Họ được giúp đỡ làm lại cuộc đời

09:43, 03/08/2011

Có thời gian tĩnh tâm suy nghĩ về những việc làm của mình, được chỉ bảo, và  học nghề phù hợp để sau này trở thành người có ích cho gia đình…  

Đó là những gì mà các học viên Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội Đại Từ đang thực hiện với mong muốn làm lại cuộc đời…

 

Cuộc trao đổi của chúng tôi với anh Đỗ Đại Phong, Trưởng phòng Hành chính (Trung tâm Chữa bệnh giáo dục lao động xã hội Đại Từ) liên tục bị gián đoạn bởi các cuộc điện thoại vì vừa có 2 học viên bỏ trốn. Anh Phong dự đoán các đối tượng trốn bằng đường nào, đang di chuyển đến đâu… và điện thoại ngay cho cán bộ Trung tâm phối hợp với các lực lượng chức năng để truy bắt đối tượng. Anh Phong bảo: Ba phía của Trung tâm có "hàng rào" là nước hồ Núi Cốc nhưng mùa này nước hồ cạn nên các học viên rất dễ trốn, nhất là những người mới cắt cơn sẵn sàng bỏ trốn để đi tìm thuốc. Trung tâm rộng 10ha nhưng chỉ có 19 cán bộ vừa làm công tác quản lý, vừa trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn cho gần 100 học viên học nghề nên công việc bận như "con mọn". Việc quản lý đã khó, việc bắt học viên bỏ trốn lại càng khó và nguy hiểm, bởi hầu hết các học viên chữa bệnh tại đây có HIV.

 

Trung tâm hiện đang quản lý gần 100 học viên nhưng chỉ được cấp kinh phí 300.000 đồng/học viên/tháng trong thời gian 1 năm đầu (thời gian lao động chữa bệnh tại Trung tâm là 2 năm) nên không đủ để chi phí các bữa ăn, vì thế, Trung tâm phải tăng gia thêm để bổ sung bữa ăn của học viên. Hiện nay, Trung tâm có khoảng 0,7ha rau xanh các loại, mùa nào thức ấy, dư để cung cấp cho bữa ăn của học viên, thỉnh thoảng Trung tâm còn cung cấp rau xanh cho chùa Sơn Dược (Đại Từ). Ngoài ra, còn 07ha chè kinh doanh đã cho thu hoạch, 1,8ha chè cành mới trồng; vườn ươm keo lai, chè cành với trên 30 vạn gốc; 0,7ha ao thả cá, 0,9ha khoai Mặt Quỷ, 40 con trâu. Từng ấy cũng đủ tạo việc làm cho các học viên lao động vừa để quên đi ma túy, vừa có thêm chất dinh dưỡng bổ sung vào bữa ăn hàng ngày.

 

Anh Phong cho biết thêm: Hầu hết học viên đều đang độ tuổi Đoàn nên việc gắn kết các hoạt động Đoàn với hoạt động của Trung tâm tạo thành một gia đình lớn để lôi kéo các học viên cùng tham gia, hướng họ vào những hoạt động tập thể với mục đích tuyên truyền, vận động họ từ bỏ ma túy. Ngoài ra, căn cứ vào sở thích và điều kiện kinh tế của từng học viên để Trung tâm hướng cho họ một nghề phù hợp với sức khỏe, sau này khi hết thời gian học tập, chữa bệnh trở về địa phương có cơ hội tìm cho mình một việc làm ổn định mang lại thu nhập và không tái nghiện. Ở Đại Từ, phần lớn các hộ dân đều trồng chè, nên việc trang bị kiến thức về trồng, chăm sóc chè được nhiều học viên tham gia. Có những học viên sau khi cai nghiện trở về đã tu chí làm ăn, áp dụng những kiến thức học được để phát triển kinh tế gia đình và thường xuyên giữ mối liên hệ với các cán bộ Trung  tâm.

 

Trao đổi với chúng tôi, một số học viên (xin được giấu tên) đều có suy nghĩ mong muốn sau 2 năm học tập, lao động, chữa bệnh tại Trung tâm trở về sẽ "quên" được ma túy. Bởi bản thân đã hiểu được nỗi khổ riêng mình, gia đình khi có người nghiện, sự kỳ thị, xa lánh của bạn bè, cộng đồng… Trong thời gian học tập, chữa bệnh ở Trung tâm, phần lớn các học viên đều có ý thức và nghiêm túc chấp hành các quy định cũng như tham gia các hoạt động tập thể. Hàng tuần, các phòng đều tổ chức sinh hoạt, rút kinh nghiệm thông qua phiếu nhận xét đánh giá của từng học viên và giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn nảy sinh. Mỗi tháng, Trung tâm tổ chức sinh hoạt tập trung một lần với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền về phòng chống ma túy, HIV… tạo không khí gần gũi, đoàn kết các học viên như một gia đình lớn vậy.

 

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Từ có khoảng 500 người nghiện ma túy (đối tượng có hồ sơ quản lý tại địa phương), nhưng nếu chỉ có sự nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm của các cán bộ Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục, lao động xã hội với công tác cai nghiện ma túy thì chưa đủ, mà quan trọng việc cai nghiện có thành công hay không phải xuất phát từ suy nghĩ của mỗi người nghiện với quyết tâm từ bỏ. Bên cạnh đó, sự ủng hộ của gia đình, cộng đồng và các cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng.