Giống lúa hạt lép chưa được phép trồng tại Việt Nam

15:26, 18/07/2011

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, giống lúa PC10 mà nông dân huyện Lâm Hà trồng cho ra hạt lép đang trong giai đoạn thử nghiệm, chưa được cấp phép canh tác đại trà tại Việt Nam.

 

Theo quy định, bất cứ loại giống cây trồng nào muốn canh tác đại trà phải được Cục trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và PTNT cấp phép. Sau khi lúa được thử nghiệm trồng trên từng vùng đất với số diện tích quy định, thì việc cấp phép mới được tiến hành.

 

Chuyên viên phòng trồng trọt của Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng, Hoàng Hữu Chiến cho biết, theo Quyết định 20 do Chính phủ ban hành ngày 8/10/2008, giống lúa PC10 mới chỉ được phép trồng thử nghiệm tại các tỉnh miền Bắc và Trung. Đây là giống mới, được Cục trồng trọt công nhận vào năm 2008. Hiện giống lúa này vẫn chưa được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

 

Theo ông Chiến, Công ty giống cây trồng Nha Hố đã phớt lờ quy định của ngành, tung giống lúa PC 10 ra thị trường gây hại cho nông dân. "Việc đưa giống lúa PC10 trồng đại trà ở Lâm Đồng của Công ty giống cây trồng Nha Hố cơ quan chức năng không hề hay biết vì không được thông báo, thông qua", ông Chiến nói.

 

Đại diện của Công ty giống cây trồng Nha Hố cho hay chỉ bồi thường cho nông dân dựa trên số lượng giống lúa đã bán đi. Theo hóa đơn bán hàng từ các đại lý của Nha Hố tại huyện Lâm Hà thì lượng lúa giống bán ra chỉ 0,5 tấn. Mặc dù vậy, công ty đã chấp nhận hỗ trợ nông dân đến 5 tấn, tức gấp 10 lần.

 

Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân sử dụng giống lúa PC10 của Công ty Cổ phần giống cây trồng Nha Hố tại xã Tân Văn cho biết, khi mua hàng họ đã không lấy biên lai. Nhà nông Nguyễn Văn Thiết bộc bạch: “Chúng tôi là nông dân, mua bán cái gì cũng chỉ thống nhất với nhau bằng miệng và uy tín là đủ. Có bao giờ biết biên lai mua bán quan trọng như lúc này".

 

Thống kê của Hội nông dân xã Tân Văn huyện Lâm Hà, vụ chiêm xuân vừa qua có 300 hộ gieo sạ giống lúa PC10 của Công ty giống cây trồng Nha Hố, trên diện tích 63 ha. Phần lớn ruộng lúa cho toàn hạt lép. Thiệt hại quy ra tiền lên tới 2 tỷ đồng. Công ty Nha Hố đã thống nhất với huyện hỗ trợ nông dân 5 tấn lúa giống, tương đương 80 triệu đồng. Nếu chia đều thì mỗi hộ nông dân được bồi thường khoảng 300.000 đồng. Trong khi đó, một ha lúa chăm sóc chuẩn tại xã Tân Văn cho thu nhập từ 25 đến 30 triệu đồng.