Trăn trở từ một làng chè

09:25, 11/06/2011

Vượt gần 20 km đường đất và bê tông từ T.P Thái Nguyên lên huyện Đồng Hỷ, chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Hùng Vinh, xóm Cà phê 1 xã Minh Lập, huyện Đồng Hỷ, ông là Chủ nhiệm của Hợp tác xã Hương trà (Minh Lập), người có nhiều kinh nghiệm và rất tâm huyết với nghề làm chè. 

 

Trong căn nhà nhỏ 3 gian lợp ngói đỏ thoáng mát, ông Vinh mời chúng tôi uống chén trà tự tay ông vừa mới pha. Sau ngụm trà đầu tiên, ông vui vẻ nói: Thái Nguyên có nhiều vùng chè ngon trong đó sản phẩm Trà Tân Cương và Trại Cài thường hay được người dân tìm mua. Trà Tân Cương cho nước xanh và thơm nhưng về độ đậm và pha được nhiều nước thì trà Trại Cài lại nhỉnh hơn đôi chút. Kể câu chuyện về thương hiệu của vùng chè nơi đây, ông Vinh cho biết: Từ những năm 70, ở đây có một khu chợ nhỏ tên gọi là Chợ Trại Cài, chợ họp ngay bên cạnh con đường chạy qua xóm đi lên xã Hòa Bình, là nơi bà con các xóm của xã Minh Lập và xóm Trung Thành của xã Hòa Bình mang trà búp khô đây lên bán buôn. Các loại trà mua ở đây thường được tư thương gọi chung là trà Trại Cài. Nhờ có chất đất, khí hậu hợp với cây chè và sự chế biến khéo léo của người dân bản địa nên sản phẩm trà búp khô ở đây có hương thơm, vị đượm đặc trưng, ngày càng được nhiều người dân tìm mua. Gần đây, nhờ có sự quan tâm của Nhà nước, Chợ Trại Cài được đầu tư xây dựng kiên cố, rộng rãi, hiện nay, chợ thường xuyên họp vào các ngày chẵn, có khá đông tư thương đến mua trà búp khô và buôn bán các loại hàng hóa khác.

 

Say sưa với câu chuyện làm chè, ông Vinh cho biết: Năm 2010, xóm Cà Phê 1 được công nhận là làng nghề sản xuất, chế biến chè. Nhờ có sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông huyện và sự tìm tòi của chính những người dân nơi đây, nhiều năm nay, bà con nông dân xóm ông đã biết cách sản xuất chè vụ đông. Bình thường, trà búp khô loại ngon chính vụ bán giá cao nhất được khoảng 120.000 đồng/kg thì trà vụ đông luôn có giá từ 250.000 đồng đến 350.000 đồng/kg, thậm chí còn có thể bán giá cao hơn tùy theo từng thời điểm. Để làm được chè vụ đông, bà con nông dân trong xóm phải tích cực bón phân vi sinh, phân chuồng, đốn chè chậm hơn (tháng 3 hàng năm) và thường chỉ thực hiện được trên giống chè trung du chứ chè cành thì khó làm bởi khí hậu lạnh, chè sẽ không ra búp được.

 

Trao đổi với ông Quách Văn Mai, Trưởng xóm, Trưởng Làng nghề chè Cà Phê 1 chúng tôi được biết: Xóm có tổng số 165 hộ với gần 700 nhân khẩu, diện tích chè kinh doanh có trên 70ha, hàng năm xóm bán ra thị trường trên 130 tấn trà búp khô. Nhờ cây chè, nhiều người dân trong xóm ông đã thoát nghèo, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người trong xóm đạt trên 17 triệu đồng/người/năm, một số hộ vươn lên làm giàu.

 

Lợi ích từ việc sản xuất và chế biến chè đã thấy rõ, tuy nhiên vấn đề mà hiện nay ông Mai, ông Vinh và nhiều người dân trong xóm trăn trở là làm sao để phát triển được thế mạnh của làng nghề, tạo được thu nhập cao cho bà con nông dân. Hiện nay, hầu hết bà con trong xóm vẫn “đèn nhà ai nhà ấy rạng”, sản xuất chè vẫn theo cách cũ, chưa đổi mới tư duy hướng tới sản xuất hàng hóa, chưa biết hợp nhau lại để quảng bá sản phẩm. Theo suy nghĩ của ông Mai, để làng nghề phát triển bền vững cần phải đầu tư, chuyên nghiệp hóa các khâu sản xuất sản phẩm (chè búp tươi, trà búp khô, dây chuyền đóng gói sản phẩm…), nghĩa là trong làng nghề sẽ có những nhóm chuyên biệt trong khâu sản xuất và chế biến chè. Sản phẩm của làng nghề phải đồng đều, có chất lượng cao, mẫu mã đa dạng thì mới thu hút được khách hàng và tạo dựng được thương hiệu. Bên cạnh đó, việc xây dựng cảnh quan, môi trường sạch sẽ trong làng nghề rất quan trọng, khách hàng đến giao dịch mua bán sản phẩm, tận mắt chứng kiến đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, các vùng trồng chè không vương vãi vỏ chai, bao bì đựng thuốc trừ sâu, phân hóa học; khâu chăm sóc, thu hái và chế biến đều tuân thủ theo các quy trình sản xuất chè an toàn (Việt GAP)… Những điều này sẽ giúp nâng cao uy tín cũng như thương hiệu của làng nghề, đây cũng chính là những dự định của ông và những người tâm huyết với nghề làm chè sẽ thực hiện trong thời gian tới, góp phần đưa thương hiệu chè Thái Nguyên vươn xa.