Hạn chế ô nhiễm môi trường bằng bể biogass cải tiến

14:13, 17/08/2011

Bể biogas đúc sẵn bằng vật liệu composite là công nghệ xử lý chất thải trong sinh hoạt và chăn nuôi tiên tiến được người dân ở nhiều nơi áp dụng. Sau một thời gian thử nghiệm, công nghệ này đã chứng tỏ nhiều ưu điểm vượt trội so với hầm biogas xây bằng gạch. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có gần 100 gia đình sử dụng hầm biogas xây gạch để xử lý chất thải sinh hoạt và chăn nuôi. Tuy nhiên, sau vài năm vận hành, các bể xây gạch đã bộc lộ nhiều khuyết điểm như: bể không kín, tuổi thọ hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn chưa được xử lý triệt để do phân tươi chưa kịp phân hủy đã bị xả thải ra bên ngoài; gas dùng cho đun nấu, thắp sáng vẫn còn mùi hôi... Sau khi tìm hiểu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng và có sự hỗ trợ của Hội Làm vườn tỉnh, Hội Làm vườn huyện Định Hóa đã lựa chọn mô hình bể Biogass composite để khuyến cáo nông dân sử dụng.

 

 Có chị Nguyễn Thị Tươi, xóm Bãi Hội, xã Bảo Cường là một trong những hộ tiên phong ở Định Hóa sử dụng bể Biogas composite. Gia đình chị thường xuyên nuôi từ 4 đến 6 con lợn nái sinh sản nên lượng chất thải từ chăn nuôi khá lớn. Trước đây, nước thải được gia đình chị chứa trong bể hoặc trực tiếp đổ thẳng ra vườn và ao cá. Chị chia sẻ: “Cách làm này khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ngày nắng chất thải bốc mùi hôi nồng nặc, ngày mưa nước thải lại chảy lênh láng khắp nơi gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người”. Được sự khuyến cáo của Hội Làm vườn huyện, cuối năm 2009, gia định chị Tươi quyết định xây hầm Biogass composite có dung tích 6m3, trị giá 8,6 triệu đồng. Chị cho biết: “Bể biogass cải tiến này có rất nhiều ưu điểm. Đó là khí gas có ngọn lửa mầu xanh, sinh nhiệt lớn và không có mùi hôi. Bên cạnh đó, hiệu suất sinh khí lớn hơn so với bể xây gạch từ 1,5 đến 2 lần nên chỉ cần nuôi từ 5 đến 7 con lợn thịt là đủ đáp ứng nhu cầu gas đun nấu và thắp sáng của gia đình. Nguồn phân chuồng sau khi phân hủy sẽ tự động được đẩy ra ngoài nên người sử dụng không mất công dọn bể”.

 

Giống như chị Tươi, ông Trịnh Hồng Thắng, xóm Du Nghệ, xã Đồng Thịnh cũng rất tâm đắc với bể biogas cải tiến. “Loại bể biogass mới khắc phục được những nhược điểm mà bể cũ không có. Đó là có thể lắp đặt, sử dụng trong điều kiện nền đất lún. Việc lắp đặt đơn giản bởi trọng lượng bể nhẹ, dễ di chuyển, phù hợp với điều kiện địa chất và địa hình vùng trung du, miền núi. Sau khi lắp đặt chỉ khoảng 1 ngày đã có ga để sử dụng. Chất thải từ chăn nuôi sau khi được xử lý qua bể Biogas composite đã hạn chế được tối đa mùi hôi”, ông Thắng phân tích. Theo kinh nghiệm gần 3 năm sử dụng của ông Thắng: Bể Biogas composite phù hợp với cả những gia đình chăn nuôi với quy mô nhỏ, vừa tiết kiệm được nhiên liệu đun nấu và thắp sáng, vừa bảo vệ môi trường. Hiện gia đình ông Thắng duy trì quy mô chăn nuôi với 1 con lợn nái sinh sản và 2 con trâu.

 

Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Định Hóa cho biết: Nhận thấy những những ưu điểm của bể Biogas composite, từ năm 2008, Hội Làm vườn huyện đã phối hợp với Công ty TNHH Quang Huy (Hà Nội) triển khai lắp đặt thử nghiệm tại một số hộ chăn nuôi ở các xã như: Bảo Cường, Đồng Thịnh, Trung Lương… Đồng thời, mở các lớp tuyên truyền về lợi ích của bể Biogas composite, khuyến cáo các hộ chăn nuôi có hầm biogas xây gạch quá hạn sử dụng chuyển sang công nghệ này. Mỗi gia đình khi lắp đặt bể biogas cải tiến sẽ được hỗ trợ số tiền 1,2 triệu đồng. Đến nay, thông qua tổ chức Hội, đã có hơn chục hộ đăng ký, lắp đặt và gần 30 hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện chủ động lắp đặt bể Biogas composite tại nhà.

 

Qua kiểm nghiệm thực tế, bể Biogas composite đã cho thấy tính ưu việt khi góp phần làm cho chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh, hạn chế sự lây lan dịch bệnh, góp phần hạn chế sự tổn thất kinh tế do dịch bệnh đối với người chăn nuôi. Đây là mô hình ứng dụng thiết thực, hiệu quả trong chăn nuôi cần được tiếp tục nhân rộng.