Chuyện về người Anh hùng Lao động

11:26, 24/08/2011

Thời chiến, ông đã có nhiều sáng kiến giúp  nâng cao hiệu quả công việc. Thời bình, ông tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó là chân dung Anh hùng Lao động Nguyễn Mai Tâm ở xóm Thành, Đông Cao (Phổ Yên).

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi về ông Tâm đó là một người xởi lởi, vui tính. Năm nay tuy đã gần 80 tuổi nhưng ông vẫn còn khỏe mạnh, khá nhanh nhẹn. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà xây khang trang có treo nhiều tấm Huân, Huy chương, ông Tâm chia sẻ: Đầu năm 1953, tôi lên đường nhập ngũ và đóng quân tại huyện Phổ Yên. Năm 1958, tôi được chuyển về Trung đoàn 713 - Tỉnh đội Thái Bình. Đến tháng 8-1958, tôi nhận lệnh chuyển công tác đến Tổng đội Công trình 2 thuộc Cục Doanh trại - Tổng Cục Hậu cần. Công việc chính của ông trong quân đội là làm nghề xây dựng, chủ yếu là xây các công trình nhà ở, nhà kho để dự trữ nhu yếu phẩm và vũ khí đạn dược phục vụ cho công tác sẵn sàng chiến đấu. Khi kể lại về những kỷ niệm hoạt động trong quân ngũ, ông trầm ngâm: Khi mới vào làm công nhân xây dựng công trình, tôi luôn chịu khó học hỏi, quan sát để có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Ngày đó, một công nhân bình thường chỉ xây được 2 đến 3 m2 tường đôi/ngày nhưng tôi đã xây được 6 m2/ngày. Nhận thấy dùng quả rọi để làm thước ngắm trong xây dựng mất rất nhiều thời gian và các thao tác thủ công, tôi đã sáng tạo dùng 2 cọc đóng 2 bên tường để xây và trát. Tôi còn sáng tạo ra xe cút kít (xe cải tiến) để vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng khi thi công công trình, giúp giảm được gánh nặng trên đôi vai công nhân và tiết kiệm được công gánh vữa. Ông Tâm còn nhớ rất rõ những ngày tháng xây dựng nhà ở cho quân đội tại tỉnh Bắc Kạn. Khi đó, đơn vị của ông tập trung làm nhà kho. Sau khi hoàn thiện các phần công trình chuẩn bị xây dựng cho phần mái nhà thì cần cẩu mini vận chuyển nước bị đứt. Trong điều kiện thiếu thốn, không có phương tiện để thay thế, ông đã nghiên cứu và sáng tạo ra tời nước dài 30cm để vận chuyển nước từ dưới đất lên các tầng nhà để trộn các nguyên liệu dùng đổ mái. Nhờ đó, công trình xây dựng đã không bị gián đoạn và giảm nhiều công lao động, góp phần đưa năng suất tăng lên 150%. Ông tự hào nói với chúng tôi: Mặc dù đi xây dựng ở các công trường tuy có khó khăn, vất vả nhưng hơn 30 năm trong quân ngũ tôi luôn đảm bảo sức khỏe để lao động. Sáng nào cũng vậy, tôi thức dậy thật sớm tập thể dục rèn luyện thân thể, hít thở không khí trong lành để tạo hứng khởi cho một ngày làm việc mới. Tôi luôn ý thức mình đang xây dựng các công trình phục vụ cho đất nước và luôn tự hào vì công việc đó. Với đức tính khiêm tốn, giản dị, sẵn sàng cảm thông và giúp đỡ mọi người, ông Tâm luôn nhận được sự quý mến, tin yêu của đồng đội. Nhờ những nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, luôn hết mình vì công việc chung, cộng với tác phong gương mẫu, khẩn trương, triệt để chấp hành kỷ luật lao động và có nhiều sáng kiến góp phần giảm công lao động, ông Tâm đã được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 1961, ông Tâm vinh dự được nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Đến năm 1962, ông nhận được Huân chương Lao động hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Ba.

 

Tháng 10 năm 1983, ông rời quân ngũ trở về quê hương. Khi đó, người vợ thân yêu của ông thường xuyên đau ốm nay lại bị liệt nửa người, không thể giúp đỡ được công việc gia đình, bao nhiêu khó khăn lại dồn lên đôi vai ông. Ông Tâm nhớ lại: Lúc đó, hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn. Nhà chỉ có 5 sào ruộng nhưng lại không có trâu, bò để lấy sức kéo cày, tôi đã phải tự tay cuốc ruộng làm đất gieo cấy. Sau khi Nhà nước có chủ trương đưa giống bò Laisin vào địa phương để lai tạo, thay thế dần giống bò địa phương có thể trọng bé còi, gia đình ông Tâm nhận được hỗ trợ 1 con bò về để nuôi. Từ đó, ông có bò để kéo cày, đỡ vất vả phần nào sức lao động. Không quản ngại khó khăn, gian khổ, ông đã tiến hành thâm canh tăng vụ, quay vòng 2 vụ lúa, 1 vụ màu tăng sản nhằm đảm bảo đủ cung cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình và còn dư thừa để phục vụ chăn nuôi. Mỗi lứa, ông nuôi 15 con lợn bột trở lên, bình quân bán được hơn tấn lợn hơi ra thị trường. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích ao của gia đình, ông nuôi thả các loại cá như: trắm, mè, trôi… để có thêm thu nhập. Kinh tế dần dần đi vào ổn định, một ngôi nhà xây khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt đã được xây dựng lên nhờ những nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của ông cũng như các thành viên trong gia đình. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, nhiều năm qua ông Tâm còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương như làm Tổ trưởng Tổ Hưu trí, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã…

 

 Nhận xét về ông, đồng chí Nguyễn Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao chia sẻ: Bà con trong xã rất cảm phục tinh thần, nghị lực và ý chí vươn lên của Anh hùng Lao động Nguyễn Mai Tâm trong chiến đấu cũng như trong phát triển kinh tế gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Ông Tâm là tấm gương tiêu biểu với đức tính cần cù, sáng tạo, xứng đáng để cho các thế hệ sau học tập và noi theo.