Khi còn là sinh viên, tôi may mắn được đến thăm thành cổ Quảng Trị, nơi ghi dấu 81 ngày đêm chiến đấu kiên cường của quân và dân ta để bảo vệ thành cổ trong chiến dịch Trị Thiên 1972.
Đứng trước nấm mô tập thể uy nghi, những người thuộc thế hệ đi sau như chúng tôi phần nào hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh, sự anh dũng, kiên cường của những người lính cụ Hồ, mường tượng rõ hơn thế nào là máu xương đã hòa vào lòng đất mẹ, hòa vào dòng chảy của mỗi con suối, dòng khe để tạo nên những bản anh hùng ca bất tận. Từ đó, tôi luôn mong gặp một nhân chứng sống đã tham gia chiến đấu ở thành cổ để được nghe chính người trong cuộc kể cho nghe những câu chuyện ngày ấy. Và một ngày gần đây, tôi đã gặp được bác thương binh Hoàng Hữu Nghị, ở xóm Mạ 2, xã Động Đạt (Phú Lương), một trong số ít những người may mắn trở về sau cuộc chiến năm xưa.
Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, lợp lá cọ của bác, chúng tôi ấn tượng bởi những tấm bằng khen, huân chương treo kín trên tường. Ở tuổi 65, tuy thính giác đã kém bởi ảnh hưởng của bom và đạn pháo năm xưa nhưng giọng nói và tác phong của bác vẫn mang đậm chất lính, nhanh nhẹn và hào sảng. Sau khi giới thiệu về mình và bày tỏ mong muốn được bác kể chuyện khi ở trong quân ngũ, bác Nghị vui vẻ nhận lời.
Đã hơn 30 năm hòa bình lập lại nhưng những ký ức chiến tranh với ông vẫn vẹn nguyên như vừa diễn ra. Năm 1966, khi mới tròn 19 tuổi, người thanh niên Hoàng Hữu Nghị lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Bác được phân công vào đơn vị cảnh vệ của Quân khu 1, làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ chủ chốt ở thành phố Thái Nguyên. Tháng 6-1967, ông chuyển sang làm cảnh vệ của Trung đoàn 246 và hành quân vào phía Nam, bắt đầu quãng thời gian 8 năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - Khe Sanh, điểm nút miền Trung luôn hứng chịu sự đánh phá dữ dội nhất của đế quốc Mỹ. Bác hồi tưởng lại: “Đó là những ngày tháng không thể nào quên trong cuộc đời của tôi. Trên đường hành quân, tôi thấm thía sự gian khổ và khốc liệt của chiến tranh. Đi giữa mùa khô, gió Lào sấy giòn quần áo, khát đến cháy cổ mà không có nước uống. Qua các xóm làng miền Trung, đâu đâu cũng thấy cảnh hoang tàn bởi bởi bom đạn tàn phá. Cảm động nhất là tỉnh cảm của nhân dân dành cho bộ đội. Bà con sẵn sàng nhường những bắp ngô, củ khoai cuối cùng của gia đình cho chúng tôi”. 8 năm chiến đấu ở chiến trường Quảng trị, bác Nghị đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ. Nhưng những năm tháng oanh liệt nhất trong cuộc đời binh nghiệp của bác gắn liền với 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ và thị xã Quảng Trị - cuộc chiến khốc liệt nhất trong chiến dịch Trị Thiên năm 1972.
- Trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ, kỷ niệm nào bác ghi nhớ nhất? Tôi hỏi.
