Trong việc đổi mới cơ quan, tổ chức bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 thì vai trò của luật sư (LS) góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp. Xác định được vai trò quan trọng của luật sư, trong 5 năm qua (2005-2010), Đoàn Luật sư Thái Nguyên (ĐLSTN) đã không ngừng phát triển đội ngũ LS chuyên nghiệp, có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, phát huy vai trò của LS trong hoạt động tư pháp mà trọng tâm là hoạt động xét xử.
Để triểnkhai Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ĐLSTN đã tích tực triển khai, quán triệt đến các LS nắm được mục tiêu của Nghị quyết; lập kế hoạch thực hiện và xác định bước đi thích hợp, tập trung vào các nội dung: Tuyên tuyền sâu rộng Pháp lệnh LS và LS cho đội ngũ cộng tác viên của tỉnh và Bắc Cạn; tiếp tục phát triển đội ngũ LS, trong đó, chú trọng nâng cao về số lượng và chất lượng (trọng tâm vào các cán bộ nghỉ hưu là thẩm phán, kiểm soát viên, điều tra viên và sinh viên tốt nghiệp cử nhân luật), tạo mọi điều kiện để họ hành nghề LS. Tiếp tục trao đổi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để từng bước nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; động viên hỗ trợ kinh phí cho các LS đi dự các lớp tập huấn do Trung ương tổ chức. Bên cạnh đó, làm tốt công tác giáo dục truyền thống và quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp LS, gắn với việc học tập, rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gồm 4 mục tiêu mà Đoàn LS đề ra (không vi phạm điều cấm; có phẩm chất đạo đức tốt, có tay nghề chuyên môn cao, có uy tín với khách hàng).
Qua 5 năm (2005-2010) thực hiện Nghị quyết, ĐLSTN đã cử các cộng tác viên đi trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện: Đại Từ, Định Hóa, Phú Bình với trên 1 nghìn lượt người nghe. Đồng thời, ĐLS còn phối hợp với Hội Cựu chiến binh tỉnh, các xã, phường giới thiệu Luật Đất đai, Nghị định 69 về quy hoạch, đền bù khi Nhà nước thu hồi đất của dân để thực hiện các dự án. Từ đó đã giải đáp thắc mắc của nhân dân và các cựu chiến binh, góp phần giảm tình trạng khiếu kiện kéo dài, vượt cấp. Trong công tác xây dựng pháp luật về cải cách tư pháp, ĐLS đã phân công các LS tham gia các dự án luật do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức; Ban chủ nhiệm Đoàn LS cũng thường xuyên tham gia các hội nghị do Bộ Tư pháp và Liên đoàn LS tổ chức; tham gia xây dựng 32 dự án luật, trong đó có 11 dự án luật và 3 văn bản quy phạm pháp luật tập trung vào các lĩnh vực cải cách tư pháp như: Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội; Luật ban hành văn bản qui phạm pháp luật; Luật LS; Sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại tố cáo; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật công chứng, Luật thi hành án dân sự... Đi đôi với những hoạt động trên, ĐLSTN còn dự các cuộc hội thảo do tổ chức Quốc tài trợ với các nội dung: phát triển đội ngũ LS, bồi dưỡng kiến thức kinh tế hội nhập; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho LS; quy tắc đạo đức, ứng xử cho LS.
