Chuyện về một người chiến sĩ kiên trung

09:47, 11/08/2011

9 năm tham gia quân ngũ, trong đó 5 năm bị địch bắt tù đầy, trải qua các phòng giam của nhà tù Phú Quốc với những trận đòn dã man của kẻ địch nhưng người lính có tên Nguyễn Văn Phiên vẫn kiên trung một lòng theo Đảng. Hiện, ông đang sinh sống tại xóm Trình, xã Lương Phú, huyện Phú Bình.

Ký ức về những trận chiến

 

Trong căn nhà nhỏ ấm cúng nằm ngay cạnh con sông Đào thuộc xóm Trình, xã Lương Phú, ông hào hứng kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm những năm tháng ở chiến trường: Nhập ngũ năm 1965 tại đơn vị E18, Trung đoàn 250A Quân khu Việt Bắc, sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam chiến đấu. Ông đã trực tiếp tham gia trận đánh vào đồn Bồ Rang và cầu Cần Đậm trên Quốc lộ 13 (năm 1965), tham gia trận chiến chống lại cuộc càn Giang sơn Xity của Mỹ vào Tây Ninh (năm 1966), đánh vào sân bay Phú Lợi, Chi khu Lộc Ninh (năm 1967), trận đánh vào Trường huấn luyện Quang Trung (Hooc Môn - Gia Định) năm 1968…

 

Trong các trận đánh có 2 trận mà ông nhớ nhất đó là trận đánh vào sân bay Phú Lợi năm 1967 và chiến dịch tổng tấn công năm 1968. Trong trận đánh vào Sân bay Phú Lợi (tỉnh Bình Dương) khi quân ta đang tiến vào sân bay thì trận địa bị địch phát hiện, chúng phản pháo bằng trực thăng pháo sáng. Quân ta bắn hỏa tiến vào sân bay, nhưng thế trận bất lợi quân ta được lệnh rút quân, kể đến đây mắt ông bừng sáng: “Không hiểu sao lúc đó tôi khỏe đến thế một mình vác được cả nòng pháo DKB nặng gần 60 kg chạy về căn cứ an toàn, sau lần đó tôi được Trung đoàn DKB tặng Bằng khen”. Còn trận đánh Tết Mậu Thân năm 1968 vào Trường huấn luyện Quang Trung cũng đầy ắp các kỷ niệm: “Tháng 1/1968 đơn vị được lệnh hành quân xuống đồng bằng, cả đơn vị được ăn tết trước, được nghe chính trị Trung đoàn Tám Sơ đọc thư chúc Tết của Bác. Đơn vị hành quân theo trinh sát dẫn đường qua các ấp chiến lược, ngày ém quân trong các lùm cây lúp súp, tối hành quân với trang bị hỏa lực mạnh. Lợi dụng lúc địch ăn Tết mất cảnh giác, ta tổ chức 3 đại đội tấn công thành 2 mũi, một đại đội yểm trợ phía sau để đánh vào khu đầu não của địch. Khi được lệnh quân ta bất ngờ tiến đánh khiến địch trở tay không kịp thế trận đã nghiêng về ta, nhưng đại đội 11 không vào kịp để hỗ trợ nên khi địch phản công lại ta lực lượng mỏng không giữ được thế trận, cuộc chiến diễn ra ác liệt, tôi bị trúng  đạn vào đầu và chân và bị địch bắt làm tù binh, Chính ủy Tám Sơ và nhiều anh em khác đã hy sinh trong trận đánh đó”.

 

Cuộc sống nơi “tù đày”

 

Ông kể: “Ngay sau khi bị địch bắt tôi được chuyển đến nhà tù Hố Nai (Biên Hòa) sau 2 tháng tra hỏi chủ yếu về đường đi kho tàng và bản đồ của ta. Tôi phải qua 5 phòng thẩm vấn theo cách “hỏi một ngày đánh một ngày”, bọn chúng hô to khẩu hiệu “không đánh cho có, có đánh cho chừa”. Tôi bị thương lại bị đánh đập nên rất yếu, nhưng tôi vẫn kiên quyết chỉ nói tên Nguyễn Văn Lan mới ở Bắc vào hành quân trong đêm nên không biết gì. Tôi bị địch xếp vào diện cứng đầu và đưa ra đảo Phú Quốc giam cầm tại khu B3 với số hiệu tù 2538. Cuộc sống ở đây vô cùng khắc nghiệt, hàng ngày bọn địch lại bắt một số tù binh lên tra hỏi, đánh đập, chúng tra tấn bằng cách cho vào thùng phi gõ cho ung đầu; hay cho uống ước xà phòng rồi ép cung …để anh em sợ không giám nghĩ đến chuyện vượt ngục hay hoạt động cách mạng. Rồi chúng nhốt anh em Bắc kỳ và Nam kỳ riêng ra để dễ đàn áp vì anh em ở Bắc kỳ cứng đầu hơn do có biết Hiệp định Gơnever về đối xử với tù binh. Có một lần tên chỉ huy đơn vị quân cảnh tên Thọ đưa một số anh em tù đi chặt cây cao su về làm củi, nhân lúc chúng sơ hở, anh em đã cướp súng bắn lại và chốn thoát. Tuy nhiên, bọn cai tù đã bắn chết 16 anh em rồi đem xác để ở cổng trại để uy hiếp.

