Mặc dù đã chuyển đến xóm Quán Chè sinh sống từ năm 1993 nhưng vợ chồng ông Trần Văn Mực và bà Nguyễn Thị Hìu vẫn dành tặng toàn bộ mảnh vườn rộng 512m2 cùng toàn bộ cây cối lâu năm cho bà con xóm Dinh B để làm nhà văn hóa. Nghĩa cử này của vợ chồng ông Mực khiến người dân xã Nga My (Phú Bình) vô cùng cảm kích…
Cùng các đồng chí lãnh đạo xã Nga My, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Mực vào một ngày đầu tháng 8. Điều khiến chúng tôi bất ngờ chính là điều kiện sống của gia đình ông Mực còn hết sức khiêm tốn. Cả ông và bà mấy năm gần đây đều đau yếu nên phải thuốc men thường xuyên. Đặc biệt là từ sau cái chết của người con trai độc nhất xảy ra trong năm 2010. Ông Mực tham gia quân đội năm 1966. Đến năm 1968, khi đang chiến đấu ở chiến trường Bình Phước thì bị trúng bom napan. Tháng 4 -1971, ông xuất ngũ trở về địa phương. Sau này, ông được công nhận là thương binh hạng ¾ và cũng là nạn nhân chất độc da cam. Khi chúng tôi hỏi về lý do tặng lại mảnh đất cho bà con xóm Dinh B, cả ông và bà đều có chung câu trả lời: Gia đình không có nhu cầu sử dụng nữa nên tặng lại để người dân trong xóm có điều kiện làm nhà văn hóa vì ở đây đang rất cần 1 mảnh đất như thế. Tại sao ông bà không bán đi để trang trải thêm cho cuộc sống còn nhiều khó khăn? Ông Mực cười bảo: Chỉ đơn giản vì vợ chồng tôi muốn thế. Được biết, lâu nay, mọi chi tiêu của hai ông bà đều trông cả sự hỗ trợ của Nhà nước dành cho ông, với tổng thu nhập hơn 2 triệu đồng/tháng. Số tiền này, ông bà còn phải dành ra một phần để cùng người con dâu lo cho cô cháu nội đang sinh sống cùng.
Đồng chí Dương Xuân Lại, Bí thư Đảng bộ xã Nga My cho biết: Nghĩa cử cao đẹp này của vợ chồng ông Mực đã tác động rất tích cực đến tình cảm và trách nhiệm của mỗi người dân xã Nga My nói chung, xóm Dinh B nói riêng. Càng có ý nghĩa hơn khi Nga My còn tới 13/26 xóm chưa có nhà văn hóa, mà nguyên nhân chính là do không có đất. Đồng chí Lại hy vọng, tấm gương của vợ chồng ông Mực sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.
Ngay khi được gia đình ông Mực đề xuất tặng lại mảnh vườn, 50 hộ dân xóm Dinh B đã vui mừng, đồng lòng nhất trí đóng góp 700 nghìn đồng/hộ cùng toàn bộ công lao động, cây que để làm nhà văn hóa. Theo ông Nguyễn Văn Thích, Trưởng xóm Dinh B thì ý tưởng làm nhà văn hóa của người dân trong xóm bắt đầu được nhen nhóm từ năm 2001. Tuy nhiên, do đời sống của đại bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn nên chưa thực hiện được (hiện cả xóm có 21 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo). Trên thực tế, xóm cũng có quỹ đất để làm nhà văn hóa với diện tích 400m2, vị trí cũng ở gần mảnh đất của ông Mực nhưng do là đất ao nên để làm được nhà văn hóa và khuôn viên sẽ tốn kém gấp nhiều lần so với việc xây dựng ở vị trí đất liền thổ như của ông Mực. Không có nhà văn hóa nên mọi sinh hoạt tập thể của xóm đều phải mượn địa điểm của nhà Trưởng xóm. Nhiều hoạt động phải tốn cả công sức, tiền của để thuê phông rạp mắc ở ngoài trời. Chính điều này đã làm hạn chế rất nhiều đến việc tổ chức các hoạt động tập thể của xóm.
Anh Nguyễn Văn Phú, người dân xóm Dinh B tâm sự: Khi biết vợ chồng ông Mực tặng cả mảnh vườn cùng nhiều cây cối lâu năm để bà con làm nhà văn hóa, chúng tôi vô cùng vui mừng và biết ơn. Bởi thế, các gia đình trong xóm không ai bảo ai đều cố gắng đóng góp tiền của, công sức để làm nhà văn hóa. Nhiều hộ dân, ngoài phần đóng góp theo quy định còn tự nguyện ủng hộ thêm tiền, gạch để xóm có điều kiện làm nhà văn hóa to hơn. Noi gương ông Mực, gia đình tôi cũng đã tình nguyện cho xóm mượn nhà và sân để tập kết nguyên vật liệu và làm cửa, đóng khung nhà. Đặc biệt, anh trai tôi là Nguyễn Văn Giao, ở xóm Dinh A mấy ngày nay cũng vui vẻ đến phụ giúp chúng tôi đục, chạm phần khung nhà. Anh Giao tâm sự: Tôi thực sự cảm động trước nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng ông Mực vì thế, khi được cán bộ xóm Dinh B mời đến giúp bà con mấy buổi, tôi nhận lời ngay. Đây cũng là việc làm vì con, vì cháu của chúng ta.
Sau gần 1 tháng khởi công xây dựng, nhà văn hóa xóm Dinh B đến nay đã cơ bản hoàn thành, với diện tích rộng trên 60m2, mái lợp ngói múi, nền nát gạch đỏ…, tổng kinh phí xây dựng công trình khoảng 80 triệu đồng (chưa tính công lao động). Bà Nguyễn Thị Sờ nói trong xúc động: Ơn ông bà Mực quá! Nhà đã chuyển đi rồi mà vẫn còn nặng tình với làng xóm. Mảnh đất này chính là dấu ấn để chúng tôi mãi nhớ đến 2 ông bà. Giờ thì niềm mong ước có nhà văn hóa của xóm tôi đã thành hiện thực. Chúng tôi rất tự hào về điều này.
Quả vậy, nghĩa cử cao đẹp này của gia đình ông Mực rất đáng để mỗi người chúng ta trân trọng. Mong rằng, sẽ ngày càng có nhiều tấm gương biết vì lợi ích của tập thể như gia đình ông Mực.