Quyền lợi người tiêu dùng đã được bảo vệ bằng luật

16:37, 01/07/2011

Từ hôm nay (1/7) Luật Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực. Luật này thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ Quyền lợi người tiêu dùng năm 1999. Đây thực sự là tín hiệu vui cho người tiêu dùng bởi lâu nay mặc dù được coi là thượng đế, nhưng người tiêu dùng vẫn chịu thua thiệt và ấm ức khi mua phải những sản phầm kém chất lượng.

Theo luật, người tiêu dùng Việt Nam được hưởng: Quyền được an toàn; quyền được thông tin; quyền được lựa chọn; quyền được góp ý; được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quyền được khiếu nại và bồi thường; được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Ngoài việc quy định rõ các quyền của người tiêu dùng, Luật cũng quy định các hành vi bị cấm trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua quảng cáo, che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch… của tổ chức, cá nhân; quấy rối người tiêu dùng thông qua tiếp thị hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn người tiêu dùng; ép buộc người tiêu dùng…

 

Luật cũng quy định rõ tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa; niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.

 

Luật là vậy, tuy nhiên, trên thực tế bản thân người tiêu dùng bấy lâu nay còn rất thiếu những thông tin về vấn đề này. Không phải ai cũng là người tiêu dùng thông thái khi lựa chọn sản phẩm cho bản thân mình. Nhiều người tiêu dùng không có ý thức tự bảo vệ mình hay nhờ tới sự can thiệp của các cơ quan chức năng, do đó bản thân người tiêu dùng luôn bị thiệt hại còn nhà sản xuất vẫn bình yên vô sự dù sản phẩm của mình không đạt chất lượng. Một số người tiêu dùng có ý thức bảo vệ mình lại ngại nhờ tới sự can thiệp của cơ quan chức năng bởi tâm lý mình chỉ mua lượng hàng nhỏ, khiếu kiện chưa chắc đã giải quyết được vấn đề lại mất thêm thời gian, chờ được vạ thì má đã sưng nên coi như đây là một lần mua kinh nghiệm cho bản thân.

 

Theo Báo cáo Khảo sát thực trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng và thực tiễn bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam những năm gần đây thì các vi phạm chủ yếu là về chất lượng (chiếm 17,6%), tiếp đến là vi phạm về ghi nhãn hàng hóa, đo lường (điển hình là trong các sản phẩm sữa). Đó là chưa kể đến tình trạng hàng giả tràn lan là sai phạm phổ biến, xâm hại trực tiếp đến lợi ích của người tiêu dùng.

 

Các vi phạm về chất lượng xảy ra chủ yếu ở các mặt hàng tiêu dùng, nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm... có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng lại không hề biết rằng mình đã và đang phải dùng sản phẩm kém chất lượng. Có thể thấy qua các vụ việc như: sản xuất nước tương đen có chứa chất gây ung thư, một số cây xăng gian lận trong đo lường, các cơ sở kinh doanh mỡ động vật mất vệ sinh không rõ nguồn gốc, sữa bột chứa chất melamine, rau trồng bằng nguồn nước ô nhiễm…

 

Mặc dù vi phạm nhiều nhưng đa phần quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ và nhà sản xuất hầu như không bị xử lý bởi chưa có “cây gậy” luật pháp. Hy vọng khi Luật có hiệu lực thì người tiêu dùng có thể yên tâm hơn khi lựa chọn các sản phẩm cho bản thân. Tuy nhiên, chính người tiêu dùng phải tự tìm kiếm cho mình các thông tin về luật pháp để có ý thức tự bảo vệ mình. Còn trách nhiệm của các phương tiện truyền thông là đẩy mạnh tuyên truyền về lĩnh vực này để người dân biết, thực hiện quyền cũng như nghĩa vụ của mình trước bản thân và cộng đồng xã hội.