Tìm ngày cụ Tuần dừng chân ở Khuổi Đải

14:45, 04/06/2011

Cho dù vào thời điểm thập niên 40 của thế kỷ XX dân quê tôi chưa hiểu thế nào là cách mạng, ở giai đoạn đó nhân dân phải chịu nỗi cơ cực của người dân mất nước (nghe các cụ già kể lại giặc Pháp, Nhật và bọn việt gian đã nhiều lần đốt nhà cửa, giết trâu bò, chúng bắt phu, bắt lính…) có lẽ vì thế khi nghe có đoàn cán bộ bí mật hoạt động  để đánh đuổi thực dân, phát xít dừng chân ở quê, dân bản Khuổi Đải xã Phương Viên, Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã bảo vệ an toàn tuyệt đối cho đoàn cán bộ giữa vòng vây săn lùng của kẻ thù.

 

Ông ngoại tôi là Hà Văn Tường (1911 - 2006) lúc còn sống, ông vẫn thường kể cho con cháu nghe về chuyện cụ già xưng danh là cụ Tuần, người cao, gày mặc áo chàm cài khuy vải, đầu đội nón, khăn vắt vai. Hôm cụ Tuần và đoàn cán bộ dừng chân ở bản, bà con tìm con lợn to nhất trong vùng để mổ tiếp đãi khách. Khi dân bản làm cơm xong và sắp đủ các mâm cho chủ và khách, mọi người mời cụ Tuần và đoàn khách ăn cơm. Cụ Tuần ra hiệu dừng lại và đi kiểm tra các mâm cơm  thấy những người làm bếp chia các loại thức ăn không đều. Những mâm dân bản dành cho khách thì có đủ các món tim, gan, lòng lợn, các mân khác hầu như chỉ có thịt luộc, thịt xào, thấy vậy cụ Tuần bảo cán bộ trong đoàn và những người làm bếp san đều cho tất cả các mâm, xong rồi cụ mời mọi người ăn cơm. Trước khi rời khỏi Khuổi Đải cụ Tuần để lại cho dân bản một bức thư và ký tên Bác Hồ, trong thư khen ngợi nhân dân đã không quản hy sinh giúp đoàn cán bộ và hẹn  bao giờ đánh đuổi hết thực dân, phong kiến mời đại diện bà con cầm theo lá thư này về Hà Nội thăm Bác (lá thư sau đó bị mất). Lúc đó không ai biết cụ Tuần chính là Bác Hồ, vì phải bảo đảm tuyệt đối bí mật về danh tính, nên tên gọi của Bác nhiều lúc khác nhau. Theo các tài liệu lịch sử thì khi từ Pác Bó đến Tân Trào mọi người gọi Bác là già Thu, không có tài liệu nào gọi tên Bác là cụ Tuần như ông ngoại tôi đã kể. Câu chuyện bữa cơm ở bản và việc Bác Hồ chia đều thức ăn cho mọi người - một việc làm tưởng như bình thường nhưng có ý nghĩa sâu xa thể hiện những mong muốn về sự công bằng, bình đẳng của Người.

 

Cách đây khoảng 20 năm, một buổi tối, tôi và cậu tôi hỏi ông ngoại về thời gian cụ Hồ dừng chân ở Khuổi Đải, ông cho biết đó là năm Ất Dậu, khoảng tháng Tư âm lịch, ông  không còn nhớ ngày nào vả lại lúc ấy cũng chẳng có ai để ý ghi chép các sự việc, sự kiện trên. Để đi tìm ngày Bác nghỉ ở Khuổi Đải xã Phương Viên - với cậu tôi đó là một thiện ý sâu xa trân trọng một sự kiện lịch sử ở quê nhà để giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau hiểu được câu chuyện của một vị lãnh tụ gần gũi, vị tha, bình dị, công bằng từ câu chuyện một bữa ăn nơi bản nhỏ. Đã lâu lắm tôi và cậu tôi tìm đến một bác lão thành cách mạng (ông ngoại tôi kể trong đoàn cán bộ đi theo bác Bác hôm đó có một người tên là Nông Văn Lạc quê ở Cao Bằng (ông Lạc cán bộ tiền khởi nghĩa nay đã mất). Cậu tôi từ Chợ Đồn xuống Thái Nguyên, hai cậu cháu đã tìm đến nhà bác Lạc, nhưng khi hỏi về chuyện chúng tôi muốn tìm hiểu bác Lạc cũng không nhớ ngày nào, tháng nào đoàn cán bộ và Bác Hồ dừng chân ở Khuổi Đải.

 

Không như bây giờ, cách đây khoảng hai chục năm, nhiều tài liệu chưa được khai thác, công bố, rất ít có sách, báo đăng tải ghi chép nhật ký chi tiết các hoạt động của Bác Hồ.Tôi tìm nhiều tài liệu nhưng trong chuyến đi từ Cao Bằng đến Tuyên Quang không thấy ghi chép những ngày, tháng, địa danh Bác dừng chân (bây giờ nhiều tài liệu đề cập). Mãi đến năm 2004, trong một bài viết (đăng trên báo Nhân dân cuối tuần) của nhà văn Hoàng Quảng Uyên (Cao Bằng) với tựa đề: Bác Hồ từ Pác Bó đến Tân Trào, bài báo đã cung cấp những thông tin bấy lâu tôi và cậu tôi tìm kiếm, thời gian Bác Hồ đến xã Phương Viên là chiều ngày 15-5-1945, và buổi trưa hôm sau ngày 16-5 dân bản mổ lợn đón tiếp Bác và đoàn cán bộ cách mạng. Lúc đang chuẩn bị lên đường rời khỏi Khuổi Đải (lẽ ra đi theo đường chính) thì được nhân dân bí mật báo tin là giặc Nhật đang đi tuần, vì thế tối 16-5, người dân lại bí mật dẫn Bác Hồ và đoàn cán bộ đi ngược dòng xuối Khuổi Nghiềng rồi vượt rừng  đi sang bản Tủm Tó xã Bằng Lãng, đến chiều 17-5 Bác đến xã Nghĩa Tá (cũng thuộc địa phận Chợ Đồn), sau đó đồng chí Võ Nguyên Giáp từ Tân Trào Tuyên Quang sang đón Bác.

 

Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 28-1-1941, Bác đặt chân lên đất Pác Bó (Cao Bằng) bí mật xây dựng phong trào và lãnh đạo, tập hợp nhân dân làm cách mạng, ngày 5-5-1945, Bác bắt đầu rời Pác Bó từ đất Cao Bằng đi qua các huyện Chợ Rã, Chợ Đồn (Bắc Kạn) Định Hóa (Thái Nguyên) đến ngày 21-5 Bác có mặt ở Tân Trào (Tuyên Quang). Câu chuyện về sự công bằng của Bác trong bữa cơm nơi bản nhỏ vẫn được lưu truyền qua các thế hệ ở quê tôi - nơi đầu nguồn dòng sông Cầu, câu chuyện càng có ý nghĩa sâu sắc hơn khi chúng ta học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.