Một ngày trên bản người Mông Chòi Hồng

10:34, 25/07/2011

Xóm Chòi Hồng, Tràng Xá (Võ Nhai) có 164 hộ, trên 860 nhân khẩu. Đời sống dựa vào ngô, lúa, mía và chăn nuôi. Ở nơi đây đang hiện hữu những việc làm mới mà người dân chưa hề biết đến...

Đã hơn 10 năm, nay tôi mới có dịp trở lại Chòi Hồng, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai trong hành trình tình nguyện của tuổi trẻ Khối Văn hóa – Xã hội (Đoàn Khối các Cơ quan tỉnh). Thêm một ngày trên mảnh đất này, tôi lại càng thấu hiểu về những thuận lợi, khó khăn và những câu chuyện vượt khó để tạo nên nét mới trong đời sống kinh tế của người Mông Chòi Hồng hôm nay.

 

Con đường vào Chòi Hồng giờ đây đã được mở rộng hơn, có đoạn được đổ bê tông nhưng việc đi lại không hẳn đã dễ, chỉ có xe tải, ô tô gầm cao mới vào được xóm. Từ ngày có con đường ấy, Chòi Hồng đã được tiếp cận được với bên ngoài, con lợn, con gà, bắp ngô, cây mía… đến gần với thị trường, giá bán cũng được cao hơn và nhiều hàng hóa tiêu dùng khác từ thành phố cũng lên được đến đây.

 

Vừa đặt chân đến đầu xóm, bà con nhân dân, nhất là đoàn viên thanh niên Chòi Hồng diện trang phục đẹp nhất vui mừng ùa ra đón chúng tôi như những người thân. Những lời thăm hỏi ân cần, những bàn tay siết chặt càng làm cho không khí giữa chúng tôi thêm thân thiện. Theo kế hoạch, chúng tôi tiến hành khám bệnh, phát thuốc miền phí cho đồng bào; tặng quà gia đình chính sách và các em học sinh nghèo vượt khó trong học tập; tặng tăng âm, sách báo cho nhà văn hóa xóm; giao lưu văn nghệ… Các hoạt động tuy nhỏ, nhưng mang ý nghĩa lớn đối với người Mông Chòi Hồng khi vẫn còn nhiều thiếu thốn này. Chị Hoàng Thị Lý, năm nay 50 tuổi cho biết: “Tuy đã có tiến bộ hơn trước, nhưng đời sống của người dân vẫn còn khó khăn. Được đoàn thanh niên vào tận xóm khám bệnh, phát thuốc, mình vui lắm. Chỉ mong thường xuyên được các cấp, ngành quan tâm đến chúng tôi nhiều hơn, nhất là việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em. Có sức khỏe tốt, sẽ làm được nhiều việc có ích, đời sống kinh tế sẽ khấm khá hơn…”

 

                          Trẻ em  bản Chòi Hồng hồn nhiên vui chơi trên những bãi đá

 

Màn đêm dần buông xuống, Chòi Hồng lấp lánh ánh điện, trong từng căn nhà tiếng cười nói râm ran vọng ra khiến chúng tôi ai nấy đều vui. Bên chén trà, Bí thư Chi bộ Trương Văn Pai kể cho chúng tôi nghe về những ngày đầu lập bản. Ngày ấy cách đây hơn 30 năm, 76 hộ người Mông từ huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng bồng bế nhau về lập xóm Chòi Hồng. Đất ít, kèm theo sự lạc hậu, nên đói nghèo đã đeo bám dân bản nhiều năm. Cũng do khó khăn ấy, 30 hộ đã phải dời bỏ xóm để sang tỉnh Tuyên Quang khai hoang lập nghiệp. Số hộ còn lại bắt đầu cuộc sống mới. Để có bắp ngô, hạt lúa, người dân trong xóm đã đánh đổi bằng cả những cánh rừng bạt ngàn. Cây rừng đổ xuống, đất đai cứ bạc màu vì xói mòn, ngô, lúa chẳng có bắp to, họ lại phá rừng tìm nơi đất mới…

