Hợp tác xã dịch vụ môi trường (HTX DVMT) là loại hình HTX đặc thù, vừa có chức năng kinh tế, vừa có chức năng xã hội, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, góp phần bảo vệ cuộc sống cộng đồng. Tuy nhiên, đến nay tỉnh ta mới có 6 HTX loại này đang hoạt động, việc phát triển và nhân rộng mô hình này đang gặp một số khó khăn…
Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế tại một số HTX DVMT trên địa bàn, trong đó có HTX DVMT Trung Thành, xã Trung Thành (Phổ Yên). Ông Vũ Hồng Châu, Chủ nhiệm HTX cho biết: Được thành lập năm 2009 với 12 xã viên, HTX đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên phạm vi các xã: Trung Thành, Tân Hương, Thuận Thành, Đông Cao, Tân Phú và nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn. Với 7 lao động (chủ yếu là nữ, nhiều người thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn), 1 ô tô tải mới được huyện hỗ trợ và một số xe đẩy tay chở rác, trung bình mỗi tháng HTX thu gom trên 200m3 rác. Ngoài ra, HTX còn phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT); thường xuyên tham gia nạo vét kênh mương, hệ thống thủy lợi nội đồng… Đến nay, sau hơn 2 năm hoạt động, HTX đã khẳng định những lợi ích thiết thực, không chỉ giúp cải thiện môi trường sống của cộng đồng, giải quyết việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập trung bình gần 1,5 triệu đồng/tháng mà còn giúp người dân hình thành nếp sống thân thiện với môi trường. Đây cũng là ý kiến của ông Nguyễn Minh Khắc, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phổ Yên khi đánh giá về hoạt động của HTX DVMT Trung Thành. Ông Khắc cho biết thêm: Trên địa bàn huyện có hai HTXVSMT là HTX DVMT Trung Thành và HTX Phổ Yên. Mỗi ngày, cả hai HTX trên thu gom, vận chuyển khoảng 10 tấn rác thải, “giải quyết” 25% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày của huyện.
Được biết, ngoài Phổ Yên, các huyện: Phú Lương, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Đại Từ, mỗi địa phương đều có 1 HTX DVMT đang hoạt động, không vì mục tiêu lợi nhuận (làm dịch vụ có thu phí của các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị để bù các chi phí như sửa chữa, trang bị dụng cụ, đồ bảo hộ và trả lương…). Ngoài các HTX trên, tham gia công tác thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt còn có 27 tổ, đội (chủ yếu tập trung ở T.P Thái Nguyên), 2 doanh nghiệp và 2 Ban Quản lý VSMT. Đây là những đơn vị do UBND các huyện, xã, thị trấn thành lập và quản lý. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì hoạt động của các HTX có nhiều ưu thế hơn so với các tổ, đội và Ban Quản lý VSMT. Vì các HTX này được thành lập dựa trên tinh thần tự nguyện của xã viên, tự chủ, tự chịu trách nhiệm nên việc quản lý, tổ chức hoạt động chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thêm vào đó, phạm vi hoạt động của các HTX này cũng rộng hơn, không chỉ ở những nơi tập trung đông dân cư mà mở rộng ra nhiều vùng nông thôn... Trong khi đó, theo số liệu của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên và Môi trường), hiện nay, lượng chất thải sinh hoạt được thu gom mới đạt khoảng 144 tấn trong tổng số 404 tấn phát sinh mỗi ngày, tương đương với 36% nhu cầu, khu vực nông thôn chỉ thu gom được khoảng 17%. Thực tế đó đang đặt ra yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động bảo vệ môi trường. Với những ưu thế của mình, HTX DVMT được xem là giải pháp hiệu quả, đáp ứng tốt yêu cầu trên. Ngoài