Nông dân mong mỏi “học nghề nông”

14:00, 03/07/2011

Tại các vùng nông thôn, miền núi, trong đó có huyện Định Hóa nhu cầu học nghề, bổ sung kiến thức về nông nghiệp của người nông dân rất lớn. Nhiều gia đình tuy đã thành lập được trang trại, gặt hái những thành công nhất định nhưng vẫn mong mỏi được “học nghề nông” một cách bài bản để giảm thiểu tối đa những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.   

Hy vọng thoát nghèo từ học nghề

 

Tham dự một buổi học tại lớp sơ cấp trồng trọt và bảo vệ thực vật đang được tổ chức tại xã Kim Sơn (Định Hóa), chúng tôi được chứng kiến và cảm phục trước tinh thần học tập của các học viên “chân đất” nơi đây. Họ đều là phụ nữ, thuộc đối tượng hộ nghèo thuộc 2 xã Kim Sơn và Đồng Thịnh. Mặc dù đang là thời điểm thu hoạch lúa xuân nhưng 30 học viên của lớp vẫn có mặt đầy đủ. Lớp học diễn ra trong không khí thảo luận sôi nổi giữa các học viên và giảng viên. Trong số này, tôi đặc biệt ấn tượng với học viên trẻ Lý Thị Kiều Ly, ở thôn 5 Kim Tân, xã Kim Sơn. Chị Ly vừa bế con nhỏ mới 8 tháng tuổi, vừa cặm cụi nghiên cứu tài liệu và chép bài. Chốc chốc chị lại phải xin phép ra ngoài vì cháu bé khóc làm ảnh hưởng đến lớp học. Chị Ly phân trần với chúng tôi: “Đúng mùa gặt, mọi người trong gia đình đều ra đồng hết nên không biết gửi cháu ở đâu, tôi đành đưa cháu lên lớp học”. Chị Nguyễn Thị Minh, xóm Nà Tát, xã Đồng Thịnh được mọi người trong lớp đánh giá là người chăm chỉ nhất. Mỗi ngày 4 lượt đi về, chị vượt qua quãng đường hơn 40km để tới lớp học. Vậy nhưng chị Minh chưa một lần bỏ học hay đến lớp muộn. Chị cho biết: “Cuộc sống ở nông thôn vất vả lắm, cả 2 vợ chồng tôi đều không có nghề chỉ biết gắn bó với cây chè, cây lúa nhưng lại thiếu kiến thức sản xuất. Trước đây, gia đình tôi làm nông nghiệp chủ yếu dựa trên kinh nghiệm bản thân tự tích lũy được nên không hiệu quả. Nghe thông tin có lớp học nghề nông nghiệp, tôi lập tức thu xếp công việc để đăng ký tham gia. Tôi mong muốn qua lớp học này tôi sẽ học được nhiều kiến thức bổ ích, từ đó từng bước thoát nghèo”.

 

Hầu hết các học viên trong lớp đều cho rằng những kiến thức được giảng dạy đều rất bổ ích và thiết thực, có thể áp dụng ngay tại gia đình mình. Lần đầu tiên họ biết cách ngâm thóc giống đúng kỹ thuật, kích thích hạt thóc nảy mầm nhanh và đều bằng cách trộn phân lân vào thóc giống theo tỷ lệ 0,2kg phân lân/ 10kg thóc. Hay bón phân cho cây chè hiệu quả bằng cách kết hợp các loại phân bón theo tỷ lệ phù hợp và tăng cường bón phân theo hình thức chôn lấp thay bằng bón trực tiếp lên lá như trước đây. Cô giáo Lý Thị Hiệp, quản lý lớp học cho hay: “Các học viên đều học tập rất nghiêm túc, nhiệt tình bởi đây là những kiến thức phục vụ lợi ích sát sườn của họ. Khi được hỏi, hầu hết mọi người đều mong muốn được tiếp tục học thêm các lớp về nông nghiệp như chăn nuôi thú y, sửa chữa máy nông nghiệp…”.

 

Nông dân vẫn “khát” học nghề

 

Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy hầu hết nông dân ở Định Hóa đều có nhu cầu học nghề. Anh Phan Thanh Dương, phố Tân Lập, thị trấn Chợ Chu cho biết: “Cũng như nhiều gia đình chăn nuôi khác ở địa phương, vai trò của công tác thú y và phòng dịch chưa được gia đình chú ý đúng mức. Trong đợt dịch lỡ mồm long móng trên đàn gia súc vừa qua, gia đình tôi phải tiêu hủy gần 30 con lợn, thiệt hại hơn 20 triệu đồng”. Theo anh Dương: “Học phí qua lần dịch vừa rồi là quá… đắt. Nếu tôi được đào tạo bài bản về quy hoạch chuồng trại, phòng dịch đúng cách thì thiệt hại có lẽ không đến mức như vậy”.

 

Theo thống kê, trong năm 2010, toàn huyện Định Hóa có khoảng 55 nghìn người trong độ tuổi lao động, trong đó có trên 5 nghìn lao động đã tìm hiểu và đăng ký học nghề (chiếm khoảng 9,2% tổng số lao động nông thôn). Các nhóm nghề được đăng ký qua Trung tâm Dạy nghề huyện đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp như: chăn nuôi thú y; trồng trọt và bảo vệ thực vật; kỹ thuật chế biến nông, lâm sản… Tuy nhiên, Trung tâm Dạy nghề huyện chỉ tổ chức được được 9 lớp học, với 270 học viên (chiếm trên 5% nhu cầu). Trong 5 năm từ 2007 đến 2010, Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức được 34 lớp sơ cấp nghề cho 972 học viên, thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Việc mở các buổi tập huấn ngắn hạn cho nông dân thông qua sự phối hợp giữa các tổ chức như Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện còn hạn chế…

 

Nguyên nhân dẫn tới việc đào tạo nghề cho nông dân chưa đáp ứng so với nhu cầu là chỉ tiêu và ngân sách của tỉnh và huyện dành cho đào tạo nghề còn thấp. Đơn cử, năm 2011 Trung tâm Dạy nghề huyện chỉ được giao chỉ tiêu tổ chức 4 lớp sơ cấp nghề là trồng trọt - bảo vệ thực vật và sửa chữa máy nông nghiệp; Trạm Khuyến nông được giao tổ chức các buổi tập huấn ngắn hạn từ 3 đến 5 ngày, hội thảo đầu bờ. Việc thiếu giáo viên chuyên môn và tài liệu học tập cũng là một hạn chế đáng kể… Ngoài ra, cũng cần thấy rằng một số lớp học có nội dung chưa thực sự phù hợp nên không thu hút được nông dân đăng ký theo học như: đào tạo nghề may, tin học…

 

Đào tạo “nghề nông nghiệp” cho nông dân là một cách đầu tư hiệu quả, giúp họ nhanh chóng tiếp cận khoa học - kỹ thuật vào thực tế, từng bước nâng cao thu nhập của gia đình và là tiền đề để phát triển nền nông nghiệp bền vững. Với huyện miền núi Định Hóa, nơi có hơn 90% lao động làm nông nghiệp thì nhu cầu đào tạo nghề lại càng bức thiết. Thiết nghĩ, các ban ngành chức năng cần dành sự quan tâm hơn nữa đến đào tạo nghề cho nông dân ở Định Hóa, để họ nắm chắc kiến thức, nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó có cơ hội làm giàu trên chính đồng đất quê hương.