Với việc tuyên truyền hiệu quả và có các biện pháp giúp đỡ trực tiếp cho người đi xuất khẩu lao động nên công tác này của Thái Nguyên thời gian gần đây vẫn có sự phát triển ổn định…
Thành công đầu tiên trong công tác xuất khẩu lao động 6 tháng đầu năm 2011 là 160 lao động trong tỉnh đã chính thức vượt qua các vòng kiểm tra ngoại ngữ, tay nghề của phía Hàn Quốc để xuất cảnh sang đất nước công nghiệp này làm việc với mức chi phí chỉ có 630 USD và 500 USD tiền mua bảo hiểm rủi ro (tổng cộng số tiền người lao động phải chi phí để đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc là 1.030 USD, ngoài ra không còn khoản phí nào khác). Chi phí thấp nhưng những người này khá thuận lợi về môi trường làm việc và thu nhập ổn định. Chị Đỗ Thị Huế, chuyên viên của Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: "Số lao động của tỉnh đi làm việc tại Hàn Quốc trong 6 tháng đầu năm nay có mức thu nhập thấp nhất là 20 triệu đồng/người/tháng và thời gian, môi trường làm theo đúng quy định của pháp luật Hàn Quốc. Các bước đi làm việc tại Hàn Quốc đều được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giám sát, thông tin và hướng dẫn trực tiếp đến người lao động…"
Cùng với đó là các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn tại thị trường Đài Loan, Malaisia có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn, mức thu nhập lại cao hơn từ 15% tới 20% so với thời điểm đầu năm 2010. Đồng chí Phạm Văn Lộc, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh thông tin: "Hiện chúng tôi đang phối hợp với một doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực xuất khẩu lao động để tuyển dụng lao động nữ đi làm công nhân lắp ráp điện tử có thời hạn ở Malaisia với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng, trong khi chi phí xuất cảnh chỉ có 500 USD. Chi phí thấp, yêu cầu trình độ lao động phổ thông nên trong đợt I đã có 18 người lao động trong tỉnh xuất cảnh thành công…". Qua người quen, chúng tôi đã liên lạc được với chị Nguyễn Thị Nga, nguyên là sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thái Nguyên, đã đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan từ năm 2009 và hiện đang làm việc trong một bệnh viện dưỡng lão. Chị Nga cho biết điều kiện làm việc rất thoải mái, thu nhập đạt từ 10 triệu đồng đến 12 triệu đồng/tháng (cả tiền làm thêm giờ) nên có thể chị sẽ xin gia hạn để làm việc thêm 2 năm nữa...
Theo số liệu thống kê của 7 huyện, thành, thị (Đồng Hỷ, Võ Nhai không có báo cáo) và các đơn vị có tham gia hoạt động xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh, 6 tháng đầu năm 2011 đã có 825 lao động trong tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 41,3% kế hoạch cả năm. Kết quả công tác xuất khẩu lao động trong 6 tháng đầu năm tuy chưa cao nhưng trong thời điểm nền kinh tế trong, ngoài nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi sự suy thoái thì đây đã là sự nỗ lực rất lớn của ngành chuyên môn và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành, thị.
Trao đổi với chúng tôi về các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm nay, đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: "Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan đến lĩnh vực xuất khẩu lao động, ngành chỉ giới thiệu những doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, uy tín để về các huyện, thành, thị tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó là vận động doanh nghiệp cùng chia sẻ khó khăn với người lao động để giảm, miễn một số loại chi phí và thực hiện cam kết cộng đồng trách nhiệm khi lao động không may gặp rủi ro, như Công ty Cổ phần Phát triển Quốc tế Việt Thắng, Tổng Công ty Sông Hồng đã thực hiện tại huyện Định Hóa. Đặc biệt, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng, Công an tỉnh và cấp ủy, chính quyền 9 huyện, thành, thị để giúp đỡ những người đi xuất khẩu lao động được vay vốn, làm các thủ tục cần thiết…". Hy vọng với một số giải pháp nêu trên sẽ góp phần hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu đưa 2.000 lao động trong tỉnh trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài trong năm nay.