ra, khi mô hình này phát triển sẽ tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Hiệu quả là vậy nhưng việc phát triển và nhân rộng mô hình HTX DVMT đang gặp phải một số “rào cản”. Trước hết đó là khó khăn do thiếu vốn. Số vốn tự có của các HTX DVMT hiện nay vẫn thấp, chỉ đủ mua sắm trang thiết bị cần thiết, trong khi các nguồn như vốn tài trợ của chính quyền và các tổ chức quốc tế, chương trình nước sạch và VSMT, cải tạo chỉnh trang đô thị… không nhiều. Trong khi, giá trị tài sản thế chấp của các HTX không cao nên rất khó tiếp cận với vốn ngân hàng. Theo bà Ngô Thị Mai, Chủ nhiệm HTX DVMT Phú Cường, thị trấn Đình Cả (Võ Nhai) thì chính vì thiếu vốn nên các HTX DVMT cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương về phương tiện vận chuyển, quỹ đất để xây dựng trụ sở… Riêng với HTX DVMT Phú Cường, mặc dù được thành lập từ năm 2000 nhưng do thiếu vốn, HTX không mua sắm được những thiết bị cần thiết, nên chỉ hoạt động cầm chừng. Đến tháng 2-2011, khi được huyện hỗ trợ 1 xe ô tô tải, việc thu gom, vận chuyển rác thải đã nhanh hơn, hiệu quả hoạt động được nâng cao, có thể mở rộng phạm vi thu gom ra các xã lân cận thị trấn Đình Cả. Qua trao đổi với đại diện Ban Chủ nhiệm của một số HTX DVMT, chúng tôi được biết, hiện nay, các HTX đều phải dựa vào nguồn thu chính là phí vệ sinh môi trường do các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị đóng góp, trong đó, 10% trích lại cho người thu phí trực tiếp, 10% nộp ngân sách nhà nước, còn lại 80% để chi trả cho các hoạt động như lương, sửa chữa, mua mới phương tiện… Tuy nhiên, với mức phí trung bình từ 15 đến 20 nghìn đồng/tháng/hộ, các HTX chỉ có thể bù các khoản chi phí. Việc tích lũy, đầu tư mở rộng rất khó. Chưa kể tình trạng “thất thu” khoản phí này vẫn diễn ra do nhiều hộ dân tuy đã kí kết hợp đồng với HTX nhưng không nộp theo cam kết. Hàng năm, mỗi HTX đều bị thất thoát từ 5 đến 10 triệu đồng. Thực tế này cũng được ông Phạm Đức Sảnh, Trưởng Ban Kiểm soát HTX Cờ Hồng, xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên), đơn vị đang có ý định tổ chức thêm dịch vụ vệ sinh môi trường chia sẻ. Qua tìm hiểu hoạt động của các HTX DVMT, ông cho rằng: Giữa các HTX DVMT và các hộ gia đình chưa có ràng buộc chặt chẽ, thường chỉ dựa trên một bản hợp đồng được kí theo kiểu “đánh trống ghi tên”, bị thất thoát tiền phí là điều khó tránh khỏi, việc xử lý những trường hợp không nộp phí cũng rất khó. Đây là điều khiến Ban Quản trị HTX chúng tôi không khỏi do dự khi định tổ chức thêm dịch vụ môi trường.
Như vậy, để phát triển và nhân rộng mô hình HTX DVMT, thiết nghĩ chính quyền địa phương “chung tay” giải quyết tình trạng “thất thu” của các HTX DVMT hiện nay bằng việc gắn đóng phí VSMT của các hộ với danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, tổ dân phố văn hóa... Các địa phương và Liên minh HTX tỉnh nên có một “cơ chế đặc biệt” để hỗ trợ về vốn, cơ sở vật chất cần thiết như trụ sở làm việc, phương tiện vận chuyển cho các HTX này. Trước mắt, các cơ quan hữu quan cần sớm tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng môi trường và nhu cầu thành lập các HTX DVMT trên địa bàn, kịp thời hỗ trợ những người tiên phong thành lập HTX theo mô hình trên, đồng thời khuyến khích các HTX dịch vụ nông nghiệp tổ chức thêm DVMT để nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh, phấn đấu tất cả các địa bàn đều có đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải đến nơi quy định.