 

Vào cuối năm 1972, một lần tôi và một số anh em tù binh bị đưa vào phòng tra tấn đánh đập, sau đó, bọn sĩ quan tâm lý chiến hỏi: “Mày còn nhớ nhà mày ở miền Bắc không, Quân đội Việt Nam công hòa đang tiêu diệt cộng sản nên mày đừng hòng trở về với gia đình, với miền Bắc của chúng mày”… Sau lần đó bọn tâm lý chiến liên tục tra hỏi đánh đập anh em với các câu hỏi như: “Mày có tin bọn mày thắng không? Bên tao sẽ thắng..." Chúng tôi đã có linh cảm về một điều gì đó khiến bọn chúng hoảng loạn tra hỏi tù binh như vậy. Quả đúng thế, ngày 17/2/1973 chúng tôi được gọi theo số tù và đưa về đất liền để trao trả tù binh.

 

Trong suốt 5 năm tôi bị giam cầm ở đây, tôi đã gặp rất nhiều những người cộng sản kiên trung như: Anh Tâm ở Bình Dương, một chiến sỹ biệt động được đào tạo ở Cộng hòa dân chủ Đức về phá hoại tiền tệ. Trong một lần làm nhiệm vụ anh bị địch phát hiện và bắt giữ, anh đã bị địch tra tấn nhiều lần hết sức dã man nhưng vẫn không khai một lời. Ở cùng phòng giam có một ông cụ (không ai biết tên) hiền hậu, kiên nghị ông bị địch bắn vỡ quai hàm trong trận tổng tiến công năm 1968, ông nói: "Kháng chiến chống pháp ông cũng bị giam ở đây (khi đó đây được gọi là nhà tù cây Gứa), sau năm 1954, ông không ra Bắc tập kết mà ở lại chiến đấu". Sau này tôi mới biết ông là cán bộ chủ chốt của Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa. Hay như Đại úy Châu (được biết đến là một tên cai ngục khét tiếng) nhưng sau này mới biết ông chính là một chiến sỹ cộng sản, trong một lần liên lạc với quân ta, ông đã bị Mỹ dò được tần số vô tuyến điện và bị bắt…

 

Hai vợ chồng cùng đánh Mỹ… và cuộc hội ngộ bất ngờ

 

 Ông được sinh ra đúng vào năm nạn đói hoành hành (năm 1945), khi ông mới được gần 10 tuổi thì bố mẹ đều mất, ông lớn lên trong sự cưu mang đùm bọc của bà con hàng xóm. Do mồ côi nên ông không thuộc diện phải nhập ngũ nhưng chứng kiến cảnh giặc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá miền Bắc, năm 1965, khi ông vừa tròn 20 tuổi, chia tay người vợ trẻ ông xung phong lên đường vào Nam chiến đấu. Ông tâm sự: “Cả ngày hành quân, tham gia chiến đấu dù mệt nhưng đêm đến ông vẫn dành thời gian để biên thư kể cho vợ nghe về sự ác liệt của chiến trường, sự kiên trung của người lính trước mưa bom bão đạn của kẻ thù, tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng. Đúng một năm sau ngày ông nhập ngũ ông, vợ ông bà Lương Thị Ngó đã làm đơn tự nguyện đi thanh niên xung phong để cùng chồng tham gia đánh Mỹ. Qua các lá thư ngắn ngủi viết vội nơi chiến trường, hai vợ chồng động viên nhau cố gắng vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và cùng tin vào một ngày mai chiến thắng, vợ chồng xum họp trong hòa bình. Tình yêu nước và tình yêu lứa đôi hòa cùng một nhịp đã cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho ông vượt qua những đòn roi tra tấn hà khắc của quân thù.

 

Từ năm 1968, khi ông bị địch bắt hai vợ chồng mất liên lạc, ông có giấy báo tử chuyển về địa phương nhưng gia đình người thân không có ai. Bà con hàng xóm ai cũng thương ông, mọi người cất giữ cẩn thận giấy báo tử của ông, đợi ngày vợ ông trở về để trao lại. Năm 1973, sau khi quân địch trao trả tù binh, ông được đưa ra miền Bắc và được về nghỉ phép. Ông còn nhớ như in khi ông về đến làng lúc đó đang vào vụ cấy, có người nhìn thấy ông hoảng hốt bỏ chạy vì tưởng ông đã chết. Ông đang lo lắng vì 5 năm vợ chồng mất liên lạc không biết vợ ông còn sống hay đã hy sinh, thì vợ ông trở về. Hai vợ chồng gặp nhau vui mừng khuôn xiết bởi giữa ranh giới của sự sống và cái chết họ vẫn tin vào một ngày đoàn tụ và ngày đó đã đến. Sau đó, ông xuất ngũ về công tác tại Phòng Tổ chức huyện Phú Bình, còn vợ ông công tác tại Hội Phụ nữ huyện, ông và bà sinh được 2 người con một trai, một gái. Hiện nay, các con của ông đều đã lớn và có gia đình riêng, cuộc sống gia đình đã bớt vất vả.