Bất cập trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Võ Nhai

14:22, 31/07/2011

Theo số liệu khảo sát về nhu cầu học nghề của huyện năm 2010, Võ Nhai có trên 41 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 3,8 nghìn người có nhu cầu được học nghề.

Thế nhưng, việc tuyển sinh vào học tại các lớp đào tạo nghề lại rất khó khăn do vẫn còn một số bất cập trong quá trình triển khai thực hiện...

 

 

Hoạt động tuyên truyền vẫn chưa được quan tâm

 

Tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với lao động nông thôn (sau đây gọi tắt là hoạt động tuyên truyền) được đặt lên hàng đầu trong dạy nghề theo Quyết định 1956 ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"  (sau đây goi tắt là Đề án 1956).  Mục tiêu của hoạt động này là nhằm nâng cao khả năng tiếp cận, chia sẻ thông tin, tạo bước chuyển cơ bản về nhận thức của lao động nông thôn trong việc chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng, điều kiện của bản thân và với nhu cầu sử dụng của xã hội. Song, ở Võ Nhai, hoạt động này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Chúng tôi đã gặp và trao đổi với những người dân ở các xã La Hiên, Lâu Thượng và Phú Thượng, một trong 4 nhóm đối tượng cần tuyền truyền về đào tạo nghề theo Đề án 1956. Phần lớn người dân, khi được hỏi, đều không biết gì về Đề án 1956. Hầu hết họ mới chỉ biết đến hoạt động của các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi được tổ chức hằng năm. Ông Dương Văn Lê, nông dân xóm Na Phài, xã Phú Thượng (Võ Nhai) cho hay: Thỉnh thoảng, chúng tôi cũng được xóm, xã mời đi học các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc lúa hay chăn nuôi lợn, gà từ 1-2 buổi, chưa bao giờ nghe nói đến được đi học nghề từ 2 đến 3 tháng. Điều đáng nói ở đây, ngay cả những cán bộ làm công tác đoàn thể ở xóm như: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh là những "kênh" tiếp cận thông tin chủ yếu của người dân ở nông thôn (bởi họ là những người sống "sát" với nông dân nhất) cũng rất "mù mờ" về Đề án này. Trong số những cán bộ làm công tác đoàn thể chúng tôi hỏi, đồng chí Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban mặt trận xóm Na Phài (Phú Thượng) trả lời rằng chưa bao giờ được xã, huyện triển khai hay tập huấn gì về đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 nên chưa hiểu rõ lắm.

 

Qua đây, có thể thấy hoạt động tuyên truyền về đào tạo nghề vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chủ trương, chính sách về đào tạo nghề của Đảng và Nhà nước chưa đến được với nông dân nông thôn, nhất là nội dụng của Đề án 1956. Cho nên, tình trạng bà con chưa mấy mặn mà đăng ký theo học tại các lớp dạy nghề với lý do vừa mất công, mất việc vừa không được ích lợi gì cũng là điều đương nhiên.

 

Đào tạo chưa sát thực, hiệu quả

 

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã La Hiên  cho rằng: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay đang diễn ra theo một quy trình ngược. Lẽ ra, chúng ta cần căn cứ vào nhu cầu học nghề thực tế của người dân từng địa phương để mở lớp thì chỉ tiêu, ngành nghề tuyển sinh lại do từ trên giao xuống, dẫn đến tình trạng có nghề người dân rất muốn học lại không còn chỉ tiêu như nghề: chăn nuôi lợn, gà thả vườn, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. Trong khi đó, có một số nghề như: May công nghiệp, trồng hoa, cây cảnh... lại rất ít người đăng ký theo học. Tôi được biết, vừa qua, Hội Làm vườn tỉnh có đưa về Võ Nhai 1 lớp trồng hoa cây cảnh cho người nghèo với quy mô 30 học viên. Nhưng đã hơn 3 tháng kể từ ngày ra thông báo tuyển sinh, lớp này mới có 19 người đăng ký theo học, vì cho rằng đã nghèo thì làm gì có vốn để đầu tư sản xuất, học về cũng chẳng để làm gì.

 

Qua trao đổi với đồng chí Giám đốc Trung tâm dạy nghề của huyện, lãnh đạo một số xã, chúng tôi được biết nghề may đang là một trong những nghề khó tuyển sinh nhất hiện nay. Theo lý giải của đồng chí Giám đốc Trung tâm dạy nghề thì: Những người có nhu cầu học nghề May đều đi xin việc ở các các xí nghiệp may trong và ngoài tỉnh. Vì ở đó, họ không những được học nghề miễn phí mà còn được hỗ trợ chỗ ăn, ở và tạo việc làm ngay sau khi kết thúc khóa học. Còn bà Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã La Hiên lại lý giải: Trước kia, rất nhiều người xin đi học nghề May để mong có nguồn thu nhập cao, ổn định hơn so với làm ruộng. Song, nhiều người vào làm ở các xí nghiệp may được trả mức lương quá thấp, lại không được đóng bảo hiểm y tế nên đã phải bỏ việc. Thấy thế, nhiều người, dù rất thích học May, cũng bỏ luôn ý định học nghề, chấp nhận ở nhà làm ruộng. Chính con gái tôi cũng đang lâm vào tình trạng này.

 

Cùng với bất cập trên, Võ Nhai vẫn chưa quy hoạch về đào tạo nghề cho một giai đoạn dài hơi 5 năm, 10 năm mà vẫn chỉ căn cứ vào chỉ tiêu kế hoạch từng năm. Do vậy, sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ trong triển khai đào tạo. Việc định hướng nghề cho lao động nông thôn chưa được chuyên sâu, các ngành nghề đào tạo còn ít, chưa sát với nhu cầu thực tế của người dân. Từ năm 2010 đến nay, Võ Nhai đã mở được 7 lớp dạy nghề theo Đề án 1956 cho hơn 200 lao động nông thôn với các nghề: Kỹ thuật trồng và chế biến chè, chăn nuôi gà thả vườn, trồng na, sửa chữa động cơ điezen. Nhưng nhìn vào đây, chúng ta có thể thấy, các ngành nghề được đào tạo đều chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp còn ít. Do đó, đào tạo nghề hiện vẫn chưa đáp ứng được một trong những mục tiêu của Đề án 1956 đề ra là chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn...

 

Ngoài ra, chất lượng đào tạo cũng còn nhiều trăn trở. Ông Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã Tràng Xá (Võ Nhai) cho rằng: Hầu hết lực lượng lao động nông thôn ở Võ Nhai đều sống ở vùng cao, trình độ dân trí thấp, việc tiếp thu bài học còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, hầu hết các khóa dạy nghề chỉ kéo dài trong khoảng thời gian từ 2 đến 3 tháng. Không biết với khoảng thời gian ngắn ngủi đó, người dân sẽ học được gì và liệu có đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của các nhà máy, xí nghiệp không?

 

Thiết nghĩ, để công tác này đạt hiệu quả, trước hết, Võ Nhai cần tăng cường tuyên truyền về chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Đảng và Nhà nước để người dân nhận thức được vai trò của học nghề đối với giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Cùng với đó, huyện cũng cần sớm có một Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn mang tầm chiến lược để định hướng ngành nghề đào tạo cho từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với năng lực, điều kiện của lao động nông thôn và nhu cầu sử dụng lao động của xã hội...