Bác ngậm ngùi: “Đó là kỷ niệm buồn, cũng là nỗi ám ảnh mà tôi không thể nào quên. Tháng 6-1972, chúng tôi nhận được lệnh tiến sâu vào thành cổ và thị xã Quảng Trị để tiếp quản vùng giải phóng. Lúc này, tôi đảm nhiệm chức vụ Trung đội phó Trung đội Thông tin, thuộc Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 84 pháo mặt đất. Cùng với các đơn vị khác, Trung đoàn mang theo cả xe quân sự và pháo lớn dấn sâu vào tận xã An Chú, huyện Triệu Phong - Trung tâm của thành cổ. Bộ đội ta chiếm được căn nhà 4 tầng của Tỉnh trưởng Quảng Trị và sử dụng tầng hầm của tòa nhà làm nơi đặt trụ sở chỉ huy Trung đoàn, đơn vị thông tin và là nơi sơ cứu cho thương binh trước khi chuyển họ về tuyến sau. Giữa lúc ấy, quân đội Việt Nam cộng hòa với sự hỗ trợ tối đa hỏa lực của Mỹ đã tiến hành phản chiến, hòng chiếm lại khu vực thành cổ. Chúng sử dụng pháo và máy bay liên tục oanh tạc những khu vực quân ta đang kiểm soát. Tòa nhà chỉ huy, trong đó có Tổ thông tin số 1 của Trung đội tôi phụ trách bị trúng bom. Trái bom 7,5 tấn với sức công phá khủng khiếp làm sập và bịt kín tầng hầm, chôn sống toàn bộ thành viên của Tổ thông tin. Chúng tôi đã huy động tất cả nhân lực để giải thoát cho những người phía trong, vừa làm việc vừa liên lạc để động viên họ thông qua sóng vô tuyến. Tuy nhiên lượng gạch đá quá lớn, bới được tới đâu thì phía trên lại tụt xuống tới đó. Sau hơn 1 ngày nỗ lực không thành, chúng tôi được lệnh lập tức rút ra phía Bắc sông Thạch Hãn để bảo toàn lực lượng, buộc phải bỏ lại những đồng đội vẫn đang bám víu chút hy vọng mong manh”. Kể đến đây bác Nghị xúc động: “Bao năm qua, những hình ảnh cuối cùng của đồng đội vẫn khiến tội bị ám ảnh, đau xót. Năm 2010, tôi nghe tin đoàn cựu chiến binh của Trung đoàn 84 đã trở lại và tìm được hài cốt của các bạn tại trụ sở chỉ huy năm xưa. 4 thành viên trong Tổ thông tin như vẫn bình thản ngồi bên điện đài và thiết bị kỹ thuật. Tôi luôn ước mong có một ngày được trở lại thành cổ để tìm lại và tri ân cùng các anh”.
Thành cổ Quảng trị khi ấy được xem như “cối xay thịt” khổng lồ, sự so sánh ấy đủ để thấy sự khốc liệt của cuộc chiến. Trong 81 ngày đêm, địch đã rải xuống đây hơn 300 nghìn tấn bom đạn, hàng vạn viên đạn pháo (tổng sức công phá bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống nước Nhật năm 1945). Ông Nghị đã trực tiếp chứng kiến biết bao đồng đội đã ngã xuống. Bản thân ông cũng nhiều lần bị thương bởi đạn pháo ở chân, tay và đầu, với mức độ thương tật 35%. Di chứng của chất độc da cam trong chiến tranh khiến cả 2 người con đầu lòng của vợ chồng sớm mất ngay sau khi chào đời. Tuy vậy, ông vẫn luôn thấy mình may mắn hơn hàng chục nghìn đồng đội đã nằm lại chiến trường để ông được trở về đoàn tụ với gia đình. Ông tâm sự với chúng tôi: “Trong cuộc chiến bảo vệ thành cổ và cả hành trình chống Mỹ cứu nước, quân địch với hỏa lực gấp cả trăm nghìn lần nhưng không thể khuất phục được ta. Chúng ta đã chiến thắng quân thù bằng tình yêu quê hương đất nước và sự anh dũng kiên cường. Tôi và đồng đội tôi sẵn sàng ngã xuống để dành lại hòa bình, độc lập cho dân tộc”.
Là đài tưởng niệm chung cho những người đã ngã xuống. Bên dưới những lớp có xanh ở thành cổ là thân thể, là máu xương, là ước mơ, hoài bão của hàng ngàn vạn liệt sĩ vô danh. Thế hệ đi sau chúng tôi đã và đang cùng hướng về “một thời hoa lửa” của cha anh để ghi ơn, để lòng mình trong trẻo hơn và bỏ đi những toan tính thiệt hơn của cuộc sống thường nhật, để cùng nhau kết đoàn, chung sức, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp hơn để xứng đáng với những hy sinh, những hoài vọng mà cha anh để lại.