Vì mục tiêu giảm thiệt hại trong mùa mưa, bão

14:20, 05/06/2011

Để công tác phòng, chống lụt bão năm 2011 có hiệu quả, ngay từ đầu năm, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình đê điều, hồ, đập thuỷ lợi; giao thông, xây dựng và các khu vực kinh tế trọng điểm; vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng bị ngập sâu, ngập lâu, khu vực lòng hồ và hạ lưu các hồ chứa lớn như Núi Cốc, Vai Miếu...

 

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về xã Cúc Đường (Võ Nhai) - nơi có nhiều xóm thường bị chia cắt khi mưa lũ tràn về. Anh Lèng Văn Hầu, một người dân trong xã cho biết: Thường ngày, nước suối cạn, việc đi lại của chúng tôi không bị cản trở. Nhưng khi mưa to, nước từ thượng nguồn kéo về, con suối nhỏ bé này sẽ biến thành một dòng sông lớn, nước chảy cuồn cuộn, không thể đi lại được. Muốn qua suối, chỉ có một cách duy nhất là lên những chiếc bè tự tạo của một số người dân trong vùng. Như năm ngoái, khi nước dâng cao, để đi qua con suối này, mỗi người phải trả từ 12 đến 20 nghìn đồng/lượt người và xe máy cho chủ nhân của chiếc bè.

 

Tâm sự của người dân vùng cao về những khó khăn phải đối mặt khi mùa mưa bão đến khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Cuộc sống của bà con vốn đã vất vả đủ đường, khi mưa to, lũ lớn lại phải chịu cảnh giao thông chia cắt và bỏ ra những khoản chi phí đi đò. Đó là chưa kể, rất nhiều gia đình đang canh cánh trong lòng nỗi lo lũ quét, lũ ống sẽ tràn xuống nhà cửa, ruộng vườn… Lo lắng của những người dân ở các xã vùng cao là vậy, còn người dân ở những xã nằm ven sông Cầu, sông Công, thường chịu cảnh ngập úng (của các huyện Phổ Yên, Phú Bình, T.X Sông Công) thì sao? Lúa xuân chuẩn bị vào chắc, rồi đây, khi lúa vàng trĩu bông, bà con có kịp thu hoạch trước khi mưa lớn tràn về (?!) Theo nhận định của ông Trần Quốc Hưng, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Nguyên, năm 2011 là năm có nhiều diễn biến phức tạp và bất thường về khí tượng thủy văn. Theo đó, số cơn bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam từ 5-6 cơn, trong đó, Thái Nguyên có khả năng chịu ảnh hưởng của 2-3 cơn bão và áp thấp với mức độ ảnh hưởng nặng hơn năm 2010. Các đợt mưa lớn có khả năng tập trung từ nay đến hết tháng 7. Do vậy, tỉnh cần chủ động đề phòng lốc xoáy, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất có khả năng xảy ra trên tất cả các khu vực, nhất là vùng có nhiều đồi núi.

 

Ông Nguyễn Quốc Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống lụt bão (PCLB) tỉnh cho biết: Trước cảnh báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Thái Nguyên, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương xây dựng xong phương án phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2011 theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy, lực lượng, phương tiện, kinh phí và hậu cần tại chỗ). Trong đó đã khắc phục các điểm yếu về “4 tại chỗ”, sát với thực tế của mỗi địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật hộ đê, hồ, đập cho lực lượng kỹ thuật và lực lượng tuần tra canh gác, xung kích hộ đê, lực lượng thủ kè, thủ cống, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; chuẩn bị vật tư tại chỗ, nhất là vật tư dự trữ lụt, bão trong nhân dân để khi cần có thể huy động ngay tại chỗ.

 

Bên cạnh đó là củng cố hệ thống cảnh báo, dự báo về thiên tai, lụt bão, mạng lưới thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống, thực hiện nghiêm chế độ thường trực trong mùa mưa, bão, lũ. Theo đó kiểm tra toàn bộ hệ thống các công trình đê điều, hồ thuỷ lợi, giao thông, xây dựng và các khu vực kinh tế trọng điểm trên địa bàn, nhất là với các tuyến đê trọng điểm; chú trọng công tác tuyên truyền thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và người dân về thiên tai, bão lụt để chủ động các biện pháp phòng, tránh. Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền cho trẻ em các biện pháp phòng, tránh lũ, đuối nước…

 

Để công tác phòng, chống lụt bão năm 2011 có hiệu quả, ngay từ đầu năm, các cấp, ngành chức năng của tỉnh cũng đã tiến hành kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình đê điều, hồ, đập thuỷ lợi; giao thông, xây dựng và các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh; vùng thường xuyên xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vùng bị ngập sâu, ngập lâu, khu vực lòng hồ và hạ lưu các hồ chứa lớn như Núi Cốc, Vai Miếu...; các vùng khai thác khoáng sản, các tuyến đường giao thông nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sự cố trước mùa mưa lũ, đồng thời xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các hồ chứa theo Nghị định của Chính phủ; có phương án chỉ huy, điều hành công tác phòng, chống lũ cho các công trình... Ngoài ra, tỉnh cũng đã cho sửa chữa các công trình hư hỏng trong mùa mưa bão năm trước… Đối với vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất như các huyện Đại Từ, Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, tỉnh yêu cầu các địa phương này phải xác định được các điểm lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra, kiểm tra, thống kê các hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng có khả năng bị uy hiếp bởi lũ quét và sạt lở đất; tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo kịp thời để người dân biết và phòng  tránh; xây dựng và chủ động triển khai phương án di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi sự cố xảy ra.

 

Với các địa phương nằm trong khu vực bị ngập sâu, ngập lâu như Phú Bình, Phổ Yên, các địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về các biện pháp phòng, tránh lũ, đặc biệt là đối với học sinh ở các bậc học; chỉ đạo nhân dân chuẩn bị dự trữ đầy đủ lương thực, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác đề phòng lũ ngập dài ngày; tổ chức lực lượng canh trực tại các điểm xung yếu, nhằm hướng dẫn mọi người tham gia giao thông  bảo đảm an toàn.