Những năm qua, cùng sự gia tăng nhanh chóng số lượng các phương tiện giao thông, các điểm kinh doanh dịch vụ rửa xe cũng theo đó mà tăng lên, nhất là địa bàn T.P Thái Nguyên. Tuy nhiên, đại bộ phận các cơ sở dịch vụ rửa xe này đều phát triển tự phát, chưa có sự quản lý chặt chẽ. Thực tế này đã và đang phát sinh nhiều vấn đề như: hành lang an toàn giao thông (ATGT) bị lấn chiếm; kết cấu giao thông đường bộ bị hư hại; gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự mỹ quan đô thị…
Ở đâu có vỉa hè, ở đó có… rửa xe
Có mặt tại ngã ba Bắc Nam, một trong những khu vực tập trung nhiều điểm dịch vụ rửa xe trên địa bàn T.P Thái Nguyên vào cuối buổi sáng một ngày giữa tuần, chúng tôi đã được chứng kiến cảnh những chiếc ô tô khách xếp hàng dưới lòng đường chuẩn bị vào “bãi” rửa ngay trên vỉa hè, để được trút bỏ lớp bụi đất sau một chặng đường dài. Đây là cảnh tượng thường thấy tại khu vực này từ nhiều năm nay. Vỉa hè, lòng đường đã bị các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe ở đây lấn chiếm, biến thành bãi rửa cho những chiếc ô tô đủ loại, từ xe 4 chỗ đến xe 60 chỗ và xe tải có trọng tải vài chục tấn. Ngày cao điểm, có hàng trăm xe tới rửa ở khu vực này. Cứ như vậy, ngày qua ngày, nhiều đoạn vỉa hè ở đây đã bị biến dạng, lồi lõm, lớp gạch lát vỉa hè cũng không còn nguyên vẹn. Hệ thống nắp cống trên vỉa hè mà nhiều đoạn đã bị sập gẫy, tuổi thọ và độ an toàn của các công trình thoát nước bị ảnh hưởng. Ngoài việc lấn chiếm vỉa hè, nhiều điểm rửa xe còn “tận dụng” luôn cả lòng đường để phục vụ cho công việc kinh doanh của mình. Những người thường đi qua đây đã quen với hình ảnh các nhân viên rửa xe cứ thản nhiên đứng dưới lòng đường, xả vòi nước đang phụt mạnh thẳng vào những chiếc xe đang rửa, làm nước bắn tung tóe vào người đi đường, khiến nhiều người phải tránh né, nguy cơ tai nạn giao thông tăng cao, ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Ngoài các điểm rửa xe nói trên, trên địa bàn T.P Thái Nguyên còn có hàng trăm điểm rửa ôtô, xe máy khác được hình thành tự phát. Trong đó, tập trung nhiều ở một số khu vực như: đường Cách mạng tháng Tám đoạn qua cầu Xương Rồng; đường Lương Ngọc Quyến; đường Dương Tự Minh, đường Bắc Kạn, đường Thống Nhất… Điểm chung giữa các dịch vụ rửa xe là chiếm dụng vỉa hè, lòng đường để hành nghề và xả nước bẩn, bùn đất ra đường. Xác nhận thực tế này, ông Ngô Văn Hoa, Giám đốc Xí nghiệp Quản lý Giao thông, thuộc Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị cho biết, hiện Xí nghiệp đang quản lý 126 km đường trên địa bàn T.P Thái Nguyên, gồm nền đường, vỉa hè và hệ thống cống thoát nước. Nhiều điểm kinh doanh dịch vụ rửa xe không những đã làm hư hỏng hạ tầng giao thông, hành lang an toàn giao thông mà còn làm tắc hệ thống thoát nước của nhiều tuyến phố do bùn đất, nước bẩn thường xuyên thải trực tiếp xuống cống. Tại những khu vực này, xí nghiệp phải thường xuyên tiến hành nạo vét (trung bình mỗi tháng một lần) và thay sửa các tấm nắp cống trên vỉa hè, trong khi các địa điểm khác chỉ cần nạo vét 2 lần/năm. Bên cạnh việc thải bùn đất, một lượng lớn dầu mỡ và nhiều chất hóa học khác, chủ yếu là xà phòng cũng được thải thẳng xuống cống theo dòng nước mà không hề được thu gom, xử lý, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, thực tế hiện nay cũng cho thấy, vi phạm này không chỉ diễn ra ở khu vực trung tâm mà còn diễn ra ở khu vực đầu đường tránh T.P Thái Nguyên. Tại đây, một số hộ dân kinh doanh dịch vụ làm lốp ô tô, bơm nước mui đã mở thêm dịch vụ rửa xe. Nhiều xe trọng tải lớn đỗ ngay lề đường để rửa và bơm nước. Trong khi khu vực này là đoạn “thắt cổ chai”, việc đỗ rửa xe ngay tại lòng đường đã làm con đường đã hẹp nay còn hẹp hơn. Chưa kể việc nhiều hộ dân ở đây còn tự ý tháo rào chắn đường để thuận lợi cho việc kinh doanh, càng làm tăng nguy cơ mất ATGT.
Làm sai nhưng chưa bị xử lý
Số lượng các điểm rửa xe trên địa bàn T.P Thái Nguyên trong những năm qua đã tăng lên nhanh chóng, là tác nhân trực tiếp gây hư hại nhiều đoạn vỉa vè, tắc cống thoát nước và ô nhiễm môi trường, cũng như mất mỹ quan đô thị… Tuy nhiên, công tác quản lý đối với loại hình kinh doanh này trong thời gian qua chưa thực sự chặt chẽ. Trong số hàng trăm điểm kinh doanh dịch vụ này, mới chỉ có 24 cơ sở có đăng kí, còn đại bộ phận là tự phát. Cũng chưa có một cơ sở nào lập cam kết bảo vệ môi trường có xác nhận của cơ quan chức năng, theo quy định. Bên cạnh đó, các điểm kinh doanh dịch vụ rửa xe trên địa bàn chủ yếu sử dụng nguồn nước ngầm được lấy thông qua giếng khoan, sau đó nước bẩn và nhiều hóa chất độc hại được thải trực tiếp ra môi trường, thế nhưng các cơ sở này lại không hề phải chịu bất kì khoản phí bảo vệ môi trường nào. Trong khi đó, dịch vụ rửa ô tô, xe máy là một trong những loại hình phải đóng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được quy định cụ thể tại Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18-12-2003 về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Vậy mà, từ năm 2005 đến nay, thành phố cũng chưa xử lý một trường hợp nào đối với loại hình kinh doanh dịch vụ này, trong khi các vi phạm trên vẫn diễn ra hàng ngày.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thầm quyền cần siết chặt quản lý đối với các cơ sở kinh doanh trên vỉa hè hiện nay, đặc biệt là việc rửa xe; có quy định rõ ràng về điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ rửa xe, trong đó lưu ý vấn đề mặt bằng, vệ sinh môi trường; tiến hành kiểm tra, rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ này trên địa bàn để có biện pháp tăng cường quản lý, góp phần xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp và đảm bảo trật tự ATGT, nhất là thời điểm tổ chức Liên hoan Trà Quốc tế, một sự kiện lớn của các nước và Thái Nguyên đang đến gần. Về lâu dài, cần có quy hoạch cụ thể đối với các điểm rửa xe, phù hợp với quy hoạch phát triển T.P Thái Nguyên trở thành đô thị hiện đại trong tương lai.