Là một tỉnh trung du, miền núi có dân số đông (trên 1,2 triệu người); kinh tế đang phát triển, tiếp tục đổi mới và hội nhập, đòi hỏi cần phải nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ LS để đáp ứng tốt nhiệm vụ. Từ năm 2005 đến nay, Đoàn LS đã khuyến khích các LS gia nhập đội ngũ và mở rộng văn phòng luật sư (VPLS) ở những nơi chưa có VPLS. Vì vậy, đội ngũ LS và VPLS không ngừng phát triển: năm 2005 mới có 15 LS và 4 VPLS, đến thời điểm này, đã có 25 LS và 16 VPLS. Ở những huyện chưa có VPLS nhưng các LS đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và khách hàng. Bên cạnh đó, các LS còn tham gia hành nghề ở các tỉnh như: T.P Hà Nội, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Cạn... đạt kết quả cao. Tổ chức bộ máy của Đoàn LS đã được kiện toàn; Ban Chủ nhiệm Đoàn LS cũng như các VPLS hoạt động khá tốt. Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm thụ lý 215 vụ việc, trong đó án hình sự chiếm 50%, án dân sự chiếm 40%; các vụ việc khác chiếm 10%. Chất lượng tham gia tố tụng ngày cao: các LS đã yêu cầu cơ quan tố tụng hoàn hồ sơ điều tra bổ sung 19 vụ; đề nghị cho 70 bị cáo được hưởng án treo; 4 bị cáo không phạm tội; hủy án 14 vụ. Bên cạnh đó, các LS đã tư vấn pháp luật cho 1.198 lượt người, chủ yếu trên các lĩnh vực đất đai, hình sự, từ đó, làm giảm nỗi đau, bức xúc trong dân, giúp họ hiểu rõ đúng sai và có biện pháp giải quyết đúng pháp luật, giữ được tình làng nghĩa xóm; giảm bớt khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Qua đó, vai trò của LS ngày được nâng lên, thực hiện tốt các hoạt động bổ trợ tư pháp theo chủ trương của Nghị quyết 49.
Có thể nói, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ĐLSTN đã đạt được những kết quả đáng kể trong việc xây dựng, củng cố tổ chức, phát triển đội ngũ LS và VPLS; nội bộ đoàn kết nhất trí cao. Trong hoạt động nghiệp vụ đã đáp ứng khá tốt nhiệm vụ: bảo vệ pháp chế, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tổ chức, công dân. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cải cách tư pháp, cũng còn một số bất cập trong việc phát triển đội ngũ LS và có lúc, có nơi LS chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, xã hội. Để tạo điều kiện thuận lợi cho LS phát huy được vai trò của mình trong hoạt động tư pháp, nhất là hoạt động xét xử, ông Phan Thanh Long, Chủ nhiệm ĐLSTN, Trưởng VPLS Sao Mai kiến nghị: Trong thực tế hiện nay, hoạt động của LS còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều trường hợp người bào chữa phải liên hệ, đi lại nhiều lần mới được nghiên cứu hồ sơ. Khi nghiên cứu hồ sơ, người bào chữa phải liên hệ với thẩm phán, kiểm sát viên và đặt lịch rất khó khăn. Có Tòa án còn quy định sau khi có lịch xét xử người bào chữa mới được nghiên cứu hồ sơ. Việc chụp tài liệu cũng không được thống nhất và thường bị hạn chế không đảm bảo để người bào chữa nghiên cứu hồ sơ. Hoặc việc nộp thủ tục xin cấp giấy chứng nhận người bào chữa phải đi lại nhiều lần nếu như không tìm được người thụ lý vụ án để hẹn trước, nhất là đối với trường hợp phải đi từ tỉnh này sang tỉnh khác... Vì vậy, cần tạo điều kiện cho LS về thời gian nghiên cứu hồ sơ, sao chụp tài liệu; nên đơn giản hóa thủ tục giấy chứng nhận cho người bào chữa, thống nhất việc làm thủ tục, cấp giấy chứng nhận người bào chữa vào một đầu mối; cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng bảo đảm cho hoạt động hành nghề của LS trong tố tụng hình sự; trong trường hợp bắt buộc có người bào chữa, đề nghị mở rộng diện bị can, bị cáo được hưởng sự trợ giúp pháp lý...
Ngoài ra, Nhà nước cũng nên có cơ chế thống nhất hỗ trợ cho LS về đất để xây dựng trụ sở hoặc bố trí trụ sở làm việc cho LS. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Đoàn LS thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương… Đây là những vấn đề Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để tạo điều kiện cho các LS phát huy hơn nữa vai trò của mình trong hoạt động tư pháp mà mục tiêu Nghị quyết đề ra.