Khi tư tưởng người dân đã thông

14:26, 23/08/2011

Vào những ngày này, nhân dân xã Sơn Phú (Định Hóa) đang sôi nổi với phong trào hiến đất làm đường liên xã Sơn Phú - Điềm Mặc. Trong đó, các hội viên Hội Cựu chiến binh (CCB) của xã là những người đi tiên phong. Họ không chỉ tình nguyện hiến hàng nghìn m2 đất mà còn chủ động di dời tài sản trên đất để làm đường…

Ông Nguyễn Tiến Hành, Chủ tịch Hội CCB xã Sơn Phú dẫn chúng tôi đi thăm trục đường mòn qua 5 thôn: Bản Thanh; Sơn Vinh 1,2; Hồng La 1,2. Đây là những thôn nằm trên trục đường liên xã đang được tiến hành giải phóng mặt bằng, để chuẩn bị cho việc thi công tuyến liên xã. Trục đường này dài 5,7 km nối từ xã Sơn Phú sang    Điềm Mặc. Dọc con đường mòn cũ, các hộ dân  đã chặt hạ nhiều vườn cây, phá bỏ ruộng rau thậm chí nhiều đoạn đường còn in dấu vết máy xúc vừa san ủi. Ông Hành nói: “Tháng 5-2011, tỉnh chủ trương đầu tư làm đường cho xã, đến đầu tháng 8, giải phóng mặt bằng. Đến nay, tính sơ qua, tổng diện tích đất thu hồi của 5 thôn đã đạt gần 27.000 m2. Điều đáng mừng là các hộ trong diện bị thu hôi đất đều tình nguyện hiến đất”. Được biết, đây là con đường vành đai ATK được UBND tỉnh đầu tư với kinh phí 15 tỷ đồng. Lúc đầu, người dân nơi đây vừa muốn có đường  mới nhưng cũng muốn được đền bù. Tuy nhiên, tỉnh chỉ cấp kinh phí để đầu tư làm đường chứ không có quỹ đền bù giải phóng mặt bằng. Vì thế Đảng ủy, chính quyền cùng các tổ chức đoàn thể ở địa phương đã phải tổ chức nhiều cuộc họp để tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức tự giác của bà con. Từ khi có chủ trương này, những “người lính già” đã đi đầu trong việc hiến đất làm đường. Trong họ vẫn luôn thấm nhuần tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”.

 

Ông Mai Phúc Hoàng, Chi hội trưởng Chi hội CCB xóm Hồng La 1, người đã hiến gần 800 m2 đất (gồm cả đất rừng, đất vườn, ao cá và đất thổ cư) tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. 20 năm đi bộ đội (từ năm 1963 đến năm 1983) rồi xuất ngũ, đến bây giờ thấy quê hương vẫn chẳng mấy đổi thay. Bà con, lũ trẻ vẫn phải đi học, đi làm bằng “đôi chân” (đi bộ) trên con đường mòn năm xưa. Cuộc sống vẫn khó khăn, lam lũ một phần lớn là do xóm, xã chưa có đường giao thông thuận lợi. Được tỉnh đầu tư làm đường, chúng tôi rất phấn khởi. Mỗi nhà phải mất một ít đất nhưng bù lại là cái lợi  lâu dài cho chính chúng tôi và các thế hệ sau này”… Quan điểm của ông Hoàng cũng là quan điểm chung của các hội viên CCB ở đây. Hành động vì lợi ích chung của các hội viên CCB đã có sức mạnh hơn nhiều lời thuyết phục. Cứ như thế, bà con đều noi theo, tình nguyện hiến đất mở đường.

 

Ông Đoàn Mạnh Nấng, hội viên CCB Chi hội xóm Hồng La 2, cũng tình nguyện hiến trên 1.000 m2 đất, trong đó có trên 700 m2 là đất ruộng, vườn, đồi chè cũng nói: “Con đường này bà con trong xóm đã khao khát từ lâu. Đây không chỉ là đường liên xã phục vụ cho việc đi lại của nhân dân mà còn là con đường có ý nghĩa lịch sử bởi nó nối sang di tích Đồi Khau Tý - nơi đầu tiên Bác Hồ dừng chân tại Việt Bắc để lập chiến khu trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Di tích này là niềm tự hào của nhân dân vùng ATK chúng tôi”. Trong lần hiến đất làm đường này, 34 hội viên của Hội CCB xã Sơn Phú không những tiên phong tình nguyện hiến đất mà còn chủ động di dời tài sản trên các khu đất để tạo điều kiện thuận lợi cho con đường sớm được thi công. Theo ước tính của Hội CCB xã, diện tích đất mà các hội viên hiến để làm con đường này là gần 9.500 m2 (trong tổng số 27.000 m2 đất thu hồi của 5 thôn). Hầu hết các hội viên đều hiến đất với tinh thần đường cần làm đến đâu thì sẵn sàng hiến đất đến đó, không hề tính toán hay đòi hỏi. Có thể kể đến một số hội viên tích cực như các ông Mai Phúc Mạ, Hà Quang Tác, Ma Khắc Thơ, Lưu Xuân Quỳnh…”

 

Không chỉ hiến đất làm đường mà nhân dân các xóm có con đường chạy qua còn đóng thêm 100.000 đồng/khẩu để hỗ trợ cho việc thi công ở những nơi địa hình khó khăn, di chuyển mồ mả, công trình phụ, giúp đỡ những gia đình khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc mở đường. Tìm hiểu về phong trào hiến đất làm đường của các hội viên Hội CCB xã, chúng tôi được biết thêm, từ năm 2006 đến năm 2009, khi Nhà nước có chủ trương hỗ trợ nhân dân làm đường bê tông (với tỷ lệ 80% kinh phí đầu tư của Nhà nước và 20% vốn của nhân dân đóng góp) ở các xóm Sơn Đầu 2; Văn Phú; Trường Sơn; Vũ Quý; Sơn Thắng; Bản Trang; Phú Hội 1,2; Bản Thành với tổng chiều dài 7km, tổng diện tích đất thu hồi là 8.000 m2 thì 43 hội viên Hội CCB của xã đã hiến trên 6000 m2. Cách nghĩ, cách làm của các hội viên Hội CCB ở Sơn Phú thật đáng trân trọng.