nghiện;  phòng, chống tái nghiện và hòa nhập cộng đồng bền vững.

 

Năm là cần tăng cường công tác tổ chức Hội thảo, đánh giá công tác cai nghiện ở các xã, phường, thị trấn và nâng cao chất lượng hoạt động tại các trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội trên địa bàn tỉnh; các hoạt động điều trị cắt cơn, tư vấn dự phòng tái nghiện, dạy văn hóa, dạy nghề, tạo việc làm cho người nghiện ma túy quản lý sau cai ở nơi cư trú, ở cơ sở quản lý sau cai theo quy định của Pháp luật.

 

Với quyết tâm phấn đấu cao của các cấp, các ngành trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp, gắn công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy với việc thực hiện cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” một cách có hiệu quả. Hy vọng trong thời gian tới, Thái Nguyên sẽ nâng cao được tỷ lệ phòng, chống tái nghiện cho người nghiện ma túy, từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy và các tệ  nạn xã hội khác trên địa bàn tỉnh ra khỏi cộng đồng, góp phần thực hiện chương trình xóa dói giảm nghèo, an sinh xã hội, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế ở địa phương.