 

Và cứ như thế, chẳng mấy chốc rừng Chòi Hồng cạn kiệt mà đời sống người dân vẫn hoàn đói nghèo. Không những thế, người Mông Chòi Hồng đẻ nhiều, có hộ gia đình đẻ 10 đến 13 người con, lại càng làm cho Chòi Hồng lâm thiếu thốn… Nói đến đây, mắt Bí thư Chi bộ Trương Văn Pai như đọng lại nét buồn! Dừng lại giây lát, anh thay đổi hẳn giọng khi kể về đổi mới, những nỗ lực vượt khó của đồng bào mình trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt khi Chòi Hồng có cán bộ tìm đến, họ thực hiện ba cùng với dân bản; tìm hiểu cặn kẽ thuận lợi, khó khăn, tập quán sinh hoạt của người Mông để rồi tạo ra nét mới ở Chòi Hồng. Những lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi được mở ra, kèm với đó là giống vật nuôi, cây trồng mới được đưa vào sản xuất; điện lưới quốc gia, nước sạch được đưa về tận nhà; nhà văn hóa xóm được xây dựng khang trang để làm nơi hội họp, truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm làm ăn; lớp học được xây dựng, đem cái chữ về với đồng bào…

 

                 Đoàn viên thanh niên khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho bà con

 

Hiện nay, cả xóm có 164 hộ, trên 860 nhân khẩu. Đời sống nhờ chính vào trồng ngô, lúa, mía và chăn nuôi. Trong đó cây ngô, mía được xem là cây trồng mũi nhọn đem lại no ấm cho Chòi Hồng. Bí thư Chi bộ Trương Văn Pai kể vanh vách cho chúng tôi nghe về những hộ gia đình đạt 15-20 tấn ngô/năm; 8-10 tấn đường/năm, như: Đào Văn Ría, Mã Văn Lý, Trương Văn Sang… Anh cho biết thêm tin vui là tháng 1-2011, vinh dự cho xóm đã được thành lập Chi bộ đảng, với 3 đảng viên là: Hoàng Văn Máy, Lý Văn Sình và tôi. Đây là điều kiện tốt để chúng tôi phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của người đảng viên ở miền núi, vùng cao để sớm đưa Chòi Hồng phát triển.

 

Xen vào câu chuyện giữa Bí thư Chi bộ Trương Văn Pai với chúng tôi, Trưởng xóm Dương Văn Sình cho biết thêm: Đã gần 30 năm làm trưởng xóm, tôi đã tận mắt chứng kiến những đổi thay rõ nét của dân bản mình. Họ đã bỏ dần tập tục lạc hậu, làm theo cán bộ, từ đó dân mình đỡ vất vả hơn nhiều. Con em được học hành đầy đủ, có người học đại học y ở dưới tỉnh, vừa rồi xóm lại có hai cháu đi thi đại học ở Hà Nội và Thái Nguyên. Không những thế, xóm vinh dự còn có người được bầu làm đại biểu HĐND tỉnh nữa. Chúng tôi vui lắm khi đời sống dân bản được thay đổi, con em trưởng thành!

 

Chia tay Chòi Hồng trong lưu luyến, nhìn những đồi mía, vạt rừng trải dài, dưới những căn nhà đầm ấm đầy tiếng cười chúng tôi như mang theo niềm vui của họ về nơi thành phố. Ở nơi đây đang hiện hữu những việc làm mới mà trước đây người Mông Chòi Hồng chưa từng biết đến: Khoa học kỹ thuật, kiến thức kinh nghiệm làm ăn và sự trợ giúp của Nhà nước… Tất cả cứ ngấm dần vào từng người Mông Chòi Hồng theo năm tháng để rồi họ đã nỗ lực đẩy lùi cái đói, nghèo tiến tới cuộc sống tươi đẹp hơn xưa…