Tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện xây dựng nông thôn mới

08:29, 12/07/2011

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương (NQTƯ) 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đã tạo ra nhiều chuyển biến rõ rệt, nhất là bước đầu hình thành mô hình nông thôn mới ở các xã thí điểm; công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao một bước đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn…

Đây là nhận định chung tại hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện NQ TƯ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn diễn ra ngày 11/7 tại trụ sở Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự còn có đại diện các bộ, ngành, các tổ chức, đoàn thể Trung ương và thường trực tỉnh ủy, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố trong cả nước.   

Các ý kiến phát biểu tại hội nghị khẳng định NQ TƯ 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn là NQ mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn với hệ thống đồng bộ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Nghị quyết đã được cả hệ thống chính trị và toàn bộ xã hội, nhất là cư dân nông thôn tích cực thực hiện với nhiều biện pháp cụ thể và phù hợp với từng địa phương.

Đến nay, 14/15 mục tiêu mà NQ đề ra đến năm 2010 đã cơ bản đạt được, trong đó công nghiệp và dịch vụ chiếm gần 60% cơ cấu kinh tế nông thôn; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2011 đạt tới 12 tỷ USD; kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn cũng được cải thiện với 97,8% số xã được sử dụng điện lưới, tổng năng lực tưới, tiêu của hệ thống thủy lợi tăng thêm 489.000ha và hơn 37.000km đường giao thông nông thôn nâng cấp và xây mới; tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm còn 11,3%….

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chính phủ bố trí 1.600 tỷ đồng trong năm 2011, tập trung vào 5 nội dung là quy hoạch, đào tạo, tuyên truyền phát triển sản xuất và xây dựng một số cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tổng vốn đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn trong 3 năm 2009 - 2011 lên tới gần 290.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước.

Mặc dù phải thắt chặt tín dụng nhưng dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đến cuối năm ngoái vẫn đạt 382.000 tỷ đồng (tăng gần 55% so với cuối năm 2008) với 10 triệu hộ nông dân được vay vốn. Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” cũng được triển khai rộng khắp trong cả nước với nhiều mô hình và cách làm thiết thực….

Hội nghị cũng là dịp để các địa phương trong cả nước chia sẻ kinh nghiệm tổ chức thực hiện NQ, mà nổi bật là quan điểm phải lấy nông dân làm chủ thể, phát động phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới; kinh nghiệm dồn điền, đổi thửa ở Thái Bình; phong trào tăng thu ngân sách ở thành thị để tăng nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh; chuỗi liên kết nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản ở An Giang; tăng cường đào tạo cán bộ cơ sở ở Thanh Hóa…

Các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ có biện pháp khắc phục nhiều vấn đề còn khó khăn, vướng mắc hiện nay, nhất là năng lực của cán bộ cơ sở cấp xã vừa thiếu, vừa yếu; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo vẫn còn thấp; chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân còn nhiều bất cập; hệ thống thủy lợi nội đồng ở nhiều địa phương còn chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất; hạ tầng KTXH ở nhiều nơi còn yếu kém, môi trường còn ô nhiễm; đời sống của dân cư nông thôn nhìn chung còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng còn lớn; đặc biệt là việc hướng dẫn cụ thể hóa nghị quyết, quyết định của trung ương còn chậm, thiếu đồng bộ khiến địa phương lung túng trong tổ chức thực hiện…

Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các địa phương và các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa ý nghĩa và tầm quan trọng của NQ TƯ 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn sẽ góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.

Các bộ, ngành và địa phương phải coi xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với ban hành và triển khai các chương trình, hành động cụ thể, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện và có sơ kết đánh giá định kỳ nhằm kịp thời uốn nắn, bổ sung, điều chỉnh những cơ chế chính sách, giải pháp còn vướng mắc chưa phù hợp. Chính phủ cũng sẽ họp hàng năm để kiểm điểm việc triển khai NQ này.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách; tiếp tục rà soát cập nhật để hoàn chỉnh các quy hoạch phát triển hạ tầng, sản xuất, xây dựng nông thôn mới làm cơ sở để đầu tư phát triển các lĩnh vực hiệu quả và bền vững, trong đó cần chú ý đến công tác bảo vệ môi trường; tập trung đẩy mạnh triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới với các nhiệm vụ và tiêu chí đã đề ra, góp phần nâng cao nhanh đời sống vật chất tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là ở các vùng khó khăn và thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.

Cùng với tăng mức đầu tư từ ngân sách nhà nước và có cơ chế thu hút mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư cho cho nông nghiệp, nông thôn, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nhất là đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đây là yếu tố quan trọng, căn cơ để rút bớt lao động trong nông nghiệp và thoát nghèo bền vững. Mỗi huyện, mỗi xã ở từng địa phương cần có chương trình dậy nghề cả ngắn hạn, dài hạn, hướng dẫn đầu bờ và trình diễn mô hình sản xuất cụ thể và thiết thực cho bà con nông dân.

Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh thực hiện thắng lợi Nghị quyết, tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ trong trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Đây cũng chính là góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của mỗi địa phương./.